share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Tết người Nam Kỳ qua TETucation & End Year Party tại Saigon Salon


ADVERTISEMENT

Mỗi độ cuối năm, khi tiết trời dần dễ chịu hơn, lòng người lại bồi hồi cảm thán Đông qua Xuân đến. Ấy là nỗi niềm bồi hồi khi một năm nữa lại qua, người ta khép lại những điều đã cũ và náo nức đón chờ năm mới, một lòng ôn cố tri tân. Trong không khí người người hân hoan chuẩn bị đón Tết, tôi may mắn được dịp tham gia một chương trình tái hiện Tết cổ truyền của người Nam Bộ dưới hình thức một buổi tiệc tất niên: TETucation & End Year Party. Tiệc tất niên được tổ chức bởi Đại Nam Hội Quán cùng nhiều đơn vị đồng hành, hỗ trợ trong không gian ấm áp tuyệt vời của Saigon Salon.

 TETucation & End Year Party, được tổ chức bởi Đại Nam Hội Quán tại Saigon Salon

Đến Saigon Salon vào lúc năm rưỡi chiều, căn nhà cổ có phần u tịch. Nhưng khi mở cánh cửa gỗ dán đôi câu đố đỏ, tôi hoàn toàn bị mê hoặc bởi không gian ấm cúng và lý thú bên trong. Không gian đậm nét Đông Dương của Saigon Salon nay được bài trí thêm bàn thờ gia tiên, mâm cau, phản gỗ. Lạc giữa tiếng chuyện trò xôn xao, hương khói nhang nức mũi, tà áo dài gấm hoa tới lui, thảng hoặc vài điệu đờn ca tài tử, tôi cứ ngỡ mình như lạc vào buổi tiệc xa hoa của tầng lớp địa chủ Nam Bộ xưa kia.

 Không gian tạo cảm giác như buổi tiệc xa hoa của tầng lớp địa chủ Nam Bộ xưa kia

 Đầu lân ngày Tết được dùng để trang hoàng cho không gian

Đại Nam Hội Quán là một hội nhóm hoạt động trong lĩnh vực cổ phong, với mong muốn mang đến cộng đồng nét văn hóa, lịch sử của người miền Nam. Qua cách bài trí và lời trình bày của các thành viên nhóm, khách mời thêm phần hiểu hơn về quá trình xuất hiện Tết Nguyên Đán và những lễ nghi, tập tục quanh nó. 

 Nhóm Đại Nam Hội Quán giới thiệu về mình và buổi tiệc tất niên...

 ...tìm hiểu về văn hóa Nam Bộ với tâm nguyện “ôn cố tri tân”.

1. Khởi nguồn Tết Nguyên Đán

Sau phần đón khách và bữa tối buffet với các món đặc trưng người Việt như bánh tét, tàu hũ chiên, đông sương,... khách mời có dịp tìm hiểu thêm về ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền qua phần trình bày của trưởng nhóm Đại Nam hội quán. 

 Trong không gian ấm áp của buổi tiệc, khách khứa cùng ngồi lại tìm hiểu đôi điều về ngày Tết cổ truyền 

Như chúng ta đều đã biết, Tết Nguyên Đán đánh dấu cho sự khỏi đầu một năm mới tính theo âm lịch, là ngày lễ náo nhiệt, hoành tráng, trịnh trọng nhất trong năm. Bao đời nay, theo dòng chảy lịch sử với bề dày hàng ngàn năm, phong tục tập quán và các lễ nghi đón Tết của ta đã trải qua hành trình phát triển lâu dài, từ việc được manh nha, định hình đến biến tấu, thay đổi như ngày nay. 

 Phần hỏi đáp về lễ tới giúp khách mời hiểu thêm về ngày Tết cổ truyền

Tập tục đón năm mới bắt đầu khi công việc nông gia nhàn rỗi. Lúc này, người dân đem những loại rượu ngon và bánh trái dâng lên thờ cúng thánh thần, với nguyện vọng báo đáp công ơn bảo hộ và ban phát phước lộc từ đấng linh thiêng, đồng thời cầu nguyện mưa thuận gió hòa, ngũ cốc lương thực phong phú, năm mới sung túc thịnh vượng. Ban đầu, do cách tính lịch không thống nhất nên thời gian đón mừng lễ Tết theo đó mà từng vùng khác nhau, nhưng hầu hết đều trong dịp Đông tiết khi việc đồng áng rảnh rang. 

