The Art Corner Chỗ đứng của phụ nữ trong thế giới nghệ thuật
Khi nói đến nghệ thuật trừu tượng, cả trong tiềm thức, lịch sử nghệ thuật hiện đại và các bảo tàng lớn nhất thế giới hiện nay đều sẽ gọi những cái tên nghệ sĩ như Kandinsky hay Mondrian. Kandinsky thậm chí lưu danh trong lịch sử nghệ thuật như nghệ sĩ đầu tiên sáng tạo ra hội hoạ trừu tượng. Và Kandinsky sẽ mãi được tôn vinh như vậy cho đến khi thế giới khám phá ra kho tác phẩm đồ sộ của một nghệ sĩ nữ người Thuỵ Điển Hilma af Klint, với các tác phẩm trừu tượng đầu tiên của bà ra đời trước tác phẩm của Kandinsky đến cả gần một thập kỷ.
Khi Hilma af Klint thách thức lịch sử nghệ thuật
af Klint đã bị lãng quên trong suốt giai đoạn bà còn sống, bởi nghệ thuật đầu thế kỷ 20 là một thế giới mặc định chỉ đàn ông mới có thể thành công với tư cách là nghệ sĩ. Một bước muộn màng khi Kandinsky và các tác phẩm của ông có mặt ở triển lãm và ra mắt công chúng đầu tiên, trong khi phải chờ đến khi qua đời, các tác phẩm của af Klint mới được đứng ở đúng vị trí của mình với triển lãm “Hilma af Klint: Paintings for the Future” ở Bảo tàng Solomon R. Guggenheim ở New York vào năm 2019.
Ảnh: Các tác phẩm của Hilma af Klint/Guggenheim
Các câu chuyện về thuyết tâm linh và thế giới hội hoạ trừu tượng của nữ nghệ sĩ này dần được tiết lộ, nhiều nhà sưu tầm và làm phim đào bới tìm kiếm những tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của bà. Họ nhận ra quả thực, bà mới chính là “mẹ đẻ” của hội hoạ trừu tượng. Nhưng khám phá ra điều này cũng đồng nghĩa với việc thách thức cả một hệ thống tư tưởng vững chãi của lịch sử nghệ thuật phương Tây. Cụ thể hơn, về vai trò của phụ nữ trong nghệ thuật. Liệu af Klint có phải nữ nghệ sĩ duy nhất đã bị bỏ qua và lãng quên để nghệ thuật cứ mãi vĩnh cửu theo cách các cuốn sách đồ sộ ghi lại? Còn có bao nhiêu nghệ sĩ nữ nữa thậm chí trước cả thời Hilma af Klint chưa từng một lần bước ra ánh sáng ở các phong trào và giai đoạn nghệ thuật nổi tiếng như thời kỳ Phục Hưng, trường phái Ấn tượng hay trường phái Biểu hiện?...
Gọi af Klint là trường hợp thách thức lịch sử nghệ thuật là bởi, ngay cả khi sự thật về bức tranh đầu tiên của bà đã đủ để đảo lộn mốc thời gian và “ngai vàng” của Kandinsky, nhiều tổ chức nghệ thuật lớn nhất thế giới như Bảo tàng nghệ thuật New York MoMa chọn cách phớt lờ thông tin này. Họ chọn cách không tuyên bố rằng lịch sử đã sai và họ sẽ thay đổi những thông tin về nghệ sĩ của mình. Các nhà sử học cũng chẳng muốn chấp nhận, bởi viết lại một giai đoạn lịch sử đồng nghĩa với việc lần mò sâu hơn để có khi… phải viết lại hết.
Vào thế kỷ 21, thế giới nghệ thuật ngạc nhiên với chính mình. Hoá ra trong một loại hình vốn luôn được coi đầy sự tự do, sáng tạo, và cởi mở… nghệ thuật suy cho cùng vẫn là một thế giới bảo thủ nơi những niềm tin cũ khó có thể bị suy chuyển. Một trong những niềm tin cũ đó đồng hành với thực tế là nghệ sĩ nam dường như luôn thống trị và bao phủ nền nghệ thuật thế giới từ khi lịch sử nghệ thuật bắt đầu được ghi chép.
Tại sao không có nghệ sĩ nữ vĩ đại nào?
Đó là tựa đề bài luận của Linda Nochlin (1971). Câu hỏi của Nochlin cũng đã đủ để gợi ý một giải đáp. Chúng ta không có nghệ sĩ nữ vĩ đại là bởi họ không được ghi chép lại với vai trò những nghệ sĩ, tương tự như với nghệ sĩ nam. Sự vắng bóng của phụ nữ trong chuẩn mực nghệ thuật phương Tây suy cho cùng chỉ đơn giản đến từ việc lịch sử nghệ thuật luôn trung thành với một thế giới quan, ở đó, rào cản xã hội và thể chế hoặc ngăn cản phụ nữ học và làm về nghệ thuật, hoặc không công nhận các tác phẩm của họ là tác phẩm nghệ thuật đích thực cho những buổi triển lãm hay trưng bày.
Tác phẩm "Judith with the Head of Holophernes" của Fede Galizia
Ngoài af Klint, còn có rất nhiều những cái tên khác trước bà như hoạ sĩ Phục hưng Caterina van Hemessen, Fede Galizia hay Plautilla Nelli, hoạ sĩ Baroque như Louise Moillon hay Mary Beale, nữ hoạ sĩ thế kỷ 18 người Nhật Sakaki Hyakusen, hoạ sĩ Hậu ấn tượng Anna Boch, hoạ sĩ Ấn tượng người Ba Lan Olga Boznańska, hoạ sĩ Ấn tượng Berthe Morisot, Marie Bracquemond hay Mary Cassatt. Thế kỷ 20 tuy đã cấp tiến hơn trong việc trưng bày và tôn vinh tác phẩm của nghệ sĩ nữ như Florine Stettheimer, Gwen John, Georgia O'Keeffe, Louise Bourgeois hay Frida Kahlo… con số nghệ sĩ nữ đáng chú ý trong giai đoạn này cũng không được thống kê như nghệ sĩ đại diện cho những trường phái họ theo đuổi.
