The Art Corner Tác phẩm mỹ thuật Đông Dương thuộc Bộ sưu tập của Philippe Damas lập kỉ lục đấu giá thế giới
Vào ngày 29/3, Christie’s Asia đã có phiên đấu giá đặc biệt tại Hồng Kông có tên gọi A Quest for Eternity: The Philippe Damas Collection - “Tìm kiếm sự Vĩnh hằng: Bộ sưu tập của Philippe Damas” thuộc khuôn khổ phiên đấu giá Mùa Xuân.
Đặc biệt trong phiên đấu giá này, đúng với kì vọng của những người yêu thích nghệ thuật Đông Dương, các nghệ sĩ mỹ thuật hiện đại Việt Nam một lần nữa phá vỡ kỉ lục đấu giá. Theo đó, tác phẩm "Les Trois Femmes" của danh họa Nguyễn Gia Trí vừa được bán với giá khoảng 2,07 triệu USD, vượt xa mức dự kiến chỉ khoảng 4-6 triệu USD Hồng Kông. Mức giá này đưa Nguyễn Gia Trí lên vị trí thứ 4 trong số 10 bức tranh Việt Nam đắt giá nhất, sau "Chân dung cô Phượng" trị giá 3,1 triệu USD của Mai Trung Thứ (2021), "Gia đình trong vườn" 2,37 triệu USD (2023) và "Hình hài trong vườn" 2,29 triệu USD (2022), đều của Lê Phổ. Đây cũng là mức giá bán công khai cao nhất cho tác phẩm của Nguyễn Gia Trí.
Ngoài ra, các tác phẩm khác trong bộ sưu tập của Nguyễn Sáng (Gia đình), Tô Ngọc Vân (Deux femmes), Trần Phúc Duyên (La prière - Người cầu nguyện), Lưu Văn Sin (Bonzesse - Nữ tu Phật giáo), Vũ Cao Đàm, Lê Phổ... cũng góp phần mang lại tổng cộng 7,78 triệu USD trong phiên đấu giá.
A Quest for Eternity: The Philippe Damas Collection - “Tìm kiếm sự Vĩnh hằng: Bộ sưu tập của Philippe Damas” là phiên đấu giá đặc biệt kỷ niệm Trường Mỹ thuật Đông Dương. Đã 1 thế kỷ trôi qua kể từ ngày Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời. Đây là cái nôi đào tạo nhiều tên tuổi quan trọng trong tiến trình phát triển nghệ thuật Việt Nam hiện đại, điển hình như “Bộ tứ Đông Dương” gồm Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm. Đều là những nghệ sĩ đời đầu xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương, các tác phẩm của những họa sĩ này là điển hình và tiên phong của phong cách hội hoạ giai đoạn bấy giờ: áp dụng cách tiếp cận mỹ thuật châu Âu để phác hoạ những bức chân dung và không gian đậm bản sắc Việt Nam.
Philippe Damas cùng bộ sưu tập của ông
Trong nửa thập kỷ trở lại đây, các tác phẩm của những họa sĩ này nhận được sự chú ý đặc biệt từ giới nghệ thuật quốc tế và các nhà sưu tầm, nhiều tác phẩm thậm chí trở thành “hiện tượng” ở những phiên đấu giá nổi tiếng nhất thế giới. Nhờ vậy, tài năng và những đóng góp quan trọng của các nghệ sĩ giai đoạn này cũng như trường Mỹ thuật Đông Dương được nhìn nhận và tôn vinh xứng đáng.
Tác phẩm "Le Trois Femmes" (1934) của Nguyễn Gia Trí
Là một tên tuổi nổi danh trong giới tài chính châu Á, Philippe Damas đã có nhiều năm với rất nhiều chuyến đi đến các vùng đất khác nhau ở châu Á. Đây cũng là thời điểm công cuộc sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật của ông gắn với nghệ sĩ hay lấy bối cảnh Đông Nam Á. Bộ sưu tập cá nhân đồ sộ của Philippe Damas đặc biệt phản ánh nền văn hoá đa dạng của khu vực, phản ánh gu thẩm mỹ tinh tế và kiến thức đặc biệt của nhà sưu tập danh tiếng này về nghệ thuật và lịch sử Đông Nam Á.
Tác phẩm "Le Thé à Hué (Tea in Hue)" (1937) của Mai Trung Thứ
Đặc biệt hơn cả, bộ sưu tập này cũng bao gồm những tác phẩm của cả các tên tuổi từng dạy học hay là học trò ở trường Mỹ thuật Đông Dương như Albert Cézard, Joseph Inguimberty, Victor Tardieu, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí, Vũ Cao Đàm. Phiên đấu giá của Christie’s ở Hồng Kông tới đây là một dịp tuyệt vời để kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương - École des Beaux-Arts de l'Indochine, đồng thời là dịp hiếm có để giới thiệu bộ sưu tập đặc biệt của Philippe Damas. Theo Crystal Lam, Cố vấn của Christie’s tại Việt Nam, “bộ sưu tập được tuyển chọn để có thể kể một câu chuyện sâu sắc, gồm cả các tác phẩm hiếm có, truyền thống cho đến những kiệt tác hiện đại của Việt Nam và Đông Nam Á. Đa dạng về biểu đạt nghệ thuật và giai đoạn sáng tác, các tác phẩm này phản ánh một cách độc đáo nhất hành trình cá nhân của một nhà sưu tập đầy đam mê như Philippe Damas”.
Tác phẩm "Le retour du Marche (the return from the market)" (1933) của Joseph Inguimberty
Trước thềm phiên đấu giá rất được mong chờ ở Hồng Kông này, Christie’s Asia cũng đã tổ chức buổi triển lãm Preview ở Singapore và thu hút sự chú ý của giới mộ điệu nhờ có những tác phẩm tiêu biểu của mỹ thuật hiện đại Đông Nam Á lần đầu tiên được công bố. Người yêu nghệ thuật Việt Nam và mỹ thuật hiện đại giai đoạn Đông Dương cũng hào hứng với các tác phẩm khác của những thành viên “Bộ tứ Đông Dương” thuộc bộ sưu tập.
>>Xem thêm: Phụ nữ - Những biểu tượng nữ tính của thế giới đồng hồ