share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Chuyện ở Leh và những ly trà nóng hổi


ADVERTISEMENT

Tôi đến Leh (thành phố thuộc Ladakh) vào những ngày giá lạnh nhất của vùng Bắc Ấn Độ, khi mà cả thành phố chỉ duy nhất hai kẻ điên rồ đến đây với mục đích du lịch. Mà không hẳn, tôi đã xác định rõ tư tưởng từ nhà rồi, đi nghỉ đông thôi nên chẳng có nhu cầu gì nhiều ngoài ăn bánh uống trà và ngắm phố. Bởi thế, chuyến này coi như là đúng mục đích bởi được uống trà.

Đến Leh cho kỳ nghỉ đông

Tháng 12, nắng và lạnh cắt da cắt thịt

Tháng 12 ở Leh quả nhiên như lời đồn, lạnh, lạnh thấu xương. Gọi là trung tâm thành phố nhưng chỉ bé ngang một khu chợ nhỏ, với đường lát đá và hai bên san sát những cửa hàng lưu niệm, quán ăn, dịch vụ mà hầu hết đang đóng cửa trong mùa thấp điểm. Chính vì vậy, tôi dành sự chú ý của mình tới những quán trà nhỏ, mang đậm phong cách Ấn, giản dị dòng chữ “Tea Stall” trên tấm bảng cũ, dăm chiếc ghế vài chiếc bàn, chồng bánh roti cùng chiếc nồi lớn kê trên bếp.

Hàng quán hầu hết đã đóng cửa

Dăm cửa hàng bán đồ lưu niệm còn lại trên phố chính

Tôi thuê khách sạn ở gần một cái ngõ nhỏ nhưng tấp nập, nằm giữa chợ địa phương và phố đi bộ. Cái ngõ tuy ngắn chừng hơn chục mét nhưng có đủ thứ, thực phẩm, đồ dùng, và 5 quán trà cả thảy. Tại sao lại nhiều quán như thế, liệu họ có lãi gì không khi một cốc trà tính ra chỉ khoảng 10 ngàn tiền Việt? Mà không phải thứ trà đá dân Việt Nam vẫn hay uống, là trà Ấn đóng hộp - công thức chung của mọi quán, nấu cùng với sữa tươi để ra được màu nâu nhạt, nóng và thơm lừng.

Con đường nhỏ xíu nhưng bán đầy đủ mọi thứ

Lúc nào cũng có thể tấp nập như thế này

Và quá trời quán trà chỉ trong vòng hơn 10 mét

Mãi cho tới khi ngồi đây cùng với những người dân địa phương, tôi mới hiểu họ mở quán không đơn giản là bán trà, họ bán cả những câu chuyện và tình yêu với vùng đất này. Leh, vốn là một thành phố nằm trong thung lũng, xung quanh là dãy núi Himalaya bốn mùa tuyết phủ, thời tiết khắc nghiệt và vị trí địa lý khá xa so với các thành phố lớn khác, bởi thế người dân hầu hết hiếm được đi xa khỏi Ladakh, vậy nên vùng đất Phật giáo này luôn cho người ta cảm giác yên bình, và có cái gì đó huyền bí nhưng lại rất gần gũi. Những câu chuyện xung quanh ly trà cũng vậy. Đó đơn giản là hỏi han, chia sẻ, và cầu nguyện.

Người dân ngồi ở bậc thềm sưởi nắng

Vùng đất Phật giáo này luôn cho người ta cảm giác yên bình

Người ta vừa đi vừa cầu nguyện

Tôi được mời uống trà khi vừa về tới khách sạn, khi thức dậy, trước khi đi ngủ và khi từ ngoài đường về, mà đúng hơn là bất cứ khi nào gặp, bạn nhân viên dễ thương cũng đều hỏi rằng tôi có muốn dùng một tách trà nóng không. Đó là thói quen, là lịch sự và cũng là cách quan tâm, giống như Việt Nam cũng có thói quen mời nước những vị khách đến nhà. Còn những quán trà trên đường phố Leh cũng phổ biến như việc người ta vào một quán cà phê để nói chuyện.

Hầu như ở đâu trong Leh cũng có thể thưởng thức trà nóng

Đứa trẻ theo cha mẹ tới chợ

Nhịp sống lặng lẽ của mùa du lịch thấp điểm

Leh của mùa đông lạnh giá

Leh không xô bồ ồn ã, không có nhiều xe cộ, không có sự chèo kéo mà chỉ có ánh mắt hiền hậu, nụ cười tươi và câu chào “Julley” hào sảng. Những ngày ở Leh của tôi là những ngày nghỉ đông thực sự, với trà, bánh, rau củ, áo khăn màu mè trên phố, với việc chậm rãi nhìn ngắm mọi thứ ở đây, lắng nghe tiếng cầu nguyện giữa nhịp sống lặng lẽ của mùa du lịch thấp điểm. Người ta tới đây mùa xuân ngắm đào nở, mùa hạ xanh tươi, thu vàng lá đổ, nhưng mấy ai được thấy Leh phủ tuyết trắng, nhấp ngụm trà và “nghe lỏm” chuyện nhân gian của mùa đông Bắc Ấn?

 


ADVERTISEMENT