share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Explore Mênh mang sông nước miệt Cái Bè


ADVERTISEMENT

Không thể so sánh nổi với vẻ thơ mộng êm dịu của xứ Đà Lạt, nồng nàn Hà Nội hay sôi động nhộn nhịp Sài Gòn, nhưng Cái Bè – Tiền Giang lại mang đến những điều đặc biệt khác. Những cơn gió sông miên man, cây trái trĩu quả, những mênh mông tình sông nước ở xứ này lại đẹp một cách giản dị mà thắm đượm…

Chiếc xe xuất phát lúc 4h sáng đưa tôi đến Cái Bè vào một ngày đầu tháng 9. Chúng tôi đi thật sớm như vậy là để có cơ hội ngắm bình mình trên sông. Nhưng mọi tính toán của tôi trở nên sai lệch hết vì ngày hôm ấy mặt trời lên rất sớm. Từ phía đằng Đông, chân trời ửng hồng rồi lan màu lam tím. Chẳng mấy chốc, cả góc trời như mở toang cánh cửa trải thảm màu rực rỡ. Được ngắm những dải màu tuyệt đẹp nhuộm bầu trời và nhuộm cả những cánh đồng hai bên đường, tôi chẳng còn cảm thấy tiếc vì không được ngắm bình minh trên sông nữa. Tôi sẽ để dành vào một dịp khác.

Tôi đặt chân xuống đất Cái Bè khi nắng chênh chếch lên cao. Nơi này giờ thay đổi hơn so với lần đầu tiên tôi đến cách đây gần hai năm, khiến cảm xúc trong tôi vừa bồi hồi như trở về nhà lại vừa ngỡ ngàng như lần đầu đặt chân tới. Trên sông, nhà thuyền sẵn sàng đưa chúng tôi rời bến bắt đầu hành trình mênh mang miền sông nước Cái Bè của mình.

Thời điểm này là mùa nước nổi ở miền Tây, nên ngồi trên thuyền ngắm cảnh “mênh mông trời rộng sông dài” cảm xúc trong tôi dâng trào. Tôi chẳng bấm máy ảnh nữa mà chỉ ngồi im tận hưởng cảnh sông nước hữu tình, đón làn gió đang vờn trên mái tóc của mình và hít hà cái mùi ngai ngái, nồng nồng của sông của bùn.

Thuyền ngược dòng, hướng về chợ nổi Cái Bè. Chỉ ít phút, thay vì sông rộng mênh mông, tôi đã thấy những con thuyền neo lại, những cây trèo bẹo cao vút treo đủ thứ sản vật miệt vườn.

Không giống như chợ nổi Cái Răng tập trung nhiều khách du lịch và họp cả buổi sáng, chợ nổi Cái Bè là trung tâm đầu mối trái cây nên thường họp vào lúc nửa đêm mờ sáng. Vì vậy, chợ không rộn ràng bán buôn và đông khách du lịch. Trên sông chỉ còn lại những thuyền bán lẻ và một vài thuyền bán dạo trái cây, đồ ăn cho khách du lịch.

Không được thấy cảnh “đông kẻ chợ” nhưng tôi lại có dịp thưởng thức trọn vẹn cảnh mênh mông sông rộng trên chiếc võng lắc lư theo nhịp sóng nước. Thuyền chúng tôi cập nạm thuyền bán trái cây. Không chỉ niềm nở mời mua hàng, chủ thuyền còn sẵn sàng cho chúng tôi ghé sang thuyền của bà chụp ảnh và ngồi chơi. Bà kể chúng tôi nghe những câu chuyện về miền sông nước và chỉ cả cách lựa loại trái cây tươi ngon nhất. Vừa thưởng thức trái cây, uống nước dừa vừa nghe bà kể chuyện, nhóm chúng tôi chẳng ai chịu rời thuyền của bà cho đến khi anh lái thuyền giục giã.

Điểm tiếp theo mà chúng tôi ghé thăm là những ngôi nhà cổ ở Cái Bè. Lần này, thuyền không đi ngoài sông lớn mà rẽ vào nhánh sông nhỏ đủ để tôi có thể ngắm những con đường làng nhỏ rợp hoa hai bên tả ngạn bờ sông và cây cầu đi bộ nối đôi bờ sông duyên dáng điểm tô trong khung cảnh thanh bình.

Những ngôi nhà cổ nằm bên bờ sông rợp bóng cây xanh và mát rượi. Các ngôi nhà cổ này có tuổi đời gần 200 năm và mỗi ngôi nhà lại mang một phong cách khác biệt. Nhà ông Kiệt là kiến trúc đậm chất phương. Những cột kèo trong nhà đều được dựng bằng các loại gỗ quý hiếm, hình chạm khắc rất tinh xảo và đậm giá trị thẩm mỹ. Trong nhà vẫn còn giữ được nhiều bộ liễn đối khảm xà cừ, các bộ bàn ghế chạm trổ rất công phu và nhiều vật dụng bằng sứ quý hiếm. Nhà ông Ba Đức lại xây theo lối kiến trúc thuộc địa Đông Dương. Mặt tiền của ngôi nhà được xây

theo kiểu Pháp với những hàng cột tròn, mái vòm uốn cong còn bên trong nội thất lại là một không gian kiến trúc thuần Việt… Những ngôi nhà cổ đậm dấu thời gian khiến tôi như được trở về thời xa xưa của miệt vườn xứ sông nước.

Thuyền rời bến nhà cổ chạy ra sông lớn đưa chúng tôi đến với cồn Tân Phong bốn mùa cây trái tốt tươi. Ở đây, tôi có dịp ghé thăm làng nghề làm cốm, kẹo dừa, nuôi ong lấy mật… và được tận mắt chứng kiến những công đoạn chế biến cốm, làm kẹo. Rồi tôi có dịp tản bộ trên những con đường nhỏ nằm len lỏi dưới những vườn cây ăn trái, tận hưởng không gian thanh bình yên cả của làng quê Nam bộ Việt Nam. Người dân Tân Phong nhiệt tình và hiếu khách, vừa dẫn chúng tôi len lỏi thăm vừa cây vừa chọn những trái chín ngon nhất cho chúng tôi thưởng thức ngay tại vườn.

Khi đã khám phá hết các khu vườn cây trái, chẳng còn gì tuyệt vời hơn được thưởng thức bữa ăn với những đặc sản sông nước ngay tại vườn cây. Cá lóc đồng nướng lu, ốc Tân Phong nướng tiêu xanh… là những món ăn tôi rất muốn được thưởng thức lại nhiều lần.Vừa thưởng thức món ăn ngon trong vườn cây xanh mát, vừa nghe những làn điệu ca cải lương mượt mà, ngày của tôi ở Tân Phong trôi đi thật bình yên và đáng nhớ.

Cho đến khi con đò chiều đưa chúng tôi qua sông để trở về, tôi vẫn cứ mãi luyến lưu, chẳng muốn nói lời tạm biệt. Hẹn một ngày gần nhất, tôi sẽ lại trở về, lại đung đưa chiếc võng trên thuyền và thăm những nơi tôi đã tới!


ADVERTISEMENT