The Art Corner Nhạc kịch: Từ những vở diễn kinh điển đến sân khấu Việt Nam?
Vào sinh nhật lần thứ 22, tôi đã tặng cho chính mình món quà của nghệ thuật. Mùa hè năm đó, tại thành phố tôi từng du học, đoàn kịch Shiki đã dựng và biểu diễn vở nhạc kịch Cats của nhà soạn nhạc nổi tiếng Andrew Lloyd Webber. Là một trong những vở nhạc kịch được ưa chuộng nhất tại Nhật Bản, cả thành phố khi ấy tưng bừng chào đón sự trở lại của những “khứa mèo” tinh nghịch. Khắp nơi, bạn có thể bắt gặp những tấm áp phích quảng cáo và màn hình chiếu những đoạn trích ngắn từ vở kịch. Thậm chí, búp bê khổng lồ Nana – linh vật của thành phố – cũng khoác lên mình bộ lông xù xì của nhân vật Rum Tum Tugger.
Một cảnh trong vở nhạc kịch Cats được dựng bởi đoàn kịch Shiki (Misa Shigematsu)
Từ những vở diễn kinh điển
Là một người yêu âm nhạc, và hơn cả là nhạc kịch, tôi đã phải nhanh tay đặt vé ngay từ khi vừa mở bán (ấy vậy mà cũng không dễ dàng gì lấy được ghế đẹp). Ngày hôm đó, khán giả từ khắp nơi đội cái nắng chói chang để tụ tập tại nhà hát, từ người lớn đến trẻ con, khuôn mặt ai nấy cũng lộ rõ nét hứng khởi. Cũng phải thôi, vì Cats là một vở nhạc kịch vô cùng lôi cuốn, với lời ca được trích nguyên văn từ những vần thơ trong sáng của T.S. Eliot về những chú mèo hài hước và kiêu hãnh. Đây cũng là một trong những tác phẩm hiếm hoi tôn vinh nghệ thuật nhảy múa qua những chuyển động dẻo dai, mê hoặc đến nỗi khán giả cũng phải đung đưa theo từng nhịp điệu. Một câu chuyện ngây ngô với những nhân vật vui nhộn trên nền nhạc sôi động. Ấy vậy mà khi khúc dạo đầu vang lên và các diễn viên xuất hiện cầm trên tay chiếc đèn pha nom tựa đôi mắt xanh lục, tôi đã bật khóc thổn thức trước sự tráng lệ của nghệ thuật biểu diễn, được gói trọn trong một vở nhạc kịch.
Khán giả và giới nghệ thuật Việt Nam hẳn không còn xa lạ gì với thuật ngữ “nhạc kịch.” Từ lâu, nhiều ca sĩ trong nước đã thường xuyên trổ tài với những ca khúc từ các tác phẩm bất hủ như Bóng ma trong nhà hát hay Những người khốn khổ. Không chỉ vậy, trong những năm gần đây, việc lồng tiếng cho những bộ phim Disney ngày một phổ biến, cho phép các ca sĩ và diễn viên trẻ hoạt động trong khuôn khổ nhạc kịch dưới dạng phim điện ảnh và hoạt hình. Tuy nhiên, mặc dù nhiều người đã thuộc lòng những trích đoạn quen thuộc, liệu khán giả Việt Nam mấy ai đã có cơ hội tận mắt thưởng thức một vở nhạc kịch hoàn thiện trên sân khấu?
Tại những điểm nóng ca múa kịch như phố Broadway (New York) hay quận West End (London), các nhà hát lớn nhỏ sáng đèn hàng đêm với vô số những show diễn khác nhau, đón chào khách tham quan từ khắp mọi miền thế giới. Hay gần hơn là những nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, nơi khán thính giả cũng thường xuyên có cơ hội thưởng thức nhạc kịch ở nhiều quy mô với sự tham gia của cả các nghệ sĩ trong nước lẫn quốc tế. Thế nhưng tại Việt Nam, mặc dù giới nghệ thuật không ít các nhân vật tài năng – hát hay, nhảy đẹp, diễn xuất duyên – nhưng vì lý do nào đó mà loại hình nhạc kịch vẫn chưa phổ biến.
