share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Boyhood: Vì ai cũng là đứa trẻ đang học làm người lớn


ADVERTISEMENT

Con người là sinh vật luôn thường trực nỗi lo âu, khi nghĩ về thực tại và tương lai. Kể cả khi đang tận hưởng giây phút vui vẻ, con người vẫn trăn trở rằng khoảnh khắc này có còn kéo dài không, hay sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ khiến mọi thứ biến chuyển và làm cho người ta không còn trở nên như trước?

Thực chất, cuộc sống lại không diễn ra như thế. Chúng ta của ngày hôm nay là kết quả của những thay đổi hằng ngày trong cuộc sống - đến từ những quyết định nhỏ nhặt và lớn lao của chính bản thân và những người xung quanh. Với một cậu bé ở tuổi lên 6, thảnh thơi ngước nhìn lên bầu trời xanh, đã bao giờ người trưởng thành chúng ta nhìn lại bản thân và tự hỏi rằng: liệu khi lớn lên cậu sẽ như thế nào, sẽ khác biệt ra sao? Đó là điều mà đạo diễn Richard Linklater - người từng thành công qua bộ ba Before Sunrise, Before Sunset, Before Midnight muốn gửi gắm đến khán giả thông qua dự án dài hơi của mình - Boyhood (2014).

boydhood, richard linklater, ethan hawke

Khi làm phim như một trò chơi ván cược

Với Boyhood, giới mộ điệu dành một sự hiếu kỳ nhất định cho bộ phim khi nhắc đến quãng thời gian mà ekip phải bỏ ra cho nó - 12 năm. Thông thường, một diễn viên chỉ ký hợp đồng với một đạo diễn với thời gian tối đa là 7 năm. Điều đó đồng nghĩa rằng, Richard Linklater và những diễn viên khác đã đặt cược vào bản thân như thế nào khi không ký hợp đồng khi tham gia bộ phim này. Làm sao họ có thể chắc chắn rằng không một ai trong đoàn sẽ rút khỏi dự án vì bất kỳ lý do gì? 

Làm sao giữa bao dự án nghệ thuật hấp dẫn, Ethan Hawke và Patricia Arquette - những diễn viên đã có tên tuổi lại chọn cam kết với một bộ phim chưa rõ kết quả thế nào? Đặc biệt là Ellar Coltrane, thời điểm mới tham gia Boyhood chỉ mới 6 tuổi và xuất hiện trên vài phim quảng cáo, điều gì khiến cậu bé không dừng lại trong dự án khi chính cậu ở ngoài đời cũng trải qua nhiều đổi thay về tâm sinh lý, môi trường sống?

Và cuối cùng, sau 12 năm ròng rã, vị đạo diễn trình làng một tác phẩm… không có bất kỳ yếu tố chuẩn mực nào của một bộ phim bom tấn. Với những ai vốn quen với sự kịch tính, cao trào đến từ những cảnh quay cảm xúc và hành động, đây là một trải nghiệm xem phim lạ lẫm, thậm chí có thể là... nhàm chán vì mạch phim có phần chậm rãi, bằng phẳng. Thậm chí, khán giả cũng không cần phải xem liền tù tì một mạch, có thể chia ra từng mốc thời gian để xem mà vẫn cảm nhận được trọn hết ý nghĩa của một cảnh quay. Vì trong mỗi một năm quay, ekip chỉ bỏ đúng 2 tuần để quay một phân đoạn 12 phút. Vậy là mỗi 12 phút đó chính là một giai đoạn tuổi mới của nhân vật Mason Jr. Và ở mỗi thời điểm đó, không có gì là giống nhau. Cũng như con người bình thường, con người của năm nay sẽ không giống như năm trước, hay tương lai cũng sẽ không như hôm nay. Môi trường thay đổi, con người ắt phải đổi thay ít nhiều. 

