Tips & Advice Minimalism: 5 bước đầu tìm về lối sống tối giản
Ảnh: Shutterstock
Xoay quanh chủ đề về minimalism, gần như các nhận xét đều tập trung vào những khía cạnh như: “Sống tối giản chỉ phù hợp với nhà giàu”, “Hình như đây được xem là xu hướng của giới trẻ, rồi cũng chóng qua”, “Là sinh hoạt kiêng khem như một nhà tu khổ hạnh?” hay gồm cả ý kiến: “Nếu vứt bỏ 80% đồ đạc ngay bây giờ thì có được xem là sống tối giản không?”.
Thật ra, qua gần một thế kỷ kể từ lần đầu tiên chủ nghĩa tối giản xuất hiện, không có bất kỳ một quy luật ràng buộc thế nào là sống đúng cách, thế nào là sai. Tại Việt Nam nói riêng, các nhận định về lối sống này cho đến nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều. Dẫu vậy, nếu bạn đang tìm hiểu một cách sinh hoạt và hướng tư duy giúp bản thân ngày càng thông đạt hơn, thì “minimalism” chính là sự lựa chọn dễ áp dụng nhất gồm 5 bước căn bản sẽ được đề cập dưới đây.
Nguồn gốc của sống tối giản
Dựa theo các báo cáo khác nhau từ khắp nơi trên thế giới, đến hiện tại vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng lối sống này được chính thức hình thành tại đâu. Tuy nhiên, một số ghi chép được lưu trữ qua nhiều năm vẫn còn nhắc đến chủ đề này.
Tại Phương Tây
Phong cách tối giản trong nghệ thuật (Ảnh: Shutterstock)
Cụm từ “Chủ nghĩa tối giản” (minimalism) bắt đầu được chú ý từ những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước và xuất hiện như một phong trào tại New York. Vào khoảng thời gian đó, “tối giản” được áp dụng chủ yếu vào hai lĩnh vực: điện ảnh và âm nhạc. Thông qua việc sử dụng ít nhạc cụ hơn trong bài hát, ít đòi hỏi cầu kỳ về góc quay hay các phân cảnh được hạn chế dung hoà nhiều màu sắc khác nhau. Minimalism được đề cao nhằm khẳng định thông điệp: “Nghệ thuật sinh ra để dành cho nghệ sĩ, không đến lượt những kẻ chỉ nhằm mục đích buôn bán”.
Tại phương Đông
“Ma” - chủ nghĩa tối giản từ Nhật Bản (Ảnh: Shutterstock)
Xét ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, có lẽ lối sống tối giản được biết đến nhiều nhất thông qua các truyền thống từ xứ sở Phù Tang - Nhật Bản. Tương truyền rằng, người dân ở đất nước này tại thời kỳ Edo đã sinh sống trong vòng giới hạn bởi các luật lệ ngăn chặn sự khoe khoang của cải, vật chất và tài sản. Một số ghi chép khác lại cung cấp thông tin rằng với phương pháp của phái Thiền tông (Zen) thuộc Phật giáo, họ khuyến khích mỗi cá nhân giải thoát bản thân khỏi các ham muốn vật chất tầm thường, sống khiêm nhường và tách biệt khỏi thế gian trần tục. Dù không chắc chắn đâu là nguồn gốc chính xác, nhưng sống tối giản như người Nhật đã dần dần “bám rễ” trở thành biểu tượng trong phong cách sinh hoạt của dân tộc này đến cả thời đại hiện nay.
Sống tối giản như thế nào, mục đích đạt được là gì?
Nhiều người thường giữ khư khư định kiến rằng “tối giản” đòi hỏi sự kiêng khem cực hạn cả về vật chất lẫn tinh thần, hay phải trang trí, bày biện vật dụng sang trọng như các vlogger trên YouTube.
Minimalism là tư duy
Thật ra, bởi vì không có bất kỳ yêu cầu hay khuôn khổ cụ thể cho những người muốn sống theo chủ nghĩa này, minimalism thường được xem là một lối tư duy để cải thiện cuộc sống theo chiều hướng tích cực hơn, tập trung vào những gì quan trọng và cần thiết nhất cho bản thân.
