Hái một nhành lá, mang tài lộc về nhà
Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người Việt. Không chỉ đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Tết Nguyên Đán còn mang nhiều giá trị tâm linh, ngưỡng vọng cũng như giá trị tình cảm sâu sắc giữa dân tộc, cộng đồng, hàng xóm láng giềng và gia đình Việt Nam. Đặc biệt, tất cả những nghi thức, tục lệ được thực hiện vào dịp Tết Nguyên Đán đều hướng đến một năm mới vạn sự như ý và tốt đẹp tấn tới. Một trong số đó là tục hái lộc đầu năm, tuy không cầu kỳ như một số hoạt động khác, song lại ẩn chứa nhiều mong cầu về sự may mắn và phát tài phát lộc.
Hái tài lộc, trao ước vọng
"Cùng nhau ta đi hái lộc xuân
Hương trầm bay giữa đêm giao thừa
Xin khấn nguyện cho trọn yêu thương
Vin cành hoa mai mơ ước
Suốt năm khang an đoàn viên."
Trong bài hát Hái Lộc Đầu Năm (sáng tác: Ngọc Sơn và Triết Giang), ca sỹ Mai Thiên Vân đã nhắc đến tục hái lộc như một nghi thức cổ truyền đẹp đẽ của dân tộc vào thời khắc Giao thừa hoặc sớm mồng Một Tết. Tục hái lộc được giải thích rõ ràng hơn trong cuốn Lễ Tục Trong Gia Đình Người Việt (Nhà xuất bản Văn hóa - Tôn giáo) của tác giả Bùi Xuân Mỹ, rằng tục lệ này bắt nguồn từ truyền thuyết vua Hùng đi chơi xuân, hái cành lộc mang về để truyền những điều tốt lành cho con cháu.
Qua thời gian, tục hái lộc đã trở thành một nghi thức văn hóa, tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống ngày Tết của người Việt. Bản thân mỗi âm tiết trong từ "hái lộc" đã chứa đựng những ý nghĩa tâm linh khác nhau.
"Hái" ở đây không đơn thuần là gặt hái, mà còn là hành động tống cựu, nghênh tân, thể hiện khát vọng có được nhiều điều may mắn, tốt đẹp. "Lộc" không chỉ là tài lộc, mà còn tượng trưng cho may mắn, bình an, sự sinh sôi nảy nở hay chính là sức sống dồi dào, tươi tốt để bắt đầu một năm mới thuận lợi. Ý nghĩa gửi gắm trong cả hai âm tiết giúp con người nâng đỡ tâm hồn với nhiều nỗi khát khao, đồng thời tạo dựng niềm tin vào một tương lai thuận buồm, xuôi gió hơn.
Theo quan niệm dân gian, người ta có thể hái lộc từ chính vườn nhà hoặc các khu vực công cộng khác, rồi mang về cắm trong nhà, trên bàn thờ hoặc treo trước cửa. Ngoài ra, nếu thành tâm xin một nhành lộc nhỏ ở chùa, đền, miếu thì sẽ được Thần, Phật phù hộ, giống như mang năng lượng tâm linh tích cực đặt trong nhà. Điểm chung của những cành lộc ấy là đều xum xuê lá, xanh mơn mởn và không nhất thiết phải là cành lộc quá to hay nhổ cả cây non mang về.
Hái tài lộc, gieo nhân lành
Xét về ý nghĩa tâm linh hay chính là những mong ước trong tiềm thức người Việt, việc hái lộc sẽ giúp mang tài lộc, sự thịnh vượng và may mắn về nhà. Tuy nhiên, tục lệ này phải xuất phát từ cái tâm trong sáng kết hợp với hành động thiện lành của người hái. Bởi ở góc độ sâu xa, tiền nhân muốn gửi gắm con cháu một ý nghĩa giáo dục thông qua tục hái lộc đầu năm.
"Hái lộc" ở đây giống như việc gặt hái thành quả sau thời gian nỗ lực trên con đường công danh sự nghiệp; tu chí, chăm chỉ làm ăn. Hái lộc không đơn giản là nhận lại những điều tốt đẹp, mà là nhận về thành quả xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Do đó, tục lệ này vẫn được hiểu theo một cách khác, tức đạo lý "tay làm hàm nhai" hay "có làm thì mới có ăn" rất phổ biến trong văn học dân gian Việt Nam.
Nhiều người hiện nay hiểu sai nét đẹp văn hóa này nên việc hái lộc đã trở thành hành động bẻ cây bừa bãi, phá hoại môi trường. Họ cứ nghĩ rằng càng bẻ cành cao, cành to thì càng có lộc lớn. Ngoài ra, họ còn cố cầu xin Thần, Phật và "dựa dẫm" vào việc hái lộc thay vì cố gắng thay đổi từ bản thân mình trước. Thế cho nên, "lộc" có hay không, chính là từ tâm thức thanh tịnh và thuần khiết của mỗi chúng ta.
WOWWEEKEND mong rằng việc hái lộc đầu năm sẽ trở thành một nghi thức văn hóa đẹp đẽ, thay vì bị "biến chất" thành hủ tục. Chúng ta hãy xem hái lộc chỉ mang tính tượng trưng, là hành động thể hiện niềm mong ước tâm linh, còn "lộc" ấy có thật sự thuộc về ta không thì còn tùy thuộc vào suy nghĩ và hành động của mỗi người. Bởi đúng như ông bà ta quan niệm, mình cứ sống đúng với bổn phận của mình, lộc tự nhiên sẽ đến!
>>Xem thêm: Nét đẹp truyền thống: Đầu xuân dạo phố ông đồ