share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Giải mã "cơn sốt" với tác phẩm của hoạ sĩ Art Deco Tamara de Lempicka


ADVERTISEMENT

Vai trò của nghệ sĩ nữ trong thế giới nghệ thuật cho đến nay vẫn còn là chủ đề tranh luận sôi nổi. Đặt phụ nữ vào một tấm phông nền đã bị nam giới chiếm lĩnh từ khi lịch sử nghệ thuật được ghi chép là thách thức không chỉ với việc nghiên cứu mà còn cả với nhận thức và cách tiếp cận nghệ thuật của nhiều thế hệ. 

Năm 1906, hoạ sĩ người Thuỵ Điển Af Klint (1862-1944) vẽ bức tranh có phong cách trừu tượng đầu tiên trên thế giới, nhưng trong cả thế kỷ 20, người ta vẫn mặc định cha đẻ của nghệ thuật trừu tượng phải là Kandinsky. Chỉ cho đến khi triển lãm “Hilma af Klint: Paintings for the Future” ra mắt công chúng tại Bảo tàng Guggenheim (New York) để giới thiệu những tác phẩm đồ sộ của nữ nghệ sĩ này, tượng đài kiên cố như thế giới nghệ thuật phương Tây mới buộc phải đối mặt với sự thật rằng, chính bà mới là người đầu tiên mang ý niệm trừu tượng vào nghệ thuật và thăng hoa với nó. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về tầm ảnh hưởng của những nghệ sĩ nữ và di sản họ để lại cho đời sống văn hoá nghệ thuật nói chung. 

Vừa qua, một ví dụ khác thành hình khi triển lãm hồi tưởng đầu tiên ở Mỹ của nữ hoạ sĩ gốc Ba Lan Tamara de Lempicka ra mắt công chúng tại Bảo tàng De Young thuộc Bảo tàng Mỹ thuật San Francisco và ngay lập tức nhận được sự chú ý rộng rãi của công chúng, dù nhiều người Mỹ thừa nhận họ chưa từng nghe đến cái tên Lempicka trước đó. Cũng giống như Hilma af Klint, có khi tất cả những gì một nghệ sĩ cần là triển lãm hồi tưởng để có thể phô bày sự đồ sộ của hệ thống các tác phẩm trước mắt giới mộ đạo thế kỷ 21, trước khi họ tìm lại đúng vị trí của mình trong thế giới đầy chủ quan này. Với Tamara de Lempicka, câu chuyện của hoạ sĩ còn có những nút thắt thú vị hơn cả. 

Trong hơn 120 bức tranh, các tác phẩm điêu khắc cùng bộ sưu tập những tác phẩm Art Deco khác từ bộ sưu tập sẵn có của bảo tàng, chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của Lempicka được đặt vào một bối cảnh lịch sử hoàn chỉnh. Ở đó, có những bức vẽ Lập thể đầu tiên được Tamara de Lempicka sáng tác trong giai đoạn bà sống ở Paris vào những năm 1920 - 1930. Đó là những tác phẩm được giới phê bình mô tả “nắm bắt được sự quyến rũ và sức sống của Paris sau chiến tranh với vẻ hào nhoáng của thời đại”. Triển lãm "Tamara de Lempicka" được trình bày theo trình tự thời gian trong bốn chương chính đánh dấu các giai đoạn trong cuộc đời của nghệ sĩ thông qua danh tính thay đổi của bà: Tamara Rosa Hurwitz, Monsieur Łempitzky, Tamara de Lempicka và Baroness Kuffner nhằm giới thiệu sự phát triển trong phong cách nghệ thuật cũng như những chủ đề đẩy cảm xúc dưới cây cọ vẽ của Lempicka.

Các tác phẩm thanh lịch, gợi cảm, thể hiện linh hoạt những ảnh hưởng từ trường phái Lập thể, Vị Lai, nghệ thuật trang trí, chủ nghĩa Tân cổ điển và điểm nhìn đầy tính nữ. Nói Lempicka chịu ảnh hưởng từ phong trào Art Deco vốn nổi lên vào đầu thế kỷ 20 ở châu Âu không sai. Nhưng những bức tranh của bà chắc chắn đóng góp phần không nhỏ vào việc định hình sự phát triển Art Deco theo hướng mỹ thuật thay vì chỉ trang trí hay kiến trúc. 

