Ghé làng Sình ngắm tranh dân gian xứ Huế
Làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km về mạn Nam sông Hương. Đến với làng Sình vào một buổi sáng cuối tuần, bạn sẽ phải đi qua những cánh đồng, những làng xóm Huế tĩnh lặng trong tia nắng chói chang của ngày, đi qua nhà thờ được sơn sắc vàng chói, và những khoảng sân ngập cây cỏ hoa lá của nhà vườn Huế. Và rồi, làng Sình hiện lên với vẻ đẹp thơ mộng chẳng chút bóng dáng của đời sống thị thành. Dọc con đường thôn xóm nhỏ thẳng tắp dẫn đến bờ sông Hương là những nếp nhà đặc trưng kiến trúc Huế, hàng cau nối tiếp nhau đưa lữ khách ghé thăm như lạc bước vào những vần thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử.
Làng Sình được thành lập từ thế kỷ 15, chỉ cách cảng sông Thanh Hà dòng sông Hương - cũng là cảng sông nổi tiếng Đàng Trong một thời với phố cổ Bao Vinh sầm uất bán buôn và tàu thuyền trong nước và quốc tế qua lại. Dù thế, làng Sình như sự lắng đọng của thời gian, và vẫn lưu giữ nét truyền thống cổ kính của làng quê Cố đô, đồng thời là trung tâm văn hoá với chùa Sùng Hóa, hay nghề làm tranh. Đó cũng là lý do, tranh dân gian xuất phát từ ngôi làng này được gọi là tranh làng Sình.
Nghề làm tranh ở làng Sình ra đời vào khoảng hơn 400 năm trước, chủ yếu nhằm mục đích phụ vụ việc thờ cúng vào dịp lễ Tết, tương tự như dòng tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống. Cũng vì lịch sử lâu đời, các đề tài tranh làng Sình chủ yếu phản ánh tín ngưỡng cổ xưa hay tả cảnh sinh hoạt xã hội lúc bấy giờ. Dòng tranh phục vụ tín ngưỡng có tranh tượng bà và tranh con ảnh, bên cạnh đó, còn có tranh nhân vật vẽ Táo quân, tranh đồ vật, hay 12 con giáp. Đề tài đa dạng phản ánh đời sống văn hoá người dân xứ Huế thời xa xưa là nét đặc trưng của những bức tranh làng Sình. Cho đến nay, nghề làm tranh tại đây đã mai một, thậm chí có nguy cơ thất truyền, nhưng cũng lặng lẽ như tranh làng Sình, nghệ nhân tranh Kỳ Hữu Phước vẫn hàng ngày lưu giữ và truyền dạy cho những đứa trẻ tò mò trong làng cách làm tranh.
Cũng nhờ nghệ nhân Hữu Phước, tranh làng Sình có thêm những bước tiến mới, những dòng tranh mới cũng nối nhau ra đời như tranh đấu vật hay tranh tố nữ. Nếu đến làng Sình, hãy tìm đến ngôi nhà cuối làng, ngay cạnh dòng sông Hương để lắng nghe nghệ nhân Kỳ Hữu Phước kể chuyện về tranh làng Sình. Gọi ngôi nhà của ông là xưởng làm tranh hay bảo tàng tranh Làng Sình cũng chẳng sai. Bước chân qua cổng nhà ông, âm thanh đầu tiên những vị khách ghé thăm có thể nghe thấy là tiếng đục đẽo những bản khắc từ gỗ mít.
Cũng giống với cách làm tranh truyền thống Việt Nam ở miền Bắc, tranh làng Sình được tạo ra từ việc in tranh trên những bản khắc có sẵn. Vì thế, toàn bộ quá trình này đều được làm thủ công. Tranh Sình có nhiều kích thước tuỳ thuộc vào khổ giấy in tranh là giấy mọc quét điệp chủ yếu được lấy từ vỏ hến từ sông Hương. Người nghệ nhân sau đó dùng chiếc phết là mảnh vỏ dừa khô đập dập một đầu, quét mực đen lên ván in. Sau đó, bàn tay nghệ nhân tiếp tục phủ giấy lên trên, xoa đều bằng xơ mướp rồi bóc ra để khô.
Các màu thường được sử dụng trong tranh làng Sình thường rất tươi sáng, đa dạng màu sắc chủ yếu là xanh dương, vàng, đỏ, đen, xanh lục. Từ sắc đỏ của nước lá bàng, sắc đen của tro rơm, sắc tím của hạt mồng tơi, cho đến sắc vàng từ lá đung và búp hoa hoè… mỗi màu sắc tự nhiên này đều gắn với dấu ấn vùng quê Huế. Theo nghệ nhân Hữu Phước, tô màu cho tranh Sình không khó nhưng cần sự tỉ mỉ và tập trung nhất định, vì thế thói quen làm tranh của ông là ngồi một mình và cặm cụi công việc ông đã làm trong suốt 60 năm cuộc đời.
Nếu có ai đó hiểu về tranh làng Sình nhất, thì đó phải là nghệ nhân đang ngồi cặm cụi đẽo gọt bản khắc, in tranh, tô màu hay seo giấy ấy. Giờ đây, khoảng sân nhà ông luôn chói chang dưới những tia nắng bởi sắc tranh phơi cùng màu giấy điệp phản chiếu long lanh. Mỗi bức tranh treo trên tường gợi một hồi ức xa xưa của vùng đất, và con người sống trong vùng đất đó. Nét vẽ đặc trưng của tranh làng Sình chú trọng chi tiết và sống động với hoạt cảnh lại càng thêm độc đáo khi đặt vào những dòng tranh mới và chủ đề hiện đại.
Lịch sử tranh làng Sình gắn với chính những biến động của ngôi làng này nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung. Từng có 20 năm trời nghề làm tranh thất truyền, những bộ tranh cúng chìm vào quên lãng. Không ai làm tranh và cũng chẳng ai mua tranh vào các dịp lễ lạt. Tranh làng Sình những tưởng chỉ còn là một phần của quá khứ, nhưng lại được hồi sinh sau đó nhờ nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, rồi được giới thiệu trong Festival Huế và chính thức quay trở lại đời sống tín ngưỡng và văn hoá xứ này.
>>Xem thêm: Hương Thuỷ Xuân - Hương sắc xứ Huế