The Art Corner Art Week Tokyo: Tôn vinh nghệ thuật Nhật Bản đương đại
Tháng 11 được coi là tháng nghệ thuật ở Nhật Bản khi có hai sự kiện nghệ thuật quan trọng nhất quốc gia này: Art Collaboration Kyoto (1-3/11) và Art Week Tokyo (7-10/11). Đặc biệt, Art Week Tokyo năm nay được đánh giá là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của 53 bảo tàng, phòng trưng bày và không gian nghệ thuật hàng đầu trong bối cảnh nghệ thuật đương đại Nhật Bản và thế giới.
Phiên bản Art Week Tokyo lần thứ tư có sự hợp tác của “gã khổng lồ” Art Basel, một tên tuổi nặng ký trong làng nghệ thuật thế giới. Art Basel được biết đến như tuần lễ nghệ thuật quan trọng với chương trình được thiết kế liền mạch nhằm mang đến cho người xem những trải nghiệm văn hoá nghệ thuật đáng nhớ trong khuôn khổ chương trình. Mô hình kết hợp yếu tố sưu tầm của một hội chợ nghệ thuật với những sự kiện kết nối và giáo dục của Art Week Tokyo năm nay cũng tương tự như chuỗi chương trình được Art Basel tổ chức ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như Basel (Thuỵ Sĩ), Paris (Pháp) hay Miami (Mỹ).
Tác phẩm Stehende I, II, 1991 của Leiko Ikemura
Tác phẩm của Jose Dávila và Laurent Grasso
Loạt chương trình diễn ra trong ba ngày rải khắp những địa điểm nghệ thuật nổi tiếng ở Tokyo như Bảo tàng Artizon, Bảo tàng Nghệ thuật Mori, Bảo tàng Nghệ thuật Tokyo Metropolitan Teien và Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia. Theo thông tin chính thức từ nền tảng trực tuyến của Art Week Tokyo, chuỗi sự kiện này là sự kết hợp rộng rãi của nhiều hoạt động nghệ thuật và các nền tảng đa phương tiện với những sáng kiến độc đáo nhằm “mở rộng nền nghệ thuật đương đại” đến với các đối tượng khán giá khác nhau.
Tác phẩm Faceless Angel (2022) của Akiko Ando
Tác phẩm First Cut is the Deepest (2024) của Aki Tsukamoto
Theo đó, những vị khách ghé thăm sẽ có được tổng quan đa dạng hơn về bối cảnh nghệ thuật Tokyo nói riêng và nghệ thuật đương đại châu Á nói chung. Từ các triển lãm có chủ đề được giám tuyển đầy chủ ý như triển lãm hồi tưởng lớn về Louise Bourgeois tại Bảo tàng Nghệ thuật Mori, triển lãm giới thiệu tác phẩm của nghệ sĩ Yuko Mohri - đại diện cho Nhật Bản tại Venice Biennale năm 2024, trong một dự án solo tại Bảo tàng Artizon, hay triển lãm hồi tưởng về nghệ sĩ nhạc pop huyền thoại người Nhật Keiichi Tanaami tại Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia Tokyo.
Các hình thức nghệ thuật đa dạng cũng góp phần mang đến một “chuyến phiêu lưu” nghệ thuật toàn diện. Với nhiếp ảnh, người xem đặc biệt tâm đắc với triển lãm "Mao Ishikawa: What Can I Do?" tại Tokyo Opera City Art Gallery. Một nhiếp ảnh gia nữ hiếm hoi của Nhật Bản được tôn vinh nhất hiện nay. Tốt nghiệp trường nhiếp ảnh Workshop ở Tokyo, bà bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh vào những năm 1970. Các tác phẩm của bà chủ yếu tập trung ghi lại đời sống sinh hoạt ở các căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa (cũng là quê hương của bà) sau Thế chiến thứ 2. Những bộ ảnh quan trọng của bà như “Red Flower: The Women of Okinawa” (1975-77) và cuốn sách ảnh “Hot Days in Camp Hansen!!” thu hút sự chú ý của giới mộ điệu bởi cái nhìn mang tính phóng sự và chân thực về những chủ đề tưởng gai góc như hậu chiến, đói nghèo và số phận người phụ nữ Nhật Bản. Triển lãm của bà trong khuôn khổ Art Week Tokyo không chì là triển lãm hồi tưởng lớn nhất dành cho nhiếp ảnh gia nữ này khi tái hiện sự nghiệp của bà từ năm 1970 đến nay mà còn thể hiện thông điệp cụ thể về vai trò của nữ giới trong nhiếp ảnh Nhật Bản cũng như giá trị của các tác phẩm nghệ thuật dưới góc nhìn tính nữ.