Có lẽ câu trả lời đơn giản nhất cho câu hỏi “vì sao Việt Nam chưa có văn hóa nhạc kịch” là do chi phí đắt đỏ. Và điều này không hoàn toàn sai. Tại Việt Nam, giá vé của các buổi hòa nhạc thính phòng nằm ngoài khả năng chi trả của khá nhiều người, chưa kể những buổi biểu diễn của các ca sĩ, nhạc công nổi tiếng. Từ đó, nhiều người cho rằng, hẳn giá vé cho những vở nhạc kịch hoành tráng cũng phải “trên trời.”
Vào năm 2016, giá vé trung bình để vào xem vở nhạc kịch Hamilton tại Broadway là tầm 1000 USD, nhưng giờ đây đã hạ xuống còn khoảng 130 USD/vé (Ảnh: The American Revolution Institute)
Trên thực tế, loại hình này khá dễ tiếp cận tại những nước có văn hoá nhạc kịch phát triển. Trừ những vở đang “hot” ra, hầu hết giá vé vào cổng các nhà hát tại West End bắt đầu từ khoảng 25 bảng Anh (~800.000VNĐ), đặc biệt là những vở được dựng thường xuyên như Bóng ma trong nhà hát. Hay tại Nhật Bản, nơi các kỳ biểu diễn ngắn và ít hơn tại Broadway và West End, giá vé cho những vị trí trung tâm dao động khoảng 12.000 – 17.000 yên Nhật (~2.000.000 – 2.800.000 VNĐ). Đây là mức giá dễ chấp nhận đối với hầu hết những người đang sống và làm việc ở các quốc gia này, chưa kể những buổi diễn quy mô nhỏ, hay các show được dựng bởi đoàn kịch nghiệp dư. Tuy nhiên, cái “đắt đỏ” của nhạc kịch không phải là ở giá vé mà chính là ở khâu sản xuất.
Hãy tưởng tượng một vở kịch nói, hoà nhạc, hay vũ kịch. Để tổ chức một buổi biểu diễn như vậy họ sẽ cần những đội ngũ hay cơ sở vật chất như thế nào? Một vở kịch nói thông thường sẽ cần một tốp diễn viên, đạo diễn, và đội ngũ hậu cần bao gồm biên soạn kịch bản, thiết kế bối cảnh, và cả các chuyên viên kỹ thuật. Một vở vũ kịch còn cần thêm các vũ công và biên đạo múa, cùng dàn âm thanh cao cấp, thậm chí là phải có cả tổ thiết kế trang phục đặc biệt để vũ công có thể vừa nhập vai vừa tự do nhảy múa. Một buổi hoà nhạc thì chắc chắn phải cần những dàn giao hưởng, ban nhạc, dàn hợp xướng, soloist và cả chỉ huy rồi. Còn nhạc kịch thì sao? Dù nhỏ đến đâu, để dựng một vở nhạc kịch đều cần sự kết hợp của tất cả những yếu tố đã nêu trên.
Bài hát và vũ đạo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mỗi vở nhạc kịch. Không chỉ là những đoạn giải trí thông thường, âm nhạc chính là ngôn ngữ kể chuyện, có khả năng kích thích cảm xúc, thể hiện hàm ý, mâu thuẫn và cho phép khán giả đồng cảm với các nhân vật. Đặc biệt, đây là cách cơ bản nhất để đẩy câu chuyện lên cao trào: khi cảm xúc mạnh mẽ đến mức không thể nói nữa, các nhân vật sẽ hát; khi cảm xúc mạnh mẽ đến mức không thể hát nữa, các nhân vật sẽ nhảy. Tuy nhiên, trong nhiều vở nhạc kịch lấy cảm hứng từ opera như Những người khốn khổ, các nhân vật sẽ hát suốt quá trình câu chuyện. Hay với những vở hiện đại như Chicago, vũ đạo không chỉ là cách thể hiện sự cao trào mà là một phần chủ chốt của màn biểu diễn. Điều này có nghĩa rằng mỗi vở nhạc kịch cần những ba đội ngũ sản xuất ở ba mảng khác nhau – đạo diễn sân khấu, vũ đạo, và âm nhạc – hợp tác cùng nhau để tạo nên thành quả. Cũng chính vì vậy mà sân khấu nhạc kịch cần phải rộng hơn những sân khấu thông thường rất nhiều, để có thể chứa đựng cả dàn diễn viên, hậu trường, và ban nhạc hoặc dàn hợp xướng.