Có gì trong sự trưởng thành của một thằng con trai? 

boydhood, richard linklater, ethan hawke

"Boyhood", dịch ra nghĩa là quãng thời gian của một đứa con trai. Richard quay về hành trình từ khi Mason Jr. từ 6 tuổi đến 18 tuổi - độ tuổi được xem là đến lúc có thể tạm biệt gia đình, bắt đầu cuộc sống mới. Và đó cũng là thời điểm nhân cách đàn ông bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ rất nhiều thứ xung quanh, trước khi người đàn ông ấy thực sự trưởng thành và tự định hình mình là ai. Vậy chặng đường của Mason Jr. có gì đặc biệt, hùng vĩ so với nhiều bộ phim mô tả về sự trưởng thành của một cậu con trai, người đàn ông như Fight Club, The Godfather? Trong Boyhood, gần như không xuất hiện cảnh đánh nhau nào của những đứa con trai, hay bất kỳ những người đàn ông nào với nhau. Không có cảnh thách đấu, đấm đá nảy lửa hay tranh giành quyền của bất kỳ nam giới nào. Với những nhân vật nam trong Boyhood, nội trong bản thân họ đã có sự tranh đấu - giữa cái tôi nghệ sĩ và cái tôi xã hội chuẩn mực (công việc ổn định, có danh vọng, luôn hướng về gia đình).

Ngay từ cảnh phim đầu tiên, người xem thấy một cậu bé Mason Jr. với mái tóc dài lãng tử nằm thảnh thơi trên cỏ xanh và mải ngắm bầu trời cho đến khi mẹ lôi cậu về nhà do nghe giáo viên mắng vốn về tật lo ra trong giờ học. Trong khi trên xe người mẹ đang lo lắng về chuyện học hành của đứa con, thì thằng bé ấy cứ huyên thuyên về trò nghịch ngợm và "phát minh" mới hôm nay. Nhưng trong buổi tối ấy, Mason Jr. chỉ yên lặng đứng nấp bên cánh cửa nghe lời to tiếng giữa mẹ và bạn trai cô. Cậu luôn ngoan ngoãn, bình tĩnh trước những đau khổ và quyết định đột ngột của mẹ, trong khi người chị Samantha (Lorelei Linklater) lém lỉnh liên tục phản kháng và kêu gào trước mặt mẹ.

Những cảnh quay sau tiết lộ rằng, Mason Jr. hầu như là chỗ dựa tinh thần của mẹ - luôn sát cánh bên bà trong những buổi học và chịu đựng hết những màn hành hạ của người cha dượng gia trưởng. Bỏ qua hết những giây phút đó đi, cậu đúng nghĩa là đứa trẻ trai - vẫn có hội anh em, vẫn nghịch phá như thường, có người cha ruột dạy cách vui chơi thực sự. Sự xen kẽ những cảnh quay mâu thuẫn trong gia đình và giây phút vui đùa vô tư cho thấy hai mặt trong con người Mason Jr.: một tính cách già dặn trước tuổi để làm chỗ dựa cho người mẹ có những quyết định sai lầm về đàn ông, một tính cách nghệ sĩ, bay bổng và bất cần mỗi khi bên người cha ruột, người chị và những người bạn. 

Và chặng đường trước khi tốt nghiệp cấp 3 của Mason Jr. chính là: giữ được hai phần tính cách đó luôn bên mình. Nếu mất đi tính cách "chỗ dựa tinh thần", cậu sẽ chẳng khác gì người cha ruột của mình. Nếu mất đi phần nghệ sĩ, cậu sẽ giống như người cha dượng - vị giáo sư đại học nghiêm kính nhưng sau này thành con sâu rượu. 

Qua việc xây dựng hình ảnh cậu bé Mason Jr., đạo diễn Richard Linklater đã cho khán giả thấy rằng: chính những thay đổi tưởng chừng có vẻ nhỏ nhặt, vặt vãnh lại có thể hình thành nên một con người thế nào. Và Mason Jr. của 18 tuổi là sự tổng hòa của tất cả những điều trên. Con người cậu được tạo nên từ những người đàn ông bên mẹ cậu, mẹ cậu, cô chị gái và cả mối tình đầu. Và trong quá trình đó, khán giả chỉ lẳng lặng quan sát những thay đổi ở Mason, để nghi vấn rằng: cậu bé này sẽ lớn lên như thế nào? Tốt hay xấu? 

