Hà Nội băm sáu phố phường, những đền trấn nghi ngút khói hương
Có lẽ không đâu trên đất nước Việt Nam này có nhiều đền trấn như mảnh đất kinh kỳ Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến. Nơi đây chứng kiến bao trang sử hào hùng của dân tộc, từ những triều đại phong kiến huy hoàng, đến những năm tháng lửa bom kháng chiến. Người ta vẫn truyền tai nhau, sở dĩ Hà Nội có nhiều đền miếu đến vậy là để trấn những u linh bao đời ngã xuống nơi đây. Trong những ngày một mình lang thang khu phố cổ Hà Nội, tôi có dịp ghé thăm những ngôi đền thiêng nghi ngút khói hương gần đây, tìm hiểu một phần đời sống tâm linh của người dân chốn Bắc Hà.
Đời sống tâm linh người Hà Nội
Nhắc đến Hà Nội, có lẽ không ai là không nghĩ đến con cầu Thê Húc sơn son dẫn vào đền Ngọc Sơn giữa Hồ Hoàn Kiếm. Chỉ những cái tên thôi, đã chứa đựng bao truyền thuyết ly kỳ của dân tộc. Đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc giữa hồ, được xếp vào di tích lịch sử quốc gia đợt 4 và được xem là biểu tượng tâm linh của Hà Nội. Ngôi đền được xây dựng vào thế kỷ 19, thờ Quan đế trấn ác, sau được đổi thành chùa thờ Phật, qua nhiều lần tu sửa trở thành ngôi đền như ngày nay.
Cầu Thê Húc nối vào đền Ngọc Sơn
Kiến trúc của đền thể hiện khá rõ nét sự hòa hợp tôn giáo qua ngàn năm văn hiến. Xây dựng theo kiến trúc hình chữ Tam, đền Ngọc Sơn hiện nay là nơi thờ Văn Xương Đế Quân và đức thánh Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, nơi đây còn thờ Phật, Lã Động Tân, Quan Vân Trường. Điều này cho thấy rất rõ quan niệm “tam giáo đồng nguyên” của người Việt về tinh thần đoàn kết, hòa hợp các tôn giáo. Sự hòa hợp này không chỉ thể hiện rõ ở việc thờ cúng mà còn ở cả lối kiến trúc, hệ thống câu đối, hoành phi, vật bài trí trong đền.
Một góc cổng đền Ngọc Sơn
Hôm tôi vào ghé thăm đền, may mắn là một ngày lễ cúng nên không phải mua vé vào. Băng qua cây cầu Thê Húc, mang ý nghĩa “Ngưng tụ hào quang”, tôi bước vào đền, cũng đông nghịt người như bao khu du lịch khác, nhưng tôi lại thấy nơi đây đượm màu cổ kính, linh thiêng.
Người dân trả lễ cho thần
Cũng trong dịp này, tôi may mắn được chứng kiến đời sống tâm linh của người Hà Nội, khi họ đến cầu nguyện và trả lễ ở một trong những ngôi đền trứ danh của đất nước. Phải vậy tôi mới hiểu, đền Ngọc Sơn không chỉ là một cái tên, một địa điểm tham quan du lịch, đây còn là nơi gửi gắm ước nguyện của bao đời người dân đất kinh kỳ. Người dân đem lễ vật đến cúng thần, thành khẩn cầu nguyện, mong cho gia đình ấm êm hạnh phúc. Có lẽ nhuốm phải bầu không khí linh thiêng này, tôi, và cả những du khách đang thưởng ngoạn, cũng thấy nơi đây mang một sức mạnh tâm linh không thể coi thường.
Trong đền lúc nào cũng nghi ngút khói hương
Cảm nhận được bầu không khí linh thiêng, những người khách nước ngoài ngang qua tượng thần cũng thắp nén nhang, góp chút hương khói cho đền, dù có lẽ họ còn chẳng biết trong đền thờ ai.
Bên cạnh khu thờ thần, đền Ngọc Sơn còn có tủ kính đặt tiêu bản to lớn của cụ rùa Hồ Gươm, khiến du khách ghé thăm phải tò mò, thảng thốt.
Tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm
Sự kết hợp giữa đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm đã tạo thành lối kiến trúc Thiên – Nhân hợp nhất, với tổng thể cổ kính, nhưng cũng không thiếu sự hài hòa giữa thiên nhiên và đời sống tinh thần con người. Trong lúc ghé thăm đền, bạn cũng có thể tản bộ xung quanh, nhìn ngắm hồ Gươm nước xanh văn vắt từ đảo Ngọc. Ngọn gió lành từ hồ thổi đến, phả vào mặt hơi thở thuần khiết của thiên nhiên và thoảng hương nhang khói. Tôi ngồi thật lâu bên lò hóa vàng, nhìn ngôi đền qua làn khói mờ, nghĩ về những năm tháng can trường đã qua của dân tộc, rồi ra về.
Đền hiện đang trong quá trình trùng tu
Rời đền Ngọc Sơn khi đã thỏa nguyện, tôi về lại phố Hàng Buồm, thưởng thức một phần bún đậu trứ danh, rồi ghé thăm một trong Thăng Long tứ trấn – đền Bạch Mã. Đền Bạch Mã nằm ở phía Đông thành, ngay trên số 76 phố Hàng Buồm. Ngôi đền thiêng được xây dựng rất sớm, từ thế kỷ 9, để thờ thần Long Đỗ - vị Thành hoàng trong tín ngưỡng cổ người dân thủ đô.
Đền Bạch Mã thờ Thành hoàng Long Đỗ
Đền mở cửa cho du khách được vào tham quan miễn phí. Bước qua cánh cổng sơn son thếp vàng, tôi thấy mình như đặt chân vào một thế giới khác, tách biệt với nhân gian ồn ã ngoài kia. Khói nhang du lãng, những người khách say mê văn hóa chầm chậm thả bước theo từng mái ngói cột đình, tôi cũng vì thế mà tuôn lòng hăng say.
Chú bạch miêu trong đền Bạch Mã
Là một ngôi đền lớn với diện tích 500 m2, Bạch Mã trải qua nhiều lần trùng tu theo các triều đại nên mới giữ được vẻ ngoài tráng lệ như ngày nay. Đền được xây theo hình chữ Tam, bên ngoài là phương đình tám mái, có một tam bảo và hơn 13 hoành phi. Hoạ tiết bài trí trên các ô cửa đền gần gũi với phong cách kiến trúc của phương đình tại Hội Quán Quảng Đông ở Hội An.
Kiến trúc đồ sộ và tráng lệ
Giữa những rêu phong trên vách, đền Bạch Mã mang nét đẹp hoài cổ với những hoa văn khắc cửa, những bức hoạ cổ xưa. Hiện nay, ngôi đền gồm có nghi môn, phương đình, thiêu ương, cung cấm và nhà hội đồng ở phía sau được bố trí theo chiều dọc trong một không gian khép kín. Ngoài ra còn có miếu thờ Tề Vương Phi và Bể Núi.
Ngay trước miếu thờ Tề Vương Phi, tôi bắt gặp một chú “bạch miêu” trông coi đền Bạch Mã. Trời đứng bóng, chú lim dim trong giấc ngủ trưa, lười nhác nhưng tỏ ra khí chất tôn nghiêm bất khả xâm phạm.
Vào sâu bên trong đền, tôi được dịp chiêm ngưỡng kết cấu kiến trúc toàn bộ khung nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn, các bộ vì đỡ mái được làm kiểu “ giá chiêng chồng rường con nhị”. Trên các cột gỗ, xà lách, xà nang,…đều có nhiều mảng trang trí phong phú bởi sự khéo léo, tinh xảo của những người nghệ nhân điêu khắc.
Du khách nước ngoài chiêm ngưỡng nét đẹp văn hóa, kiến trúc người Việt
Bước ra khỏi đền, tôi vẫn còn tấm tắc với những giá trị văn hóa lịch sử mà ngôi đền mang lại.
Hà Nội không hổ danh là đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến, chỉ một buổi tham quan cũng đã học được bao kiến thức về văn hóa, tín ngưỡng, con người, giúp tôi thêm hiểu những năm tháng oanh liệt cha ông đã kinh trải.