Tương lai của nhạc kịch Việt Nam
Trò chuyện với Jay-Thiện Nguyễn – nhà sáng lập nhóm kịch nghệ Impact Theatre Saigon – anh cũng chia sẻ về những khó khăn khi dựng những buổi biểu diễn nhạc kịch. “Đây là bộ môn đòi hỏi sự cộng tác lớn từ tất cả các mảng, từ âm thanh, ánh sáng, phục trang … Mỗi người phải vô cùng tâm huyết và cam kết đến cùng, hướng đến mục tiêu chung.” Anh cho biết thêm nhận định của mình về nguồn nhân lực tại Việt Nam. “Chúng ta có rất nhiều người giỏi trong ngành nghề riêng của họ, có những biên đạo múa xuất sắc, ca sĩ hát hay, diễn viên giỏi. Nhưng có một điều là hiện nay chúng ta chưa có nhiều người chuyên về bộ môn này, những nhà soạn nhạc chuyên sáng tác nhạc kịch, những nhà biên kịch chuyên viết kịch bản cho nhạc kịch, hay những diễn viên chuyên diễn nhạc kịch. Và đây là một trong những thứ cần được xây dựng.”
Nhắc đến khía cạnh sân khấu, vì loại hình kịch nghệ không có sự hỗ trợ của kỹ xảo điện ảnh, tất cả những hiệu ứng từ đơn giản đến phức tạp đều phải được thiết kế và chế tạo bởi đội ngũ sắp đặt bối cảnh. Đây là một quá trình vô cùng công phu, và luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong mỗi vở nhạc kịch. Trong một suất diễn Chicago tôi từng được xem, các kỹ sư đã đóng một bộ cầu thang gắn đèn, mỗi bậc phát sáng theo từng bước chân của diễn viên. Hay trong vở Cats có màn các nhân vật đi kiếm các đạo cụ rải rác quanh sân khấu như khung tranh, ghế nệm, nắp thùng rác … để ghép lại thành đầu tàu hoả. Ngay cả một ý tưởng đơn giản như việc sử dụng ròng rọc để kéo tấm áo choàng của Elsa bay ra khỏi sân khấu cũng có thể khiến khán giả trầm trồ. Những hiệu ứng cơ học tinh xảo như vậy vừa là minh chứng cho óc sáng tạo của các nhà thiết kế bối cảnh và cả những đồng tiền được bỏ ra để đầu tư cho một show diễn.
Đội ngũ thiết kế bối cảnh của vở nhạc kịch Elisabeth das Musical (Vienna, Áo) đã tạo nên những kiến trúc ấn tượng như chiếc khung ảnh/tấm gương khổng lồ, cỗ xe ngựa của thời gian, tầng lửng di động, cây cầu dốc dẫn xuống khu vực chính, sân khấu xoay, … tất cả đều mang ý nghĩa và mục đích kể chuyện. (Ảnh: MAYA HAKVOORT)
Vì kinh phí đầu tư cho nhân lực và cơ sở vật chất đắt đỏ như vậy, nên các vở nhạc kịch thường diễn liên tục 5 – 7 ngày trong tuần xuyên suốt vài tháng đến một năm để thu được lợi nhuận. Nhưng có lẽ việc áp dụng mô hình này tại Việt Nam sẽ gặp nhiều trở ngại vì số lượng nhà hát khá ít và khán giả cũng chưa có thói quen đi thưởng thức kịch nghệ thường xuyên. Ngoài ra, các nghệ sĩ trong nước cũng chưa nhiều người có kinh nghiệm biểu diễn nhạc kịch một cách bài bản.
Các ca sĩ Việt Nam có giọng hát khỏe và kỹ thuật tốt. Các vũ công Việt Nam uyển chuyển và dẻo dai. Các minh tinh Việt Nam diễn xuất duyên và chân thật. Nhưng không biết có bao nhiêu người xuất sắc ở cả ba mảng?
