Triển lãm “tàu điện ngầm New York” trưng bày các tác phẩm của Keith Haring
Triển lãm mang tên “Art in Transit: 31 Keith Haring Subway Drawings from the Collection of Larry Warsh” là dự án độc đáo khởi động cho phiên đấu giá bộ sưu tập các tác phẩm của nghệ sĩ Pop Art Keith Haring vẽ tàu điện ngầm trong giai đoạn từ 1980-1985.
Một trong những nghệ sĩ danh tiếng nhất của phong trào Pop Art ở Mỹ - Keith Haring từng chia sẻ ông tìm thấy nguồn cảm hứng tuyệt vời từ chính những nhà ga tàu điện ngầm của thành phố New York. Vào những năm 1980, Haring coi không gian này như phòng trưng bày của mình bằng cách tìm kiếm các biển quảng cáo trống để vẽ các tác phẩm đậm phong cách đường phố. Với Haring, đây là cách tiếp cận nhanh nhất với người xem, và con đường ngắn nhất để các công dân New York có thể tiếp xúc với nghệ thuật, đúng với tinh thần chính của Phong trào Pop Art trên thế giới.
Các bức vẽ ở giai đoạn này của Haring thường rất đơn giản, với những chủ đề đời thường đặc trưng phong cách nghệ sĩ này như những chú chó, khuôn mặt cười, kim tự tháp, thiên thần hay thậm chí đĩa bay… Thành quả là 31 tác phẩm trắng - đen được vẽ bằng phấn trên bảng đen gồm các bức vẽ ở tàu điện ngầm được Haring sáng tác từ năm 1980 đến 1985. Nhóm các bức vẽ này hiện thuộc về bộ sưu tập cá nhân của Larry Warsh, nhà sưu tập và nhà xuất bản của chính Keith Haring. Lần đầu tiên bộ sưu tập này đến với công chúng đương thời là vào năm 2012 trong triển lãm “Keith Haring: 1978-1982” tại Bảo tàng Brooklyn và giờ đây có tổng giá trị ước tính lên tới 6,3-9 triệu USD.
Tháng 11/2024 đánh dấu lần thứ hai bộ sưu tập này được giới thiệu với công chúng trong triển lãm độc đáo có tên “Art in Transit: 31 Keith Haring Subway Drawings from the Collection of Larry Warsh”. Được mô tả là một triển lãm nhập vai, lấy bối cảnh chính không gian ga tàu điện nơi từng là tấm “canvas” khổng lồ cho nghệ sĩ Haring sáng tạo. Trong không gian ga tàu đặc trưng phong cách New York năm 1980 với những bức tường gạch, ghế dài, cửa quay và biển quảng cáo. Các tác phẩm “vừa vui tươi vừa thoáng buồn” thể hiện chân thực cảm nhận của một công dân đô thị không bối cảnh đầy thú vị như ga tàu điện ngầm được trưng bày đúng với cách chúng đã từng xuất hiện khi Haring sáng tác: trên các biển quảng cáo.
Nhằm tạo hiệu ứng tàu điện ngầm chạy qua ga, Sotheby’s hợp tác cùng Samsung để sử dụng máy chiếu tầm ngắn Premiere 9 và màn hình Neo QLED 8K trình chiếu một video tái hiện các chuyển động thường thấy trong không gian nhà ga. Một số bản vẽ gốc gồm cả bức “Untitled (Still Alive in ‘85” cũng được hiển thị giữa các trình chiếu video. Không gian triển lãm trở thành trải nghiệm tương tác chân thực giữa người đến xem và các tác phẩm cũng như quá trình sáng tác của nghệ sĩ Haring. Cũng trên các màn hình sử dụng công nghệ AI của Samsung, người yêu nghệ thuật có thể xem các cảnh quay lưu trữ đến từ chính Haring.
Dự án triển lãm mang đến góc nhìn mới về thiết kế không gian triển lãm đương đại khi tôn vinh chính quá trình sáng tác của người nghệ sĩ thay vì đặt các tác phẩm lên bức tường trống ở một phòng tranh thông thường. Triển lãm cũng cho thấy tác động và những ảnh hưởng của thành phố New York với tầm nhìn nghệ thuật của Keith Haring trong suốt sự nghiệp nghệ thuật đường phố. Haring từng chia sẻ ông không chỉ coi hệ thống tàu điện ngầm là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển nghệ thuật của riêng mình mà còn là một trong những nguồn năng lượng thúc đẩy sự phát triển của New York.
>>Xem thêm: Art Week Tokyo: Tôn vinh nghệ thuật Nhật Bản đương đại