Tips & Advice 10 đầu sách được sáng tác bởi nhóm tác giả người Mỹ gốc Á hay nhất mà bạn nên đọc
Để tôn vinh Tháng Di sản người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương (APPI), trang Bustle đã liệt kê danh sách gồm 10 tác phẩm của các tác giả người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương để giới thiệu đến bạn đọc. Qua các tác phẩm từ các tác giả nổi tiếng trong cộng đồng APPI, độc giả có thể phần nào hiểu được cuộc sống cũng như những khó khăn, thử thách mà cộng đồng APPI gặp phải trên hành trình thực hiện “giấc mơ Mỹ”.
If They Come For Us - Fatimah Asghar
Ảnh: Bustle.com
“If They Come For Us” là tập thơ đầu tiên của nhà thơ người Mỹ gốc Pakistan - Kashmiri tên Fatimah Asghar. Đây cũng là tác phẩm được lọt vào vòng chung kết giải thưởng văn học Lambda. “If They Come For Us” gồm những bài thơ với nhiều chủ đề khác nhau liên quan đến chủng tộc, giới tính, tình dục, không gian sống cũng như những vấn đề bạo lực được Fatimah Asghar chiêm nghiệm từ chính cuộc sống thực tế.
If I Had Your Face - Frances Cha
Ảnh: Bustle.com
Lấy bối cảnh ở Seoul, “If I Had Your Face” của tác giả Frances Cha là một câu chuyện về cuộc sống xoay quanh bốn người phụ nữ trong cùng một tòa chung cư. Tất cả đều vất vả kiếm tiền để trang trải cuộc sống khó khăn. Kyuri, Miho, Ara và Wonna đấu tranh để kiếm tiền để vượt lên nấc thang kinh tế và xã hội của thành phố lớn, cố gắng để trở thành người thành đạt.
Days Of Distraction - Alexandra Chang
Ảnh: Bustle.com
Cô gái 24 tuổi vốn là người Hoa nhập cư ở Mỹ luôn cảm thấy bế tắc trong công việc của một nhà văn tại San Francisco. Khi bạn trai của cô - J đăng ký vào một chương trình sau đại học ở New York, cô gái đã cùng người yêu chuyển đến thành phố mới. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ được êm đềm nhưng nào ngờ cô gái trẻ sớm nhận ra việc phân biệt chủng tộc và văn hóa đang xảy ra với chính mình tại thành phố rộng lớn này. Alexandra Chang sẽ hóa thân vào nhân vật “tôi” và kể lại toàn bộ câu chuyện, cảm xúc cũng như suy nghĩ một cách sống động và thực tế.
The Tenth Muse - Catherine Chung
Ảnh: Bustle.com
“The Tenth Muse” kể về một sinh viên tốt nghiệp MIT bị đặt vào trạng thái “lưng chừng” giữa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính ở Mỹ thời hậu chiến. Kinda - nhân vật chính của tiểu thuyết, là con gái của một người mẹ Trung Quốc và một người cha da trắng. Sau khi phát hiện một bí mật lớn của gia đình, Kinda quyết định tìm kiếm lời giải đáp.
Freelove - Samoa Sia Figiel
Ảnh: Bustle.com
Cuốn tiểu thuyết “Freelove” của nhà thơ Samoa Sia Figiel tập trung vào một cô gái 17 tuổi mang tên Inosia Alofafua Afatasi. Vào năm 1985, Inosia đến thăm thủ đô Apia của Samoa và nhận ra nhiều điều bất ngờ trong cuộc sống nội tại cũng như thế giới bên ngoài, đặc biệt là sau khi Inosia tự mình trải nghiệm và thay đổi quan điểm về tính dục. Trong tác phẩm, nền văn hóa nhạc Pop vào những năm 1980 cũng được thực tả một cách sống động giúp người đọc hiểu rõ hơn về văn hóa, nghệ thuật cũng như con người trong thời điểm lúc bấy giờ.