Mỗi diễn viên tham gia vào một vở nhạc kịch cần quy tụ đủ ba kỹ năng: diễn xuất, ca hát, và nhảy múa, những người như vậy thường được gọi nôm na là “triple threat” (tạm dịch: vũ khí ba chiều). Tất nhiên, tùy vào vai diễn, một tệp kỹ năng sẽ đòi hỏi mức độ thành thạo khác nhau. Ví dụ, trong vở kịch Cabaret, nhân vật chính Sally Bowles không nhất thiết phải có chất giọng tuyệt diệu, nhưng khả năng ca hát trong khi thực hiện những vũ đạo khó là rất quan trọng. Ngược lại, Chúa Jesus trong vở Jesus Christ Superstar thường không tham gia nhảy múa nhưng cần sở hữu giọng hát kéo dài đến 3.5 quãng tám (với nốt cao nhất là G5 – một thử thách lớn đối với nhiều giọng ca nữ, và gần như bất khả thi với đa số giọng ca nam). Nhưng dù ở vai nào đi chăng nữa, khả năng diễn xuất là vô cùng thiết yếu – dù là trong lúc ca hát, nhảy múa, chân dung nhân vật luôn phải rõ ràng.
Nói đến vậy nhiều người cũng đủ hình dung những thách thức mà loại hình này đặt ra cho các nghệ sĩ Việt Nam. Hiện nay, tại những thành phố lớn, có rất nhiều cơ sở dạy đàn hát, những studio khiêu vũ, và các lớp học diễn xuất ở nhiều cấp độ. Nhưng có lẽ vì khái niệm nhạc kịch chưa phổ biến mà ít có trường lớp nào đảm nhiệm dạy tất cả những bộ môn đó, kèm theo những kỹ năng thực hành trong môi trường lao động chuyên nghiệp.
“Thời gian tập luyện cho một kỳ biểu diễn chỉ khoảng 8 tuần là nhiều,” anh Jay cho biết, gợi nhớ lại những lần tham gia vào các vở nhạc kịch chuyên nghiệp tại Mỹ. “Sau khi nhận vai, tất cả mọi người bắt tay vào làm việc như một bộ máy trơn tru. Các diễn viên cần phải tự nghiên cứu kỹ và chủ động chuẩn bị cho vai diễn của mình ở nhà về mặt lời thoại, âm nhạc, chân dung nhân vật … Để khi bước vào buổi tập chính thức, họ có thể tập trung vào việc dựng cảnh cùng nhau, tìm ra tiếng nói chung của đoàn kịch, kết nối những điều mình đã đúc kết vào tổng thể theo góc nhìn của đạo diễn.”
Ở những quốc gia có văn hóa nhạc kịch phát triển, các đại học và cao đẳng nghệ thuật như Học viện âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn London (tên tắt: LAMDA) hay The Juilliard School tại New York thường kết hợp cả ba ngành học dưới một mái trường. Còn tại Nhật Bản, có một trường hợp đặc biệt nữa là phổ thông năng khiếu Takarazuka Music School – chuyên đào tạo các nữ diễn viên của đoàn kịch Takarazuka Revue, giúp họ phát triển cả ba kỹ năng từ khi còn ở tuổi vị thành niên. Điều trớ trêu ở đây là chính lỗ hổng trong thị trường giáo dục nghệ thuật này có thể là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ phát triển của nhạc kịch tại Việt Nam. Một vấn đề thuộc phạm trù câu hỏi: quả trứng có trước hay con gà có trước?
Mặc dù thị trường ở Mỹ đã phát triển với những quy trình chuẩn hoá được thực hiện trơn tru nhưng khâu sản xuất một vở nhạc kịch không quá công nghiệp. Theo trải nghiệm của anh Jay, sức khỏe thể chất và tinh thần của diễn viên cùng các thành viên khác trong đoàn kịch được coi là ưu tiên, đặc biệt là trong những vở có nội dung nhạy cảm. “Và nếu trong đoàn có diễn viên nào ốm hay vì một lý do nào đó cần phải vắng mặt, thì sẽ có người đóng thay (understudy) đảm nhiệm vai ấy để kỳ biểu diễn không bị ngắt quãng.”