Xen kẽ chuỗi những hành động "lêu lổng" và "đứng đắn" của Mason Jr., Richard Linklater như ngầm gửi thông điệp với khán giả rằng: không có lằn ranh gì chắc chắn để đảm bảo rằng một người sẽ trở nên tốt hay xấu chỉ qua một thời khắc mà chúng ta trải qua. Cũng như người cha lãng tử của cậu, Mason Sr. (Ethan Hawke) vậy, ông cũng đã thay đổi rất nhiều để thành một người đàn ông cho một gia đình khác. Hay mẹ cậu, dù đã có tên tuổi trong lĩnh vực giáo dục và nhìn ra tiềm năng con người, nhưng gu chọn đàn ông của bà thì dở tệ.

boydhood, richard linklater, ethan hawkeMason Jr. (Ellar Coltrane) bên người cha Mason Sr. (Ethan Hawke). Với họ, để trở thành người đàn ông tốt cần rất nhiều vấp ngã

"Tôi chẳng muốn là một người anh hùng, chỉ muốn đánh nhau như bao đứa trẻ khác"

boydhood, richard linklater, ethan hawke

Tôi biết đến Boyhood là nhờ đoạn video ca khúc Hero của Family of the Year. Trong Hero có một đoạn thế này: 

"Let me go

I don’t wanna be your hero

I don’t wanna be a big man

Just wanna fight like everyone else"

(Hãy để tôi bước đi

Tôi không muốn trở thành vị anh hùng của ai cả

Tôi không muốn là một người đàn ông lớn

Chỉ muốn chơi trò đánh nhau như bất kỳ ai khác)

Hero của Family of the Year là một ca khúc dễ hát, dễ thuộc và dễ thấm vì thông điệp trưởng thành của nó

MV của Family of the Year có thể là phiên bản tóm tắt 3 phút hơn của Boyhood. Mỗi phân cảnh được cắt dẫn trong clip đều có cơ sở của nó. Xen lẫn qua những lời hát về việc "không muốn trở thành một người lớn", "không muốn là một phần của cuộc diễu hành cuộc đời của một ai", chúng ta thấy hành trình lớn lên của chú bé không dễ dàng chút nào: chứng kiến sự cãi vã của những người lớn trong nhà, chuyển nhà, hậm hực bước vào lớp học với kiểu đầu trọc quân đội mà người cha dượng bắt ép. 

Để rồi sau đó, đoạn video chiếu đến cảnh Mason cùng cha trò chuyện hăng say khi ngồi trên xe hơi, hai cha con nghịch ngợm bên bờ sông và cậu cùng những đứa trẻ khác chơi bật nhún. Lời hát khi này lại vang lên "Baby needs some protection/But I’m a kid like everyone else" (Em bé cần sự bảo vệ/Nhưng tôi cũng là đứa trẻ như bao người khác). Mãi đến khi xem Boyhood, tôi mới nhận ra mọi đoạn trích trong phim gắn liền với từng đoạn hát đều có cơ sở của nó.

Trong phim, đoạn hát hiện trong cảnh chiếc xe hơi chạy bon bon trên đoạn đường tưởng như dài vô tận. Trước phân cảnh ấy, người xem thấy rằng sau khi cùng Mason đến được ký túc xá mà cậu sẽ gắn liền trong thời đại học, người mẹ đơn thân của cậu đột ngột khóc nức nở vì "giờ thứ sắp sửa đến với mình chỉ là một đám tang mà thôi. Vì bao cột mốc mẹ đã trải qua hết rồi. Mẹ không biết mình phải làm gì tiếp theo." Đến khúc này, tôi có cảm giác như bà muốn níu kéo Mason lại bằng một cách nào đó, nhưng không được nữa vì cậu đã 18 tuổi rồi, con đường đời còn dài. Cảnh ở trên ngụ ý rằng tương lai của Mason vẫn là con đường dài phía trước. Với quãng đường đời từ 6 đến 12 tuổi, cậu đã phải là "người anh hùng" của mẹ cậu, phải gắng thành một người trưởng thành trước tuổi, hiểu chuyện hơn rồi. Và đến lúc Mason học cách trở lại làm một đứa trẻ.