Tác phẩm "The Fruit and Vegetable Costermonger" của Louise Moillon
Là một phần lặng lẽ của lịch sử nghệ thuật, nhưng nhiều nghệ sĩ nữ trong số đó lại góp phần không nhỏ thay đổi cách nghệ thuật được tạo nên, như cái cách af Klint đã làm khi sáng tạo nên hội hoạ trừu tượng. Hoạ sĩ thời kỳ Phục hưng Sofonisba Anguissola với các bức tranh chân dung vốn do nam giới thống trị gây ấn tượng với tính hiện thực và chiều sâu cảm xúc hiếm có. Góc nhìn mới mẻ về khung cảnh trong tranh và tính thân mật của chân dung tự hoạ đã thách thức những chủ đề truyền thống thường hay được lặp lại trong giai đoạn Phục hưng.
(Trái qua phải) Tác phẩm "Girl with Chrysanthemums" của Olga Boznańska và tác phẩm "The Convalescent" của Gwen John
Một trong những ví dụ của góc nhìn nữ giới trong nghệ thuật đã để lại những tác động sâu sắc đến các phong trào hiện đại đến cùng với những cái tên như Mary Cassatt hay Berthe Morisot. Các quan điểm nữ tính trong trường phái Ấn tượng của Cassatt nêu bật chiều sâu và sự phức tạp của vai trò phụ nữ trong xã hội, trong khi Berthe Morisot thực chất là một trong những thành viên sáng lập “âm thầm” của nhóm trường phái Ấn tượng bao gồm Monet hay Degas. Georgia O'Keeffe với những bức tranh hoa khổ lớn và phong cảnh hơi hướm trừu tượng được cho là người sáng tạo nên Chủ nghĩa Hiện đại Mỹ, trong khi nữ hoạ sĩ Frida Kahlo giờ đây vẫn là một trong những biểu tượng của văn hoá - nghệ thuật Mexico.
Những tác phẩm của các nghệ sĩ nữ hiện đại có thể bắt đầu được quan tâm, nhưng không đồng nghĩa với việc có một sự bình đẳng nhất quán giữa các tác phẩm của nghệ sĩ nam và nữ. Theo cuốn “The Benefits of Being a Woman Artist” (1988), sự thiên vị có hệ thống về giới tính và chủng tộc trong các tác phẩm mà khán giả nhìn thấy trong các bộ sưu tập của bảo tàng là nguyên do để giá trị tác phẩm nghệ sĩ nữ chưa bao giờ được định giá cao hay có vị trí xứng đáng trong bảo tàng và phòng tranh.
Thế giới nghệ thuật khi nào mới công bằng với phụ nữ?
Một vài con số thú vị sẽ đủ để nói lên tất cả. Theo báo cáo Burns Helperin (2022), kể từ năm 2008, doanh số bán đấu giá các tác phẩm của riêng Picasso là 6,32 tỷ USD, trong khi tác phẩm của tất cả các nghệ sĩ nữ cộng lại chỉ có giá 6,2 tỷ USD.
Tác phẩm điêu khắc của Barbara Hepworth ở Bảo tàng Kröller-Müller, Otterlo, Hà Lan
Trong khi tác phẩm đắt giá nhất được bán đấu giá bởi một nữ nghệ sĩ là tác phẩm “Jimson Weed/White Flower No. 1” (1932) của Georgia O'Keeffe, được bán vào năm 2014 với giá 44,4 triệu USD, con số này vẫn thấp hơn 400 triệu USD so với kỷ lục đấu giá dành cho một nghệ sĩ nam là tác phẩm Salvator Mundi của Leonardo Da Vinci (được bán vào năm 2017 với giá 450,3 triệu USD). Theo báo cáo thị trường nghệ thuật toàn cầu của Art Basel và UBS, chỉ có 24% trong số 27.000 nghệ sĩ tham gia hội chợ nghệ thuật năm 2018 là phụ nữ, trong khi chỉ có 29% người chiến thắng một trong những giải thưởng nghệ thuật thị giác nổi tiếng nhất thế giới - Giải thưởng Turner của Tate là phụ nữ. Với lĩnh vực kiến trúc, chỉ có 7% người đoạt giải Pritzker và chưa đến 3% người đoạt huy chương vàng AIA là phụ nữ.
(Trái qua phải) Tác phẩm "Blue and Green Music" của Georgia O'Keeffe và Tác phẩm của Yayoi Kusama
Ở thị trường đấu giá, không có phụ nữ nào nằm trong top 0,03% của thị trường này, trong khi 96% tác phẩm nghệ thuật được bán đấu giá là của các nghệ sĩ nam. Mới đây, Art Basel cũng đã đưa ra báo cáo về việc tác phẩm nghệ thuật của phụ nữ chỉ chiếm 39% doanh số bán hàng tại phòng trưng bày trong năm 2024.
Nhưng con số thực tế này là minh chứng rằng vai trò của phụ nữ và sự bình đẳng trong thế giới nghệ thuật không nhất thiết là hai đường thẳng tịnh tiến. Thế giới nghệ thuật đã bước sang những kỷ nguyên mới của lịch sử với những phong trào mới và những luồng tư tưởng mới. Tuy nhiên, dường như tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ nữ vẫn còn là ý niệm xa xôi.
>>Xem thêm: 5 nghệ sĩ siêu đương đại châu Á đáng chú ý