Nói không với rác thải với shopping không bao bì "hạng sang"
Từ một xu hướng kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa hàng ngày mới nổi ở các nước phát triển trên thế giới, “Package Free” giờ đây trở thành hướng đi kiểu mẫu trong việc giảm thiểu lượng rác thải từ bao bì và biến thể thành một mô hình tiêu dùng cao cấp.
Package Free - hình thức shopping bền vững nhất
Hãy tưởng tượng về một cửa hàng tạp hóa nơi tất cả những sản phẩm đều không có bao bì. Với chủ nghĩa tiêu thụ đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu, các nhãn hàng trên cuộc đua trong việc tiếp cận và thu hút người tiêu dùng thông qua bao bì và quảng cáo, một cửa hàng tạp hóa không “ bao bì” tưởng nghe có vẻ rất lạ đời.
Cửa hàng package free đầu tiên dẫn đầu cho xu hướng cửa hàng không bao bì này là Original Unverpackt ở thành phố Berlin, Đức với hơn 600 sản phẩm được bày bán. Từ các sản phẩm hóa mỹ phẩm như dầu gội, xà phòng, sản phẩm làm đẹp, cho đến thực phẩm như ngũ cốc, gạo hay đồ uống, Original Unverpackt dường như đã mang lại một xu thế mới không chỉ trong lĩnh vực môi trường mà còn thay đổi hình thức tiêu dùng truyền thống.
Thay vì việc tay không đi đến siêu thị hay cửa hàng tạp hóa, lựa chọn những sản phẩm cần thiết, sử dụng trong một khoảng thời gian, và mua sắm thay thế. Người tiêu dùng giờ đây đến cửa hàng cùng với các vật dụng chứa sản phẩm như chai, lọ, hay hộp, túi vải… để lấy một lượng nhất định các sản phẩm mình cần trong các hộp hay bình chứa lớn được bày trong cửa hàng. Hình thức tiêu thụ mới này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người tiêu dùng ở các quốc gia phát triển. Ngay sau sự ra đời của Original Unverpackt, hai chuỗi cửa hàng tiếp theo nhanh chóng ra đời ở Ý như Effecorta (với 3 cửa hàng), Negozior Leggero (với hai cửa hàng), In.Gredient (Austin, Mỹ), Be Unpackaged (London, Anh), Zero Waste Market (Vancouver)m, Package Free ( New York, Mỹ), hay Le Super tout nu (Toulouse, Pháp) với kế hoạch loại bỏ hơn 1 triệu gói sản phẩm dùng một lần mỗi năm nhằm thúc đẩy lối sống tuần hoàn.
Dù làn sóng này chưa thực sự phát triển ở Việt Nam bằng việc có các hệ thống siêu thị lớn hoàn toàn không có bao bì, những hệ thống hay cửa hàng có quy mô nhỏ hơn cũng đang phủ rộng ở nhiều thành phố, nổi bật như Lai Day Refill Station hay Refillables Hà Nội.
Những cửa hàng như thế này thường được thiết kế rất đẹp mắt và chú trọng vào tính tiện lợi. Ảnh: LifeGate
Một trong những ưu điểm khiến cho hình thức các chuỗi cửa hàng không sử dụng bao bì này ngày càng trở nên phổ biến, được cho rằng nằm ở chính khâu thiết kế cửa hàng để vừa thân thiện, vừa tạo cảm giác shopping cao cấp cho người tiêu dùng, trong khi thực chất giá cả của các sản phẩm tiêu thụ hàng ngày thấp hơn hẳn so với các sản phẩm thông thường, do người mua sắm không phải trả phụ phí ngầm cho bao bì sản phẩm.
Cùng với đó là sự tiện lợi, trong khi hầu hết nhiều người tiêu dùng lúng túng với việc liệu một cửa hàng tạp hóa như vậy có đảm bảo các nhu yếu phẩm cần dùng, trong khi cần phải đáp ứng quỹ thời gian eo hẹp của họ? Hầu hết các cửa hàng này đều bày bán không chỉ các nhu yếu phẩm dùng trong sinh hoạt, mà còn thực phẩm và trang phục. Sự ra đời của các cửa hàng không bao bì nhằm trực tiếp hạn chế tối đa rác thải sinh hoạt hàng ngày của người tiêu dùng cũng như những tác hại về mặt sức khỏe ấn chứa trong bao bì bằng nhựa và nilon thường được sử dụng phổ biến hiện nay.
Ảnh: Lai Day Refill Station
Tiêu dùng xanh - tiêu dùng hạng sang kiểu mới
Sử dụng các sản phẩm có bao bì bằng plastic hay dùng túi nilon trong việc mua sắm hàng ngày đã trở thành một thói quen cho đại bộ phận người tiêu dùng. Trước những tác động trước mắt và báo động trong tương lai gần về ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu với trái đất, nhiều quốc gia phát triển đã có nhiều giải pháp khuyến khích người dân thay thế việc sử dụng túi nilon bằng túi giấy tái chế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng rất khó để hạn chế tối đa việc sử dụng bao bì một cách toàn diện, trong khi mỗi sản phẩm đến được tay người tiêu dùng đều thông qua những bao bì nhựa, nilon hay thậm chí là giấy không tái chế.
Các chuỗi cửa hàng không bao bì này thực tế chính là lời giải đáp. Thực tế hình thức bày bán sản phẩm mới này không chỉ thu hút người tiêu dùng mà còn lượng lớn các nhà đầu tư và các công ty chuyên cung cấp các sản phẩm tiêu dùng ở địa phương. Package Free thậm chí còn có thể hạn chế tối đa chi phí và đảm bảo tính tiện lợi bằng việc cung cấp hình thức shopping online với mọi sản phẩm được đảm bảo đóng gói bằng giấy, hộp tái chế.
Không chỉ là hình thức shopping mới, lối sống không rác thải giờ đã được nhiều người áp dụng
Những “ông lớn” dường như không nằm ngoài xu hướng mới này. Ikea - chuỗi cửa hàng nội thất nổi tiếng của Thụy Điển đã công khai kế hoạch “zero waste” (không rác thải), Nestlé cũng cam kết “zero waste” với toàn bộ 23 nhà máy của tập đoàn này. Sinh hoạt không rác thải nhanh chóng trở thành một phong cách sống mới, nhất là ở các thành phố lớn.
Laurent Singer, đồng sáng lập cửa hàng Package Free đồng thời là người khởi xướng tiêu biểu của phong cách sống mới này cho rằng: “ Bạn hoàn toàn có thể mua mọi thứ bạn cần cùng lúc với việc thu nạp bất cứ rác thải không thể tái chế ở một nơi, bằng một cách thuận lợi hết sức có thể”.
Ảnh: Product Care Recycling
Theo thống kê, một người trung bình trên thế giới thải ra 1.2 kg rác thải một ngày, con số này bao gồm bao bì các sản phẩm được sử dụng hàng ngày, bao gồm nhu yếu phẩm và thực phẩm. Với tình trạng đang ngày càng báo động về biến đổi khí hậu trên thế giới, mua sắm không bao bì dường như là cách đơn giản nhất để bất cứ ai có thể bảo vệ môi trường và chia sẻ phong cách sống mới này trong cuộc sống hàng ngày.