Minor Feelings - Cathy Park Hong
Ảnh: Bustle.com
“Minor Feelings” nhận được khá nhiều lời khen từ các nhà phê bình cũng như độc giả khi đã mô tả một cách chân thực các mâu thuẫn, căng thẳng về văn hóa, bản sắc xảy ra xung quanh cuộc sống của những người Mỹ gốc Á. Ngoài ra trong cuốn hồi ký của mình, Cathy Park Hong cũng chia sẻ về niềm kỳ vọng của những người hàng xóm da trắng đối với cộng đồng người Á Đông. “Minor Feelings” được nhận xét là cuốn hồi ký mà bạn sẽ không thể bỏ lỡ vì từ ngôn từ đến nội dung, tác phẩm đều thể hiện được sự chỉn chu và hấp dẫn.
What We Carry - Maya Shanbhag Lang
Ảnh: Bustle.com
Cuốn hồi ký của Maya Shanbhag Lang tập trung vào mối quan hệ của tác giả với mẹ cô - một bác sĩ người Mỹ gốc Ấn, người đột nhiên trở nên xa cách và không ủng hộ khi Maya có đứa con đầu lòng. Sau khi người mẹ có triệu chứng bệnh Alzheimer, Maya bắt đầu nhận ra những gì mà mẹ cô từng thể hiện thực chất khác xa so với con người thật và tình yêu của mẹ dành cho Maya. “What We Carry” khiến người đọc cảm động về tình mẫu tử, làm dấy lên sự đồng cảm sâu sắc về những vấn đề quen thuộc giữa người mẹ và con gái trong cuộc sống hàng ngày.
Long Live the Tribe of Fatherless Girls - T Kira Madden
Ảnh: Bustle.com
Trong “Long Live the Tribe of Fatherless Girls”, T Kira Madden đã kể lại những câu chuyện đau lòng về thời thơ ấu và tuổi thiếu niên của mình. Một cuốn hồi ký về mô tả quá trình lớn lên, trưởng thành trong một gia đình “không cảm xúc”. Ở đó, Madden phải vật lộn với hậu quả của việc tấn công tình dục, lạm dụng chất gây nghiện và tự giúp mình giải thoát khỏi cơn ám ảnh về cái chết của cha cô.
The Farm - Joanne Ramos
Ảnh: Bustle.com
Một khóa tu ở New York mang đến cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn cơ hội trải nghiệm về một cuộc sống thoải mái, được đối xử nhiệt tình cùng khoản tiền béo bở. Bù lại, Jane - người phụ nữ nhập cư từ Philippines phải “đẻ mướn” cho một đôi vợ chồng nọ. Bị chia cách khỏi thế giới bên ngoài, Jane luôn khao khát về sự tự do, lo lắng về việc gia đình sẽ như thế nào khi không có cô ở bên và nỗi đắn đo nếu từ bỏ “công việc” này sẽ khiến cô trở lại những ngày khổ cực. Những mâu thuẫn trong nội tâm bị dằn xé khiến Jane phải oằn mình gánh chịu, bắt cô phải đưa ra lựa chọn duy nhất.
The Empress of Salt and Fortune - Nghi Vo
Ảnh: Bustle.com
“The Empress of Salt and Fortune” là tiểu thuyết giả tưởng của Nghi Võ - một tác giả người Mỹ gốc Việt. Câu chuyện trong tác phẩm xoay quanh vị hoàng hậu và những người phụ nữ bên cạnh bà. Ngoài ra, yếu tố lịch sử cũng được xem là cốt lõi trong câu chuyện khi Chih - một giáo sĩ được mời đến bữa tiệc của hoàng hậu vô tình khám phá ra những bí mật về câu chuyện lịch sử trước đó. Ngay lập tức, Chih quyết định tìm hiểu thực tế để giải mã những bí mật đã từng được che giấu trước công chúng. Cuốn sách khiến cảm xúc của người đọc lên xuống theo diễn biến của từng câu chuyện và bị cuốn vào những chuyện kể trong đó.
Lược dịch từ Bustle