Kịch Noh - tinh túy đằng sau lớp mặt nạ
Kịch Noh, một hình thức nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, nổi bật với vẻ đẹp tinh tế và chiều sâu tâm linh, là một cuộc hành trình khám phá những giá trị văn hóa và triết lý sống độc đáo. Kịch Noh không chỉ đơn thuần là một buổi biểu diễn; nó là một trải nghiệm nghệ thuật, qua những câu chuyện về lòng trung thành, sự hy sinh và niềm hy vọng. Vì thế, kịch Noh luôn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa và nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, đồng thời tiếp tục chinh phục lòng người trên toàn thế giới.
Mẹ đẻ ngành nghệ thuật sân khấu xứ Anh Đào
Mỗi nền văn hóa trên thế giới đều sở hữu một loại hình nghệ thuật sân khấu đặc trưng. Tại Nhật Bản, một trong số những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống lâu đời nhất chính là thể loại kịch Noh. Khi đứng một mình từ “Noh” mang hàm ý là tài năng, kỹ năng, kỹ xảo; đôi khi nó được ghép chung với “ gaku”- vui vẻ, âm nhạc để tạo thành Nogaku. Một số giả thuyết cho rằng tiền thân lâu đời nhất của Noh chính là Sangaku được du nhập trong khoảng thế kỷ VIII từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, kịch Noh như ngày nay là do công phát triển của Kan'ami và con trai ông là Zeami trong thời kỳ Muromachi với sự tài trợ của gia tộc Ashikaga hùng mạnh. Sau đó, nó chịu ảnh hưởng của một số loại hình kịch khác như kabuki và butō. Trong thời kỳ Minh Trị, mặc dù tài trợ từ chính phủ không còn, Nō và Kyōgen vẫn được nhìn nhận một cách chính thức là hai trong ba loại hình kịch nghệ quốc gia.
Bí ẩn đằng sau chiếc mặt nạ cảm xúc
Yếu tố quan trọng để tạo thành một vở kịch Noh hoàn hảo đó chính là những chiếc mặt nạ do các Shite sẽ đeo. Tùy vào loại mặt nạ mà khán giả sẽ đoán được người diễn viên đang khắc họa nhân vật gì. Mỗi chiếc mặt nạ đều mang một tên riêng không chiếc nào giống chiếc nào nhằm mục đích đại diện cho đàn ông, đàn bà ở nhiều độ tuổi và giai cấp xã hội khác nhau đôi khi lại là thần, linh hồn hoặc quỷ dữ.
Một chiếc mặt nạ Noh hay còn gọi là Noh-men cần thời gian từ vài tuần đến vài tháng do phải trải qua nhiều công đoạn từ chọn nguyên vật liệu. Người thợ lành nghề sẽ chọn ra những tấm gỗ Hinoki có độ cứng, độ mịn và độ đàn hồi cao cùng nhiều đường vân sắc nét. Từng biểu cảm trên mặt nạ đều được người thợ sử dụng kỹ thuật khắc gỗ truyền thống để tạo hình. Sau đó, một lớp giấy washi sẽ được bồi lên trên ngoài mặt nạ nhằm tăng khả năng hấp thụ màu và mực vẽ. Khi đã trải qua ba lần bồi màu, cuối cùng người nghệ nhẫn dùng nanh lợn rừng để đánh bóng toàn bộ mặt nạ.
Mặt nạ Noh không chỉ là công cụ để thể hiện cảm xúc mà còn là biểu tượng của những trạng thái tâm lý, bản chất con người. Mỗi mặt nạ mang một câu chuyện riêng, từ nỗi buồn, niềm vui đến sự thách thức. Diễn viên sử dụng mặt nạ để kết nối với khán giả theo những cách tinh tế và sâu sắc.
Vẻ đẹp ước lệ
Khác với các thể loại kịch phương Tây, các yếu tố nghệ thuật được thể hiện trong kịch Noh thường mang tính ước lệ. Điều này phát xuất từ 3 sự ảnh hưởng chính trong đời sống người Nhật vào thế kỷ XIV: đạo lý của chế độ phong kiến đối với các chiến binh Samurai; phong cách tao nhã của giới quý tộc và chủ nghĩa khổ hạnh của phái Thiền, đạo Phật. Do đó, kịch Noh không quá kiêu sa, phô trương nhưng cũng không giản đơn mà nó vừa thanh lịch, sâu lắng và phảng phất một chút huyền bí.
Bên cạnh đó, sân khấu diễn ra những vở kịch là một không gian mở hoàn toàn: không màn che hay rèm che, điểm đặc biệt của sân khấu này là Hashigakari (cầu treo) biểu thị cho sự kết nối giữa hai thế giới tâm linh và hiện tại. Cây cầu mang ý nghĩa biểu tượng cho tính chất thần thoại trong vở kịch, nơi mà các hồn ma và linh hồn ở thế giới bên kia thường xuất hiện.
Nhìn chung, thời gian và không gian trong kịch Noh không bị giới hạn bởi khán phòng mà những khán giả đang ngồi do đó người xem phải vận dụng đến trí tưởng tượng của bản thân. Một người diễn viên kịch Noh được coi là thành công phải diễn tả, bộc lộ những hành động hay cảm xúc không quá phô trương mạnh mẽ mà chậm rãi uyển chuyển. Ví dụ, để thể hiện nhân vật trông như đang cười, người diễn viên chỉ cần nhẹ nhàng nghênh mặt lên, nhếch sang bên phải; tuy nhiên chỉ cần hạ mặt xuống một chút đã đủ tỏ rõ nỗi buồn ray rứt.
Cây cầu giữa thế giới thực tại và thế giới tâm linh
Kịch Noh không chỉ là một hình thức nghệ thuật sân khấu, mà còn là một cầu nối giữa tâm linh và thế giới thực, khám phá những chủ đề sâu sắc như nhân sinh, cái chết và mối liên hệ với các linh hồn. Các vở kịch thường xoay quanh những nhân vật đã khuất, thể hiện sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và cõi âm.
Mỗi câu chuyện trong Noh mang đến những thông điệp quan trọng về lòng trung thành, sự hy sinh, nỗi đau và hy vọng – những giá trị cốt lõi trong văn hóa Nhật Bản. Kịch Noh khắc họa triết lý "mono no aware", tức là sự cảm nhận về sự phù du của cuộc sống, cùng nỗi buồn khi nhận ra mọi thứ đều biến đổi và thoáng qua. Những câu chuyện này thường khai thác sự mất mát và nỗi đau của những linh hồn không siêu thoát vì hận thù hay tiếc nuối, tạo ra một sự kết nối sâu sắc giữa thế giới sống và thế giới tâm linh.
Hơn nữa, kịch Noh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa và nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Qua những màn biểu diễn tinh tế và các chiếc mặt nạ truyền thống, Noh không chỉ phản ánh lịch sử và truyền thuyết mà còn duy trì những giá trị văn hóa bền vững. Sự tồn tại của Noh giúp người Nhật gìn giữ mối liên kết với quá khứ và truyền tải văn hóa đặc sắc này ra thế giới.
Kịch Noh vượt lên trên một hình thức nghệ thuật đơn thuần, trở thành một lời nhắc nhở về những giá trị bền vững cần được gìn giữ trong cuộc sống hiện đại. Nó mang lại sự tĩnh lặng giữa bộn bề cuộc sống, vẻ đẹp giản dị nhưng sâu lắng, và niềm tin vào sự trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống. Kịch Noh thực sự là một kho báu nghệ thuật không chỉ của Nhật Bản mà còn của toàn nhân loại.
>>Xem thêm: Văn hóa tắm onsen của người Nhật