Cụ thể, hai tiếng “tối giản” nhấn mạnh vào thông điệp: càng ít các mắt xích quan hệ, càng bớt đi những thứ “gắn” với bản thân thì sẽ không cảm thấy sợ đánh mất bất kỳ điều gì.
Tiết kiệm thời gian và công sức cho những gì cần thiết hơn
Ảnh: Shutterstock
Quỹ đạo thời gian của con người chỉ vỏn vẹn 24 tiếng một ngày, không thể kéo dài cũng chẳng thể mong giải quyết được nhiều vấn đề hơn nếu tâm trí luôn bị phân tán bởi nhiều mảnh vụn... linh tinh khác. Dành 10 phút chỉ để lựa chọn trang phục phù hợp cho buổi sáng, gần nửa tiếng lướt mạng xã hội nhưng không mang lại bất kỳ thông tin bổ ích nào, tiêu vặt vài trăm nghìn cho món đồ chỉ sử dụng được vài lần...
Tất cả những lỗ hổng thời gian hoang phí đó đối với một người theo chủ nghĩa tối giản (minimalist) sẽ được lấp đầy bằng việc xử lý công việc cấp bách tại công ty, một bữa sáng lành mạnh, cuốc bộ vài vòng để tận hưởng âm thanh của thiên nhiên hay chi tiêu cho đôi giày dù đắt nhưng chất lượng được đảm bảo để sử dụng dài hạn.
Tóm lại, minimalism không phải dừng lại ở những khía cạnh tiêu cực như sang trọng hoá mọi thứ, mà nó hình thành cho chúng ta một thói quen suy nghĩ và hành động, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn từ vật chất đến tinh thần.
Điểm qua 5 bước thiết thực nhất để bắt đầu hành trình sống tối giản
1. ''Thanh trừng'' món đồ không sử dụng trên 3 tháng
Ảnh: Shutterstock
Việc chọn lựa các vật dụng hay quần áo vào mỗi sáng hoàn toàn có thể được dễ dàng hóa bằng việc “tạm biệt” những món ít dùng. Những gì có cùng chức năng, có khả năng thay thế cho nhau, chỉ chênh lệch ở kiểu dáng hay chất liệu thì đừng ngần ngại chọn một trong số đó và sử dụng mà thôi. Đặc biệt, khi loai bỏ tại các kệ, tủ và ngăn kéo, nếu tìm ra bất kỳ vật gì chưa được chạm đến trong vòng 3 tháng gần đây, hãy cân nhắc kỹ càng đến việc có nên tiếp tục lưu giữ chúng hay không nếu thật sự không có cơ hội sử dụng trong tương lai.
Trong giai đoạn tiêu trừ những gì thừa thãi này, hãy đặt các món đồ, quần áo “may mắn” được chọn đó vào thùng và bao khác nhau. Đừng quên phân loại chúng rõ ràng, sau đó bạn có thể gửi đến những nơi mà chúng sẽ phù hợp và được nâng niu hơn như cộng đồng người vô gia cư, các cửa hàng quần áo 0 đồng, hay đăng bài trên group đồ cũ tại Facebook...
2. Sắp xếp ngăn nắp mọi thứ, chỉ trưng bày những vật sử dụng thường xuyên
Sau khi đã “thanh lọc” không gian sống bằng cách gửi đi những gì không cần thiết, các vật dụng còn lại cần được đặt để vào những vị trí thích hợp. Nhằm mục đích giữ cho không gian luôn thoáng đãng và tối giản, hãy chỉ bày biện những thứ thật sự quan trọng tại các vị trí “đắc địa”, vừa nhìn đã có thể lấy ngay khi cần.