Triển lãm của nghệ sĩ "Mao Ishikawa: What Can I Do?" tại Tokyo Opera City Art Gallery
Với nghệ thuật sắp đặt, triển lãm của nghệ sĩ Hiroshi Sugito tại Phòng trưng bày Tomio Koyama cũng thu hút nhiều sự chú ý của công chúng. Hiroshi Sugito là một trong những nghệ sĩ đương đại Nhật Bản nổi lên vào đầu những năm 1990, nổi tiếng với những tác phẩm phản ánh cả nền mỹ thuật Nhật bản với văn hoá đại chúng. Thông qua những vật liệu tự nhiên như khoáng chất, vỏ sò, san hô, giấy thủ công, và những lớp sơn acrylic, nghệ sĩ này mang đến một loạt các tác phẩm tranh và điêu khắc mang dáng vẻ vui nhộn đầy sáng tạo.
Triển lãm của nghệ sĩ Hiroshi Sugito tại Tomio Koyama
Một trong những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng nhất nghệ thuật đương đại Nhật bản Yoshitomo Nara cũng góp mặt trong Art Week Tokyo 2024 với triển lãm cá nhân của mình tại phòng trưng bày BLUM với các tác phẩm của Nara chủ yếu là tranh vẽ và đồ gốm. Yoshitomo Nara được biết đến với việc sử dụng những chủ đề liên quan truyện tranh và hoạt hình để tiếp cận những vấn đề xã hội của Nhật bản như sự cô đơn thành thị và cảm giác bất lực hay giận dữ chung trong xã hội hiện đại quốc gia này.
Triển lãm của nghệ sĩ Yoshitomo Nara tại BLUM Gallery
Thay vì tập trung vào một loại hình nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ Nhật Bản chọn việc kết hợp nhiều hình thức để diễn tả những thông điệp của mình. Một trong số đó là nghệ sĩ theo chủ nghĩa hiện thực Yukata Nozawa. Loạt tác phẩm mới của nghệ sĩ này có tên "Canvas Canvas" (tại phòng tranh Kayoko Yuki) được sáng tạo dựa trên những tác phẩm ghép đôi gồm một bức ảnh và một bức tranh được tái hiện gần giống hệt nhau nhằm tạo dựng mối quan hệ siêu thực giao thoa giữa không gian và thời gian.
Tác phẩm của nghệ sĩ Yukata Nozawa tại Kayoko Yuki
Điểm nhấn khác của Art Week Tokyo 2024 chắc chắn là AWR Focus - triển lãm kết hợp nền tảng bán tác phẩm trực tuyến có tên “Earth, Wind, and Fire: Visions of the Future from Asia”. Dưới sự chọn lựa của một trong những giám tuyển tài năng nhất Nhật Bản Mami Kataoka, triển lãm trưng bày các tác phẩm của 57 nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ từ nhiều quốc gia như Brazil, Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc, Mexico, Philippines, Đài Loan và Nhật Bản; 26 phòng trưng bày của Nhật Bản và ba phòng trưng bày quốc tế từ Kukje (Seoul), Silverlens (Manila/New York) và TKG+ (Đài Bắc). Triển lãm hướng tới khảo sát nghệ thuật đương đại Nhật Bản giữa bối cảnh châu Á, được chia thành bốn phần với chủ đề về cấu trúc vũ trụ, cơ thể người, những nguồn lực vô hình và chu kỳ sinh thái tự nhiên. Theo chia sẻ của Giám tuyển Mami Kataoka, triển lãm là một nỗ lực lý giải tương quan giữa tính cấp thiết của nghệ thuật với những chuyển biến và kết nối trong hệ thống tư tưởng và đức tin từ điểm nhìn châu Á đến thế giới rộng lớn hơn.
Tác phẩm El Capitan (2024) của Miwa Kyusetsu XIII
Tác phẩm Message in a Bottle (2010) của Shiro Matsui
Tác phẩm Tokyo Sky, Spring (2024) của Makiko Kudo
>>Xem thêm: Tác phẩm trang trí phá vỡ kỷ lục đấu giá tại Sotheby’s New York