share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Nhà của những anh hùng bảo vệ rùa biển


ADVERTISEMENT

Từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, rùa biển lại trở về nơi mình sinh ra để đẻ trứng sau nhiều năm chu du khắp đại dương. Mặc dù đó là một hành trình xa xôi và nhiều trở ngại nhưng thực tế người ta đã tìm thấy các cá thể rùa trưởng thành từ Indonesia, Malaysia và thậm chí là Florida quay về bãi đẻ ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận để sinh sản.

Nhưng cứ 1.000 quả trứng rùa biển được đẻ ra thì chỉ có duy nhất một cá thể rùa sống đến lúc trưởng thành. Kẻ thù lớn nhất của rùa biển lại chính là con người, rùa bị người dân địa phương bắt để lấy thịt từ nhiều năm trước. Do vậy việc bảo tồn rùa biển có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhiều năm qua đã có hàng ngàn tình nguyện viên (TNV) tham gia bảo vệ rùa biển. Việc cứu hộ và di dời trứng luôn phải thực hiện vào ban đêm sau khi rùa mẹ đến đẻ trứng. Để ứng phó kịp thời, các TNV, kiểm lâm và nhà khoa học phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt như ngủ lều, thiếu nước ngọt và các tiện nghi khác.

Vì vậy, Hero House - Ngôi nhà của những người dũng cảm - ra đời như một trạm dừng chân cho các TNV, kiểm lâm, nhà khoa học nghỉ ngơi và làm việc. Cái tên Hero House mang ý nghĩa tượng trưng cho sự dũng cảm của những chú rùa biển vượt ngàn trùng khơi và sự không ngại khó khăn của các nhà khoa học, TNV bảo vệ rùa biển. 

Quay trở lại thời điểm tháng 4/2017, nhóm “Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam” bắt đầu kêu gọi tài trợ thiết kế cho dự án “Hero House". Chỉ qua một buổi nói chuyện, Ths.KTS Nguyễn Thu Phong Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch HĐQT-TGĐ Nhavui Group, Nhà sáng lập Nhavui XS Studio đã đến Núi Chúa để khảo sát địa hình. Được sự ủng hộ của vườn Quốc gia Núi Chúa, kiến trúc sư trở về và bắt đầu phác thảo nên bản thiết kế. 

“Đối với tôi, việc tài trợ thiết kế phục vụ cho hoạt động bảo tồn thiên nhiên khiến tôi rất hào hứng.” - KTS Nguyễn Thu Phong chia sẻ.

Hiện trạng các phiến đá trước khi xây dựng Hero House

Mặc dù địa hình phức tạp với các con đường lên xuống dốc liên tục, đi qua các đồi đá và đường mòn nhưng đó lại chính là nét độc đáo riêng của khu vực tạo cảm hứng cho nhà thiết kế. Tưởng tượng ra một ngôi nhà nằm gác lên các phiến đá tự nhiên với tầm nhìn xuống biển giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ khiến người KTS cảm thấy rất thú vị và lãng mạn. 

Tuy nhiên, để hiện thực hoá công trình phải đi đôi với việc xây dựng cực kỳ khó khăn vì 3 không: không điện, không nước ngọt và không đường giao thông. Vật liệu xây dựng căn nhà trong điều kiện vị trí đặc biệt phải được tính toán kỹ lưỡng. Các vật liệu chống xâm nhập mặn, độ ổn định cao và không cần bảo dưỡng được áp dụng để giảm chi phí vận hành. Ngoài ra, còn có yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt đối với môi trường sinh thái của khu vực bao gồm rừng, địa hình và rạn san hô ven biển. 

 KTS Nguyễn Thu Phong chia sẻ:

“Lựa chọn nhà chất liệu bằng gạch và bê tông sẽ không thân thiện với môi trường, còn nhà bằng gỗ thì khá đắt tiền và lại không bền vững. Khu vực này gần biển, hay có gió mạnh nên những chất liệu thông thường như bê tông, cốt thép, gỗ rất dễ bị rỉ sét và không kiên cố.” 

Cuối cùng, vật liệu được chọn lựa là chính những viên đá granit vụn dư thừa từ mỏ cách đó 30km. Những viên đá không được vuông vắn mà móp méo vỡ ra theo từng kích thước khác nhau, đặt thách thức cho người KTS. Thành quả của nhiều công sức tỉ mẩn xếp những hòn đá ngay hàng thẳng lối là bức tường 250cm liên kết bằng vữa xi măng bền vững “nồi đồng cối đá”.