Bước này nghe qua tưởng chừng rất dễ thực hiện, nhưng nếu chỉ cần không khống chế được ham muốn trưng bày “thật đẹp, thật sang” như vlogger, món gì cũng muốn phô trương cho cả thế giới thấy thì cuối cùng bạn có thể sẽ đối mặt với tình trạng căn phòng bừa bộn như trước khi thực hiện bước một vậy.
3. ''Thẳng tay'' unfollow trên mạng xã hội
Trung bình mỗi ngày, chúng ta dành ra 3 giờ để trải nghiệm nhiều loại mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, hay thịnh hành hiện tại là TikTok. Vì vậy, việc bắt gặp các thông tin chia sẻ, bình luận và ý kiến trái ngược với châm ngôn của bản thân có thể không chỉ gây ra cảm giác khó chịu, mà đôi khi còn khiến “tay chân ngứa ngáy”, muốn “vào cuộc” để bày tỏ quan điểm và đấu tranh.
Tránh để những cảm xúc này tiêu hao thời gian và tác động tiêu cực đến chính mình là những điều bạn cần phải cải thiện ngay hôm nay. Và chắc chắn rồi, nếu không muốn bị ảnh hưởng, thì hãy “thẳng tay” unfollow người hay fanpage mang lại sự buồn bực đó.
4. Chi tiêu cẩn thận, mua hàng chất lượng
Ảnh: Shutterstock
Một trong những vấn đề lớn nhất khi quyết định sống theo chủ nghĩa minimalism chính là “tối giản” trong chi tiêu. Điều này không đồng nghĩa với việc hạn chế mua sắm đến mức tối thiểu, kiêng khem không chi cho bất kỳ thứ gì.
Như đã đề cập, lối sống tối giản được xem như một kiểu tư duy hơn là khuôn khổ và các ràng buộc nhất định. Áp dụng điều này với các khía cạnh về tài chính, trước khi đi đến quyết định mua, hãy đặt những câu hỏi như:
- Sản phẩm này sẽ sử dụng trong bao lâu?
- Sản phẩm này có sở hữu nhiều công dụng khác nhau?
- Những dịp, hoàn cảnh gì sẽ cần đến sản phẩm này? Có thường xuyên cần sử dụng không?
Trả lời các câu hỏi trên, bạn đã phần nào hoàn thành bài “test” tìm hiểu tất tần tật về sản phẩm, cũng như cho bản thân cơ hội được cân nhắc chi tiêu kỹ càng hơn. Có thể ban đầu, đây là một quá trình tốn thời gian và rườm rà, nhưng rèn luyện nó thường xuyên sẽ hình thành cho bạn một thói quen, dần dần sẽ không cảm thấy khó khăn nữa.
5. Quan tâm đến sức khỏe bản thân
Cuối cùng, chẳng phải chúng ta áp dụng lối sống tối giản với mong muốn một cuộc sống tốt hơn, lành mạnh hơn sao? Như vậy, duy trì thói quen ăn uống, thức dậy và ngủ nghỉ điều độ cũng là một trong những cách để dần trở thành một minimalist chính hiệu.
Các bài tập thể dục vào sáng và tối, chạy bộ đường dài, yoga, ăn sạch (eat clean), đặt thông báo đến giờ ngủ trong điện thoại, cài ứng dụng nhắc nhở uống đủ 2 lít nước mỗi ngày,... đều là những lựa chọn mà bạn hoàn toàn có thể bắt tay vào thực hiện ngay hôm nay.
“Bí quyết để có được niềm vui không đến từ mong muốn sở hữu nhiều hơn, mà là từ sự thỏa mãn với những gì đang có”. Với 6 bước căn bản này cùng một số thông tin chắt lọc về sống tối giản, hi vọng bạn có thể trực tiếp áp dụng chúng vào cuộc sống hằng ngày ngay từ hôm nay. Đặc biệt, hãy luôn ghi nhớ rằng, bản chất của minimalism không phải “tối thiểu” mọi thứ đi, mà nhằm mục đích “tối giản” thứ không cần thiết để từ đó “tối ưu” những khía cạnh quan trọng hơn với bản thân mỗi người.