share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Sài Gòn - Nơi lưu dấu phong vị Tết đậm đà bản sắc của người Hoa


ADVERTISEMENT

Dù đã di cư đến Sài Gòn vào cuối thế kỷ 17, những thế hệ người Hoa ở thành phố này vẫn sắt son một lòng với truyền thống văn hoá từ xưa, một trong số đó là các phong tục trong ngày Tết nguyên đán. Điều này đã góp phần làm nên nét chấm phá độc đáo cho bức tranh mùa xuân sinh sắc tại Sài Gòn.  
 

Ảnh: Trần Huy Phụng

Những ngày giáp Tết

Bước vào tháng Chạp, các gia đình người Hoa ở Sài Gòn sẽ tất bật quét tước nhà cửa rồi làm lễ tạ thần. Vật phẩm sau khi cúng sẽ được đem chia cho người thân, hàng xóm như một món quà thơm thảo. Đồng thời, trong những ngày giáp Tết, phố phường Chợ Lớn trở nên rực sắc hơn bao giờ hết khi trước mỗi ngôi nhà đều chi chít những tờ giấy liễn thắm đỏ.

Là một nét đẹp trong tín ngưỡng lâu đời của người Hoa, mỗi bức liễn đều ấp ôm bao khát vọng về một năm mới thái hoà. Thuở xưa, con chữ trên liễn chỉ được viết bằng mực đen truyền thống nhưng ngày nay đã có thêm màu sắc ánh vàng trông rất bắt mắt. Theo đó, người Hoa thường xin ông đồ hoạ những câu chúc như: Hiệp gia bình an, Chiêm tài tiến bảo, Tứ thời kiện vượng phúc, Tân xuân đại cát, v.v. Tục lệ cao đẹp này vẫn được họ trao truyền qua nhiều thế hệ.

Ảnh: Trần Huy Phụng

Song song, từ nhà cửa đến những đền chùa, hội quán, rất nhiều đèn lồng với nhiều kiểu dáng và hình thù khác nhau đã được treo lên nhằm mục đích xua đuổi tà ma, thu hút vận may. Tất cả đều tạo nên một khung cảnh ngày Tết lung linh, rộn ràng.

Ngoài ra, khác với người Việt, người Hoa thường tiễn ông Táo về trời vào ngày 24 tháng Chạp. Mâm cúng của họ sẽ bao gồm: kẹo thèo lèo, mứt, trái cây, trong đó, quýt là thứ không thể thiếu. Bởi lẽ, theo tiếng Hoa, quýt là từ đồng âm với “cát” trong “cát tường” - chỉ sự may mắn. Nếu nhà nào muốn chuẩn bị thịnh soạn thì sẽ cúng thêm thịt, heo quay.

Ảnh: Tăng Hùng
 

Đặc biệt, một số gia đình còn đầu tư cả bộ đồ mã “cò bay ngựa chạy” - ý chỉ 2 phương tiện đưa lối ông Táo về trời thật nhanh để ngài trình tấu với Ngọc Hoàng những điều tốt lành. 

Ngày 30 Tết 

Có thể nói, lễ nghi ngày 30 Tết của người Hoa được thực hiện khá cầu kỳ. Họ thường chuẩn bị rất nhiều loại bánh trái khác nhau, trong đó, bánh tổ chính là “ngôi sao” sáng giá trên mâm cúng. Loại bánh cổ truyền này thường có màu vàng hoặc trắng, trên bánh sẽ in hoa văn đỏ. Bánh tổ được làm từ gạo nếp trộn với đường (đường cát trắng, đường phèn, đường tán) đã nấu loãng, khi ăn vào sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh và độ dẻo mịn.

Sở dĩ bánh tổ được dùng là vì trong tiếng Hoa, nó mang nghĩa “niên cao” - tức phát triển vượt bậc hơn năm cũ. Loại bánh này cũng là lời nhắc nhớ con người về nguồn cội để dẫu cho ai đi xa cũng sẽ quay về đoàn tụ với gia đình dịp Tết.

Ảnh: Tăng Hùng

Ngoài bánh tổ, còn một số loại bánh được người Hoa trưng dụng như bánh chín túi - có hình dáng giống trái lựu, tượng trưng cho sự sung túc; bánh phát tài - có 4 múi xoè ra như bông hoa, mang ngụ ý của sự phất lên; bánh đường - thường được tạo thành nhiều hình thù khác nhau và có vị ngọt đậm đặc trưng. Vào dịp Tết, những loại bánh này đều xuất hiện dày đặc ở các con đường Nguyễn Trãi, Phùng Hưng.

Bên cạnh đó, người Quảng Đông tại TP.HCM còn cúng cả heo quay, cải xà lách sống. Có thể thấy, khác với mâm quả “cầu vừa đủ xài” của người Việt, mâm quả của người Hoa lại hướng đến sự dư dả, tài lộc khởi sắc, vì vậy họ thường trưng các loại trái cây theo cặp. 