Hệ thống mái được làm từ các thanh gỗ, phiến tre lấy cảm hứng theo cách đóng thuyền thúng của dân biển. Thợ thủ công đan những nan tre được KTS mời từ Bình Định vào. Sau khi đan xong, họ ngâm các nan tre vào nước biển trong 2 tuần, sau đó phơi khô để chống mối mọt và quét plastic (lớp nhựa) lên theo đúng công nghệ làm thuyền thúng. Hệ thống mái này cùng các ô cửa khắp nơi khiến ngôi nhà ban ngày luôn mát mẻ giữa nắng gắt. Hệ mái được xử lý với gỗ sầm ná chuyên dùng đóng tàu biển, giúp đảm bảo độ bền cho hệ xà gồ, cầu phong mái trước gió biển. 

Để đảm bảo an toàn, giải pháp dành cho Hero House là làm taluy (hệ dốc) chống sạt và nương nhờ thế đá, thế núi, thể hiện qua nhiều cao độ kết cấu và sàn sử dụng. Từ cao độ bãi cát lên đến cao độ sàn nhà chính là 9,5m, tiếp cận qua cầu thang gỗ để bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ của đá tự nhiên. Các chân đỡ cầu thang gỗ bắt xuống đá bằng các mũi khoan nhỏ nhằm giảm bớt tác động của chất liệu công trình vào tự nhiên, khẳng định tinh thần của kiến trúc sinh thái bền vững. 

Cuối cùng, chi phí đắt nhất trong quá trình thực hiện chính là chi phí vận chuyển vật liệu từ trong đất liền ra đảo. Các KTS và người quản lý của công viên quốc gia phải đến các làng xung quanh để tìm kiếm công nhân địa phương, thuyết phục họ hợp tác. Vận chuyển vật liệu là một nhiệm vụ nguy hiểm trong những ngày giông bão. Vì để bảo vệ rạn san hô gần bờ nên thuyền không vào được mép nước, phải neo ở ngoài xa. Đội nhân công chuyển vật liệu một lần nữa từ thuyền 5 tấn xuống các thuyền thúng nhỏ rồi chở vào bờ, sau đó lại mang lên nơi xây dựng ở độ cao 9,5m so với mặt đất. 

Ngôi nhà được xây dựng trong vòng 8 tháng, hoàn thành với tổng diện tích 101m2. Công trình gồm khối nhà chính, sàn hiên phía trước và khu vệ sinh, cầu thang dẫn từ bãi cát. Trong đó, khối nhà chính có diện tích 70m2, có thể làm nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi thoải mái cho 15 người.

Những ô cửa sổ với tầm nhìn rộng mở hướng ra biển tạo nên khung cảnh lãng mạn. Một hệ cửa dọc ngẫu hứng khác nhau về chiều cao tạo ra những góc nhìn đầy bất ngờ. Bên cạnh đó, ngôi nhà cũng được bố trí 8 tấm pin mặt trời, cung cấp 2kW điện mỗi ngày, đủ phục vụ các sinh hoạt thường ngày như điện thắp sáng, tủ lạnh và máy bơm nước để bơm nước từ khe trong núi đá. 

Sau khi được đưa vào sử dụng, công trình nhận được nhiều sự yêu mến của các tình nguyện viên và người dân trong vùng. Câu chuyện thiện nguyện của dự án từ khi ra đời trong thiết kế đến xây dựng, sử dụng đến vận hành đã tạo nên tên gọi cho ngôi nhà là “Hero House - Ngôi nhà anh hùng”. 

“Đó là công trình mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Ngôi nhà đánh dấu cột mốc quay trở lại sáng tác kiến trúc của tôi sau 15 năm gián đoạn với nghề. Hiện nay đa dạng sinh học của Việt Nam là vô cùng phong phú với hệ thống 34 vườn quốc gia và khu bảo vệ thiên nhiên, tuy nhiên việc giáo dục và tiếp cận về du lịch sinh thái thông qua những công trình có ý nghĩa và công trình có vẻ đẹp nguyên bản của địa phương còn rất hạn chế ở Việt Nam. Cá nhân tôi rất yêu thích thiên nhiên và mong muốn đóng góp dấu ấn cá nhân vào các hoạt động song hành với các vườn quốc gia, những nơi thiên nhiên tươi đẹp cần được gìn giữ.”

- KTS Nguyễn Thu Phong.

Ngoài công trình hero house ở Núi Chúa, KTS Nguyễn Thu Phong còn chủ trì 2 công trình Hero House khác ở Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập và Nam Cát Tiên.  

Thông tin công trình
Hạng mục: nhà ở, kiến trúc công cộng
Kiến trúc sư: Nhavui XS Studio
Diện tích: 131m²
Năm hoàn thành: 2017
Nhà sản xuất: Dong Tam, SolarBK, Toto

>>Xem thêm: Quán coffee mang đậm kiến trúc Chăm Pa ở xứ sở của gió Ninh Thuận


ADVERTISEMENT