Vào những năm 1920, Lempicka và những tác phẩm rất “hợp thời” của bà đã nhận được sự chú ý và được nhiều bảo tàng như Musée d'art de Nantes và Pompidou mua lại. Thời thế và chiến tranh khiến ngôi sao mới nổi buộc phải chìm vào quên lãng, gắn với những cuộc nhập cư, từ Saint Petersburg đến Los Angeles, từ London đến New York, từ Paris đến Milan, những địa danh gắn với dấu chân nữ nghệ sĩ này mang đến cho bà mối quan hệ xã hội với tầng lớp thượng lưu bấy giờ, đồng nghĩa với cái nhìn cận cảnh và nguồn cảm hứng bất tận với nhân vật và câu chuyện thời cuộc. Sau Thế chiến, thị hiếu của công chúng thay đổi và Art Deco cũng tưởng như lụi tàn. Thay vì toả sáng, Lempicka tập trung vào những sáng tác riêng tư. Tuy nhiên, sự hồi sinh của phong trào này vào thập niên 1960 - 1970, các tác phẩm của bà mới được phát hiện, nhưng buộc phải cạnh tranh với những nghệ sĩ nam nổi tiếng khác. 

Tamara de Lempicka, “Wisdom (La Sagesse)” (1940–41), sơn dầu trên bảng, 33 1/16 x 26 3/8 x 4 1/2 inch (84 x 67 x 11,5 cm); Colección Pérez Simón, Mexico (© 2024 Tamara de Lempicka Estate, LLC / ADAGP, Paris / ARS, NY © 2019 Christie's Images Limited)

Dù đã chuyển đến Mỹ từ lâu, và bà cũng là một trong những nhân vật hoạt động sôi động nhất trong phong trào Art Deco ở giai đoạn cả nước Mỹ mê đắm nó, vị thế của hoạ sĩ này với người Mỹ vẫn là câu hỏi để ngỏ. Vào năm 2021, khi đồng giám tuyển triển lãm Furio Rinaldi tìm kiếm một bức vẽ con gái của Lempicka cho Bảo tàng Mỹ thuật San Francisco, ông nhận ra rằng chưa có bảo tàng Mỹ nào khác từng mua bất kỳ tác phẩm nào của nghệ sĩ này cho bộ sưu tập cố định của mình (mặc dù một số bảo tàng, như Bảo tàng Met, đã tặng tác phẩm của bà) và cũng không có tổ chức nghệ thuật nào ở Mỹ tổ chức một cuộc triển lãm hồi tưởng toàn diện về nghệ thuật Lempicka. Sự xuất hiện của triển lãm quy mô lớn không chỉ mang ý nghĩa riêng với cá nhân hoạ sĩ, mà còn cả với điểm nhìn lịch sử nghệ thuật hiện đại nói chung.  

Tamara de Lempicka, “Cô gái trẻ mặc đồ xanh (Cô gái trẻ đeo găng tay)” (khoảng năm 1931), sơn dầu trên ván, 24 1/4 x 17 7/8 inch (61,5 x 45,5 cm); Trung tâm Pompidou, Paris (© 2024 Tamara de Lempicka Estate, LLC / ADAGP, Paris / ARS, NY Hình ảnh kỹ thuật số © CNAC/MNAM, Dist. RMN-Grand Palais / Art Resource, NY)

Từ việc chưa từng nghe đến cái tên của bà trước đó, người ta giờ đây đã biết mối quan hệ thú vị giữa Tamara de Lempicka với nghệ thuật đại chúng. Nếu như Madonna giới thiệu tác phẩm nghệ thuật của Lempicka trong một video ca nhạc năm 1986 và được chiếu sáng trên sân khấu trong chuyến lưu diễn gần đây nhất, một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của bà, “Self-Portrait in a Green Bugatti” thực ra lại là bức tranh đặt hàng bởi biên tập viên thời trang Đức Die Dame khi ông nhìn thấy Tamara lái xe… 

Tamara de Lempicka (1894 - 1980) “Chân dung Ira P.”, 1930 Sơn dầu trên gỗ, 39 3/8 x 25 9/16 in. (100 x 65 cm) Bộ sưu tập riêng © 2024 Tamara de Lempicka Estate, LLC / ADAGP, Paris / ARS, NY © 1969 Christie's Images Limited

Cho đến nay, nghệ thuật mang phong cách hiện đại, tôn vinh tính nữ và thẩm mỹ Art Deco của nghệ sĩ này vẫn là nguồn cảm hứng cho thời trang, phim ảnh, hay minh hoạ. Và, giá trị của những tác phẩm ký tên Lempicka đạt đến hàng triệu USD ở những phiên đấu giá lớn. Năm 2020, tác phẩm "Portrait de Marjorie Ferry" (1932) của Lempicka đã được bán với giá 21,1 triệu USD tại Christie's. Tháng 4/2020, Sotheby’s cũng tổ chức triển lãm bán tác phẩm có tên “The World of Tamara: A Celebration of Lempicka and Art Deco”. 

Lịch sử nghệ thuật có thể chưa công bằng với phụ nữ, nhưng việc nhìn nhận tầm ảnh hưởng của Af Klint với nghệ thuật trừu tượng, hay Tamara de Lempicka với Art Deco có thể là những chỉ dấu quan trọng cho một thế giới nghệ thuật công bằng hơn.


ADVERTISEMENT