Sau này, khi đã kinh qua thời kỳ bạo loạn nghiêm trọng, sức lao động sản xuất xã hội được khôi phục và phát triển đáng kể, trật tự xã hội cũng tương đối ổn định, tư tưởng tình cảm thường nhật dần phong phú, thì một loạt các phong tục tập quán đón mừng lễ Tết cũng từ đó hình thành. Sau khi quy định về cách tính lịch được ổn định lâu dài, ngày mồng một tháng Giêng cũng được xác định thống nhất là ngày đầu tiên của năm mới, cũng là ngày để tổ chức Tết Nguyên Đán hằng năm.

Về sau, khi kinh tế thịnh vượng và chính trị phát triển mạnh, giao lưu văn hóa diễn ra thường xuyên và rầm rộ, tập tục đón năm mới dần được giải phóng khỏi vòng vây thần bí từ ngày lễ mang tính chất tưởng nhớ với việc cầu khấn cúng vái, báo ơn báo nghĩa, mê tín dị đoan, tiên đoán thiên tai; chuyển thành cách hoạt động vui chơi giải trí hay các hình thức lễ nghĩa. Bấy giờ, khái niệm “năm mới” đã chính thức trở thành mùa lễ Tết khắp đất trời cùng cung chúc, vạn nhân dân cùng đón mừng.

 Tết Nguyên Đán từ lâu đã là dịp đất trời chung vui, người người đón chờ

Trải qua bao đời, truyền thống đón mừng Tết Nguyên Đán đã khắc sâu vào tâm khảm mỗi người con đất Việt. Mỗi độ cuối năm, những người xa xứ lại tất bật hồi hương đoàn tụ với gia đình. Các hoạt động ngày Tết cũng mang đậm tâm tư tình cảm và thể hiện rõ nét đời sống chân thật của người dân như đón đêm giao thừa, gói bánh chưng bánh tét, phát lì xì, cung chúc thăm hỏi nhau,... Nhà nhà, người người đều vậy, không phân biệt giàu nghèo hay tôn bậc, tuổi tác.

2. Lễ nghi, phong tục

Để tái hiện lễ nghi ngày Tết của người Việt, không gian Saigon Salon đã được Đại Nam Hội Quán đã bài trí bàn thờ gia tiên, phản gỗ mâm trầu, đầu lân, câu đối,...Tất thảy tạo nên một không gian đậm nét Việt, người tham dự dù là trong hay ngoài nước đều cảm thấy đẹp đẽ, đặc sắc. 

Về nghi, mỗi gia đình sẽ có một bàn thờ chính ở trong để thờ ông bà tổ tiên và các đấng thiêng liêng, gọi là nội nghi; bàn thờ bên ngoài được quan niệm là để thờ tiền nhân, những người đã có công khai phá vùng đất này, gọi là ngoại nghi. Nội nghi và ngoại nghi phân biệt các thứ tự, cấp bậc tế lễ khác nhau, ví như người trọng thì thờ trong, người chưa trọng thì thờ ngoài.

Về lễ, người xưa có 3 tầng lễ rượu gọi là tam hiến bao gồm sơ hiến, á hiến và trung hiến, về sau còn có lễ trà. Nhiều gia đình sẽ hiến lễ ba ly, thường là hai ly rượu và một ly trà, cũng có thể là ba ly rượu và một ly trà. Ở đây, Đại Nam Hội quá sử dụng 1 ly rượu đã đủ tam hiến và một ly trà.

 Những bộ áo dài cổ truyền khoác lên người bậc trưởng tạo nên bầu không khí đậm nét Việt

 Ăn mứt, xơi trà cùng với phản gỗ, mâm trầu nét đẹp văn hóa Việt

Bàn thờ được bày biện đúng theo phong tục nước ta, điển hình là Đông bình Tây quả. Người xưa quan niệm, bàn thờ đặt ở hướng Nam, đưa lưng về phương Bắc, chiếu theo đó phía bên tay phải là hướng Đông, phía bên tay trái là hướng Tây. Phương Đông là nơi mặt trời mọc, tượng trưng cho vạn vật sinh sôi, hợp để trưng hoa. Cũng có thuyết nói rằng, người xưa thường là nhà quay mặt vào hướng Nam, vì hướng này gió hòa, ít khi gió càn bão chướng. Hoa phải để hướng Đông để gió thoảng hương hoa lên bài vị, còn trái quả phải để hướng Tây để hơi ấm từ đèn làm quả ngọt trái thơm, cũng đồng thời thuận tay phải để ông bà dùng. Dù sau này người ta làm nhà xoay tứ hướng thì cũng cứ chiếu theo tục cũ mà làm.