Đặc biệt, bàn thờ ngày Tết của người Hoa không thể thiếu đi 2 vật phẩm trang trí quan trọng là Kim Huê - Thần Hồng. Những món này kết hợp lại sẽ tạo thành ý nghĩa tổng hòa cho câu chúc “Trâm hoa quải hồng, sanh ý hưng long”  - thể hiện ước nguyện về việc kinh doanh phát đạt cũng như sự an khang thịnh vượng cho gia đình.

Ảnh: Tăng Hùng

Cũng vào ngày 30 Tết, các thành viên trong gia đình sẽ tề tựu với nhau và dùng bữa tối. Bàn ăn của họ thường bày biện nhiều món như sủi cảo, mì trường thọ, bánh bao, cá hấp… Một số gia đình sau đó còn tráng miệng bằng chè “đoàn viên”. Ấy là những viên chè tròn trịa được làm từ kỷ tử, nhãn nhục, gừng, cốt dừa… mang vị ngọt bùi và ấp iu bao yêu thương. 

Những ngày Tết 

Vào mùng 1 Tết, những gia đình người Hoa sẽ xúng xính mặc đồ đỏ đi lễ chùa để dâng lễ, xin xăm. Ngoài ra, họ còn có tục rót dầu vào các chân đèn trong điện thờ với mục đích cầu cho mọi sự hanh thông, trơn tru. Bên cạnh đó, khi đến đền, chùa khấn vái thần linh, họ sẽ thắp nhang vòng để cầu an cho gia đạo, sau đó nhang được đem treo trên cao và có thể cháy liên tục trong 3 ngày Tết. 

Ảnh: Quang Long

Cũng trong mùng 1, các thành viên trong gia đình sẽ sum vầy và trẻ nhỏ sẽ được những bậc cao niên lì xì. Đặc biệt, người Hoa kiêng kỵ tuyệt đối việc quét nhà vào ngày này.  

Mùng 2 Tết được xem là ngày “khai niên”. Vào ngày này, người phụ nữ sẽ cùng chồng con về thăm gia đình bên ngoại và biếu trà, rượu hoặc các món ăn đặc sản. Số lượng quà thường là số chẵn - biểu trưng của sự may mắn. Tiếp đến, họ sẽ gặp gỡ bạn bè, lối xóm và chúc nhau câu “Cung hỷ phát tài”. 

Sang đến mùng 3, hoạt động vui chơi, chúc Tết vẫn được diễn ra. Bên cạnh đó, với người Hoa, đây thường là ngày “xích khẩu” - thời điểm dễ xảy ra cãi vã, tranh chấp. Vì vậy khi xưa, họ sẽ hạn chế giao tiếp với người ngoài vào mùng 3. Tuy nhiên, điều này dường như đã dần mai một trong xã hội hiện đại. Dù vậy, âu đó cũng là lời nhắc nhở họ về việc giữ hoà khí trong mối quan hệ với mọi người.

Ảnh: Ở đâu cũng chụp

Mùng 4 Tết, người Hoa sẽ dâng hương hoa, bánh trái để nghênh đón các vị thần bảo hộ về với gia đình. 1 ngày sau đó, họ sẽ không còn ràng buộc bởi những kiêng kỵ của ngày Tết và có thể tự do sinh hoạt, vui chơi.

Thực chất, khi dư âm của Tết nguyên đán còn chưa vơi thì người Hoa lại tiếp tục tưng bừng đón Tết nguyên tiêu. Sự kiện này sẽ diễn ra ròng rã nhiều ngày đêm, trong đó, lễ hội chính được tổ chức vào Rằm tháng giêng với các hoạt động thú vị, bao gồm: nghi thức rước kiệu Bà; trình diễn ca kịch cổ truyền như nhạc lễ Phúc Kiến, đại la cổ Triều Châu; thư pháp; đố chữ; v.v.

Ảnh: Ngô Huy

Song song, vào dịp Tết trọng đại này, khắp các con đường, ngõ hẻm ở Quận 5 đều rộn rã kèn trống bởi các tiết mục biểu diễn sôi động của đoàn lân sư rồng hay những màn hóa trang đặc sắc thành các nhân vật trong truyền thuyết Trung Hoa. Không khí của ngày Tết nguyên tiêu còn có thể cảm nhận rõ rệt ở những cơ sở thờ tự như chùa bà Thiên Hậu, chùa Quan Âm, Nghĩa An Hội Quán, v.v. Tại đây, mọi người sẽ nô nức đi vay lộc, chui qua bụng tượng ngựa Xích Thố hay thỉnh thánh đăng để cầu tài, cầu an.

Như vậy, truyền thống lễ Tết của người Hoa ở Sài Gòn vẫn cuộn chảy bền bỉ trong vòng xoay xã hội hiện đại, làm nên một nét đẹp văn hoá bất biến cho ngày xuân. 


>>Xem thêm: Không khí Sài Gòn những ngày xuân chạm ngõ


ADVERTISEMENT