Tuy nhiên, liệu thời cơ đã chín muồi để chúng ta cần giới thiệu nhạc kịch cho khán giả Việt Nam? Qua phim ảnh và những đoạn băng ghi hình các buổi biểu diễn trên khắp thế giới, nhiều bạn trẻ đã có hình dung rõ ràng hơn và trở nên yêu thích loại hình nghệ thuật này. Từ đó, những tư tưởng lớn gặp nhau để nung nấu ý định đặt những viên gạch nền đầu tiên trong công cuộc biến nhạc kịch thành một loại hình giải trí thường nhật tại Việt Nam. Một trong những cái tên nổi bật nhất trên thị trường là dự án mang tên Impact Theatre Saigon và cơ sở dạy học liên kết Encore Academy được thành lập bởi anh Jay-Thiện Nguyễn cùng những nghệ sĩ trẻ chung chí hướng.
Đêm Open Mic #1 của ITS với chủ đề BROADWAY & DISNEY (Ảnh: Impact Theatre Saigon - ITS)
“Dạo gần đây, người ta quan tâm đến nhạc kịch nhiều hơn. Và cũng có những đơn vị khác nữa bắt đầu truyền bá giáo dục mọi người về loại hình sân khấu này,” anh Jay cho biết.
Với lòng yêu mến bộ môn này, anh đã lấy bằng thạc sĩ chuyên về nhạc kịch tại Mỹ và trở về Việt Nam với tham vọng mang những tinh hoa nghệ thuật từ bên kia thế giới đến với khán thính giả tại quê nhà. Trong những năm qua, ITS đã tổ chức nhiều hoạt động lớn nhỏ để quảng bá về những khía cạnh khác nhau của nhạc kịch: từ những buổi open mic cho phép mọi người thoả sức “khoe giọng” với những bài hát yêu thích, đến những staged concert – hoà nhạc biểu diễn toàn bộ các ca khúc trong một vở kịch. Hay còn nữa là những khoá học đào tạo kỹ năng tổng hợp cùng những buổi thử giọng giúp các bạn trẻ có thêm trải nghiệm thực hành.
Hai đêm staged concert vở Les Misérables của Impact Theatre Saigon đã thu hút gần 1500 khán giả tới thưởng thức (Ảnh: Impact Theatre Saigon - ITS)
Đam mê như vậy nhưng Jay-Thiện Nguyễn cũng vô cùng thực tế. Thay vì lao đầu vào sản xuất một vở nhạc kịch hoàn chỉnh, anh đã bắt đầu từ những dự án nhỏ, những buổi biểu diễn trích đoạn ngắn, và dự án hợp tác cùng các nghệ sĩ từ nhiều ngành nghề khác nhau, với mong muốn tạo nên một cộng đồng không chỉ thích diễn mà còn thích thưởng thức nhạc kịch. Điều này vừa giúp cho công chúng bắt đầu làm quen với loại hình này một cách gần gũi nhất, vừa tạo cơ hội cho các diễn viên được thực hành và học hỏi, nâng cao kỹ năng trình diễn ở cả ba lĩnh vực.
“Những buổi biểu diễn đầu tiên của ITS được tổ chức ở không gian nhỏ với hơn 100 ghế, chúng tôi bật nhạc nền và hát theo,” anh Jay kể lại. “Nhưng sau một thời gian, chúng tôi nhận được sự ủng hộ không chỉ từ khán giả mà còn từ những tiền bối tâm huyết và có sức ảnh hưởng lớn trong nền nghệ thuật như NSƯT Thành Lộc – người đã tạo cơ hội cho ITS về biểu diễn tại sân khấu của anh. Trong gần hai năm qua, chúng tôi thực hiện và trình diễn trong hơn 30 dự án lớn nhỏ, và mang nhạc kịch đến nhiều đối tượng khác nhau. Gần đây nhất, ITS đã thực hiện hai đêm staged concert của vở diễn Les Misérables cùng dàn hợp xướng dưới sự chỉ đạo của nhạc trưởng Trần Nhật Minh. Chương trình đã thu hút gần 1500 khán giả tới nghe và thưởng thức.”
Khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, anh Jay chia sẻ rằng mình và đội ngũ đang sáng tác một vở nhạc kịch nguyên bản đầu tiên của ITS, tất nhiên chi tiết về dự án này hiện chưa thể bật mí. Nhưng với nhiệt huyết của những nghệ sĩ trẻ và nhà tiên phong, các nhà hát Việt Nam hẳn sẽ có lúc được sáng đèn hàng đêm.