Mâm trái cây thường bày ngũ quả đủ sắc màu, tượng trưng cho ngũ hành, sự đơm hoa kết trái, viên mãn tròn đầy. Tùy vùng miền sẽ trưng những loại hoa quả khác nhau, riêng miền Nam chuộng trương những loại sai trái, với nguyện ý con đàn cháu đống.

 Mâm trái cây thường bày ngũ quả đủ sắc màu, tượng trưng cho ngũ hành, sự đơm hoa kết trái, viên mãn tròn đầy

 Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, qua ngàn đời làm nên cung cách người Việt

Tập tục lì xì ngày Tết cũng được ban tổ chức chương trình giới thiệu rất thú vị qua chương trình bốc thăm trúng thưởng. Khách đến dự sẽ được tặng một bao xì lì, trong đó sẽ có số thứ tự để bốc thăm. Phần quà dành cho người hữu duyên là những món cổ vật hay sách báo đến từ nhà tài trợ Saigon Antique. May mắn thay những món quà hay như những cuốn sách của người Pháp viết về Đông Dương, cuốn tạp chí lừng danh illustration, đồ pháp lam, khay mỹ nghệ sơn màu, bưu thiếp,... đã được trao đến tay những người yêu văn hóa và biết thưởng thức.

 Tạp chí mỹ thuật, một trong những món quà lì xì đặc biệt trong tiệc tất niên

  "Số gì đây, con số gì đây", ai sẽ là người may mắn sở hữu món quà này

 Những vị khách hữu duyên và cũng rất xứng đáng với phần quà

Đã có lễ thì không thể thiếu nhạc. Buổi tiệc tất niên hôm đó còn có một dàn đờn ca tài tử tấu khúc tế tổ khai tiệc và khúc kết lễ. Phải nói dàn nhạc này là linh hồn vun vén nên hương sắc buổi tiệc hôm đó. Tôi được dịp nghe thuyết trình về những nhạc cụ trong dàn nhạc gồm: đàn tranh, đàn tam, đàn bầu, sáo, đàn nguyệt và song lang. Đàn tranh như tiếng nước chảy qua tai, đàn tam khi thê lương khi hoan hỉ, đàn bầu rủ rỉ, nỉ non, sáo trúc du dương đưa lối,... Đặc biệt người chủ dàn nhạc này là người sử dụng cả đàn nguyệt và song lang để tạo nhịp cho bản đàn. Hình ảnh người nhạc công tài hoa mang áo dài, ngồi trên sập say sưa tấu khúc mang lại một phong vị rất riêng, như thể họ đang mang khúc cầm ca phiêu du vào buổi tiệc, cũng như thể họ còn mải mê nán lại thế giới nhạc khúc của riêng mình. 

 Hình ảnh người nhạc công tài hoa mang áo dài, ngồi trên sập say sưa tấu khúc mang lại một phong vị rất riêng, ca một một điệu mừng xuân

Phong tục đón Tết ở miền Nam không cầu kỳ với nhiều nghi thức lễ hội như ở miền Bắc nhưng vẫn thể hiện sự chỉnh chu, tươm tất và cầu toàn, mang nét độc đáo, thú vị riêng.

Đất trời miền Nam những ngày cuối năm mát mẻ hơn, những cơn nắng gắt đã qua và những cơn mưa dầm đã dứt. Đây là thời điểm không thể hợp hơn để vận áo dài đi trẩy hội xuân. Được hay, một vị khách nước ngoài đến với Saigon Salon đêm hôm đó đã cảm thán rằng “Tôi chưa từng tham dự buổi trao đổi nào với nhiều người bận áo dài và đẹp như vầy”. Áo dài, khói nhang, bình hoa, mâm quả, tép trầu, đờn ca,... vẻ đẹp bình dị nhà nhà đều có mà lại ghi khắc đậm sâu đến vậy. Để rồi từng chút, từng chút làm nên cái hồn Tết Việt, in giấu trong lòng mỗi người con… “Dù đi đâu ai cũng nhớ, về chung vui bên gia đình”.


ADVERTISEMENT