share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Con Đường Hồi Giáo – phá vỡ bức tường vô tận của Trung Đông


ADVERTISEMENT

Bạn biết gì về Trung Đông?

Thú thật, tôi chẳng có nhiều kiến thức về vùng đất xa xôi này. Đối với tôi, Trung Đông khủng bố và chiến tranh, rối ren và loạn lạc chỉ vì tranh chấp những mỏ dầu. Mãi cho đến khi đọc cuốn “Con đường Hồi giáo” của Nguyễn Phương Mai, tôi mới nhận ra một điều: hóa ra bấy lâu nay, mình đã suy nghĩ và áp đặt quá thiển cận đối với vùng đất này.

Sáng la cà với “Con đường Hồi giáo”

“Con đường Hồi giáo” xuất hiện qua lăng kính của cô nàng Nguyễn Phương Mai trong hành trình chín tháng, xuất phát từ cánh cung Saudi tỏa về hướng Tây mà Tây Ban Nha là điểm dừng cuối cùng.

Bản đồ cung đường hành trình

Chín tháng mòn mỏi, chín tháng lê gót chân đến 13 quốc gia Trung Đông để mang đến cái nhìn chân thực và rõ nét nhất về một vùng đất mà “một đất nước nội chiến, hai đất nước trong tình trạng vô chính phủ, mười đất nước còn lại biểu tình hàng ngày” - (Con đường Hồi giáo).

Nếu ai đã từng đọc “Tôi là một con lừa” của Nguyễn Phương Mai chắc sẽ không mấy xa lạ với lối viết phóng khoáng có chút hài hước của cô nhưng ở “Con đường Hồi giáo”, Phương Mai pha thêm sự ngạo nghễ, bất cần của một người phụ nữ bản lĩnh, thành công và độc lập khi cố sức bỏ qua những lời khuyên răn để đặt chân đến vùng đất chẳng ai dám đến, chỉ vì cô có niềm tin “Trung Đông không chỉ có thuốc súng mà còn có phấn hoa, không chỉ có chiến trận mà còn có dạ vũ hoan ca” - (Con đường Hồi giáo).

Và, tôi nghĩ, Phương Mai đã đúng. Có một Trung Đông cực kì ấn tượng hiện ra trước mắt…

Một Ả Rập Saudi cấm cung, nơi thánh địa Mecca chỉ còn là một khối đá, nơi giá trị của người phụ nữ trở về con số âm không thời hạn. Nhưng hàng ngày ở Saudi, hội nữ quyền vẫn đấu tranh không ngừng nghỉ.  

Saudi hiện lên với hình ảnh người phụ nữ kín như bưng

Một UAE hào nhoáng vươn mình giữa những xa hoa nhưng bản thân quốc gia này lại đang loay hoay đi tìm bản sắc văn hóa – cái vốn dĩ UAE không có. Đúng! Nghe thật khó tin, UAE thiếu đi gốc rễ văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, UAE lại là quốc gia cân bằng giữa hai thế giới đang cùng tồn tại ở Trung Đông. “Sa mạc hóa vàng”, có lẽ rất đúng với UAE.

Dubai - nơi sa mạc hóa những tòa nhà chọc trời

Một Oman rất thơ như Trung Đông thần tiên - nơi có vị vua Sultan đức độ và những quốc dân Oman thân thiện. Nhưng Oman cũng lạc điệu giữa những tiềm ẩn hòa bình, khi dần dà mất đi tinh thần của quốc gia tiên phong về hàng hải với huyền thoại Sinbad.

Thiên đường Trung Đông chỉ có ở Oman và Jordan

Một Yemen khiến tôi thay đổi nhận thức về khăn trùm đầu hijab và mạn che mặt của phụ nữ. Dù giữa làn sóng bất ổn về chính trị sâu sắc nhưng “Trí khôn thuộc về người Yemen” như lời Muhammad để lại giúp tôi tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng hơn với đất nước này dù họ vẫn đang ở đáy cùng của khốn khó.

Yemen - trí khôn thuộc về người Yemen (Muhammad)

Một Syria lạc lõng giữa những chiến trận liên miên và tang thương bao trùm mọi hướng. Nơi mà nếu bước chân vào đó, đến hít thở hằng ngày cũng chỉ là bầu không khí của mất mát nhưng người dân Syria lại quý mến khách đến nhà và dùng toàn bộ tình người để cư xử với nhau.

Syria vẫn đẹp giữa mê cung chiến trận

Một Palestine được biết đến với thánh địa Jerusalem linh thiêng, là trung tâm của thế giới, là điểm giao nhau của ba lục địa Á, Âu, Phi và cũng là nơi hội tụ cội nguồn của ba tôn giáo lớn. “Và ở Jerusalem, mỗi hòn đá là một câu chuyện kinh thánh” - (Con đường Hồi giáo).

Palestine - nơi hội tụ 03 tôn giáo lớn của nhân loại

Một Ai Cập vàng son đã tắt khi người Ai Cập để văn hóa ngoại xâm đồng hóa và chẳng còn xương máu linh hồn dân tộc. Đến đây, tôi thầm tự hào về nền văn minh nước Việt mình, dù không hùng vĩ và lâu đời như Ai Cập nhưng qua bao thăng trầm sóng gió, người Việt vẫn biết ai bạn, ai thù, cái gì vay mượn, cái gì cần lưu giữ.

Ai Cập còn lại gì ngoài vài tượng Nhân Sư và Kim Tự Tháp

Con đường Hồi Giáo là cuốn sách chân thực về một Trung Đông rất khác mà tôi từng đọc. Ở đó, Trung Đông hiện lên như cô gái trẻ, lúc âu sầu, khi rực rỡ, lúc bế tắc, khi lại cuồng nhiệt và đầy hy vọng.

Có một câu trong sách nói thế này: “Trên đời này không có kẻ xấu và người tốt, chỉ có kẻ tốt nhiều và tốt ít hơn, hay kẻ xấu nhiều và xấu ít hơn” (Con đường Hồi giáo). Phải chăng giữa những mảng đen thăm thẳm của Trung Đông, đâu đó mầm xanh vẫn nở hoa, tình người vẫn có lúc bung tỏa rực rỡ. Và dù chúng ta là ai, ở đâu, hãy phóng tầm nhìn nghĩ xa hơn và đi xa hơn để nhìn ngắm thế giới bao la đâu chỉ mỗi cái ao làng nhà mình. Thêm một điều hay ho là đừng lấy những gì thuộc về tôn giáo hay văn hóa bản địa mà đánh giá quốc gia khác. Có thể bạn cho rằng việc trùm khăn che kín đầu của cô gái Trung Đông là xấu xí hay ấu trĩ nhưng bạn đâu biết, có người rất tự hào và vinh dự khi được khoác trên mình những tấm khăn choàng như vậy.

Những trang viết chân thực và rõ nét về một Trung Đông rất khác

Gấp cuốn sách lại: “Vậy Trung Đông có gì?”. Trung Đông là tấm thảm đầy màu sắc với trầm tích văn hóa ngàn năm, với những công trình kiến trúc đến nghẹt thở, với vẻ hiện đại và hào nhoáng, với niềm tin tôn giáo mãnh liệt và với những giá trị không dễ phán xét đúng sai.

Vậy đó, Trung Đông không biết từ lúc nào trở nên huyền bí và kì diệu đến mạnh mẽ để tôi tự nhủ: hay mình đến Trung Đông một lần nhỉ?

“Hay là mình đến Trung Đông nhỉ?”


ADVERTISEMENT