Hồi bé, khi xem những bộ phim về siêu anh hùng, ước mơ của một đứa bé trai ít nhiều đều liên quan đến trở thành anh hùng. Nhưng bài hát có tựa là "Anh hùng" trong Boyhood, người hát lại chẳng muốn là một anh hùng của bất kỳ ai. Và sau khi xem Boyhood, tôi nhận ra rằng: "man" cũng chính là con người. Những nhân vật trong phim ít nhiều đã phải đóng vai trò chỗ dựa - "người hùng" cho hết người này đến người khác. Và với họ, chỉ cần được nghỉ ngơi thôi cũng đủ rồi. 

Để trở thành anh hùng, cần một tâm hồn trưởng thành đủ lớn và hoàn hảo. Nhưng kỳ thực ngoài đời có ai được là anh hùng như trên phim đâu. Hero không chỉ là tiếng lòng của Mason Jr. sau những nổi loạn, mà có thể đến từ bất cứ nhân vật nào trong bộ phim này. Ở cha mẹ của cậu, khán giả thấy họ thực ra cũng chẳng trưởng thành mấy. Người cha Mason Sr. (Ethan Hawke) là một người đàn ông biết lắng nghe và chơi đùa với các con nhưng vẫn còn ham chơi. Người mẹ Olivia Evans (Patricia Arquette) bên ngoài chỉn chu, sâu sắc và chăm chỉ nhưng bà lại sai lầm với những quyết định lớn của cuộc đời mình: luôn chọn sai người đàn ông, chuyển nhà liên tục. Cô chị Samantha (con gái của đạo diễn Richard Linklater) nổi loạn, bốc đồng và luôn khiến người khác nổi điên. Tuy vậy, họ cũng nỗ lực để trở thành những người lớn tốt hơn. Và dần dà, những con người dần đi theo dòng chảy của sự trưởng thành, sự già đi để bầu bạn với những người trẻ.

boydhood, richard linklater, ethan hawke

Với những diễn viên trong Boyhood, câu chuyện trong phim của họ cũng lấy từ con người họ ở ngoài đời. Ethan Hawke và Patricia Arquette đều là những người có con và thất bại trong hôn nhân, Ellar Coltrane và Lorelei Linklater đều ở tuổi thật như trong cảnh quay, vì vậy sự bốc đồng, chín chắn của họ cũng tương ứng với những gì ở ngoài của họ. Trên Guardian, khi phỏng vấn cho phim Boyhood, Ellar Coltrane cảm thấy việc đóng phim là hành trình thú vị vì nó giúp anh nhận ra chính mình đã thay đổi mạnh mẽ ra sao chỉ qua những biến đổi nhỏ nhặt.

Kể cả khi như lời bài hát "Tôi chỉ muốn chơi đánh nhau như mọi người khác", cùng với sự ham chơi thông qua nghề nghiệp của cậu, Mason vẫn thừa nhận rằng: "Chúng ta không nắm bắt khoảnh khắc, mà chính khoảnh khắc nắm bắt chúng ta." Như một đoạn người cha đã chỉ cậu cách nghe The Beatles sao cho hợp lý, cây trống Ringo Starr bước ra sân khấu như kiểu "Chúng ta chỉ có ngần ấy thứ, tại sao không chơi hết mình cho hiện tại?" Và Boyhood - hành trình là một đứa con trai của Mason Jr. còn dài lắm.

Phải mất bao lâu, người ta mới biết cái đích mình ở đâu? Biết rằng mọi thứ mình làm chẳng hề vô nghĩa? Với người mẹ của Mason Jr., dù bà kinh qua mọi thứ có ý nghĩa, nhưng bà chỉ thấy cái đích buồn trước mặt. Với Mason, thì cái đích ở 18 tuổi chỉ mới là bắt đầu. Với chính Boyhood, phải mất đến 12 năm mới đến được cái đích. Và với Hero của Family of The Year, mãi 2 năm sau mới thành ca khúc rực sáng trên bảng xếp hạng.


ADVERTISEMENT