Properties Opportunity Tiềm năng hấp dẫn của bất động sản bán lẻ cao cấp ở Việt Nam
Khi nói đến bán lẻ hàng xa xỉ, vị trí quan trọng hơn tất cả. Nhìn rộng ra các “mảnh đất vàng” trên thế giới, từ đại lộ nổi tiếng như Via Monte Napoleone (Milan), Fifth Avenue (New York) hay Champs Elysées (Paris) đến các trung tâm mua sắm hạng A, phần lớn đều được lấp đầy bởi những thương hiệu xa xỉ danh tiếng toàn cầu.
Theo đó, bất động sản cao cấp tập hợp các tài sản có giá trị lớn, đáp ứng tiêu chí về vị trí đắc địa, sự sang trọng, tiện nghi và khan hiếm trên thị trường. Trong khi bất động sản bán lẻ được sử dụng cho mục đích kinh doanh bán lẻ như cửa hàng hay các trung tâm mua sắm. Kết hợp các đặc điểm trên, bất động sản bán lẻ cao cấp tập trung vào không gian bán hàng dành cho các thương hiệu xa xỉ, nhằm mang lại trải nghiệm mua sắm độc đáo, khẳng định vị thế của thương hiệu và thu hút khách hàng tiềm năng.
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh: Hai thị trường chủ chốt
Quay trở lại, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản bán lẻ cao cấp, với tốc độ tăng trưởng nhanh so với các nước trong khu vực. Sự tăng trưởng này một phần đến từ tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi đáng kể và du lịch phục hồi.
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản bán lẻ cao cấp.
Theo báo cáo Prime Benchmark tháng 7/2024 của Savills – thương hiệu toàn cầu cung cấp dịch vụ bất động sản (Theo ), Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những thị trường bất động sản bán lẻ cao cấp cạnh tranh hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, chứng kiến mức tăng giá thuê nội địa lần lượt là 4,6% và 4,7%. Thời điểm hiện tại, giá thuê của mặt bằng cao cấp khu trung tâm Hà Nội khoảng 96,4 USD/m2, TP. Hồ Chí Minh khoảng 151 USD/m2. So với các nước lân cận, mức giá này tại Kuala Lumpur đạt 158,6 USD/m2, Singapore 399,7 USD/m2, Bắc Kinh 289,5 USD/m2.
Nguồn cung khiêm tốn
Hai năm trở lại đây, nhiều thương hiệu xa xỉ ở đa dạng lĩnh vực ngành hàng đã lần lượt “đổ bộ” đến Việt Nam như Loewe, Cartier, Fendi, La Prairie, Biologique Recherche, Jacob & Co., Franck Muller,... sẵn sàng đồng hành và cạnh tranh cùng các “ông lớn” vốn đã xuất hiện từ sớm như Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermès, Rolex, Calvin Klein,... Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường tiêu dùng xa xỉ Việt Nam ngày càng lớn, thúc đẩy động lực cho bất động sản bán lẻ cao cấp ngày một phát triển.
Nhu cầu mặt bằng bán lẻ của các nhãn hàng và thương hiệu quốc tế không ngừng tăng cao.
Trong khi giá thuê tại khu vực Hà Nội có xu hướng ổn định, thị trường bất động sản bán lẻ cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ. Nguyên nhân nằm ở nguồn cung mặt bằng bán lẻ cao cấp hạn chế trong khi nhu cầu của các nhãn hàng và thương hiệu quốc tế không ngừng tăng cao. Số liệu của bộ phận nghiên cứu Savills cho thấy tổng diện tích mặt bằng bán lẻ cho thuê tại TP. Hồ Chí Minh đang là 1,52 triệu m2 với tỷ lệ lấp đầy 94%, các không gian bán lẻ hiện đại chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm (48,6%).
Tuy nhiên, quá trình phân tán cũng đang diễn ra bởi sự xuất hiện của các dự án bất động sản mới, cung cấp thêm lựa chọn cho nhà bán lẻ. Điển hình như trong năm 2024, TP. Hồ Chí Minh đã đón chào sự gia nhập của Vincom Mega Mall Grand Park và Central Premium Mall. Các dự án này nằm ngoài khu vực trung tâm, nơi có mật độ dân số cao, bổ sung thêm lựa chọn về không gian với giá cả hợp lý, tiếp thêm động lực mở rộng thị trường cho các nhà bán lẻ. Tại khu vực Hà Nội chào đón khu phức hợp giải trí, ẩm thực và mua sắm The LINC @ ParkCity Hanoi tại quận Hà Đông, tổ hợp The Diamond Plaza tại quận Thanh Xuân.
Hạ tầng bán lẻ tại Việt Nam cần thoát ra khỏi các mô hình rập khuôn kiểu cũ.
Từ bối cảnh trên thấy được, để đáp ứng tốc độ phát triển nhanh của thị trường, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển nguồn cung. Trong đó, các trung tâm thương mại đa năng đang hấp dẫn người tiêu dùng và nhà bán lẻ, nơi khách hàng không chỉ dừng lại để mua sắm hàng xa xỉ, mà còn tiếp cận được các hình thức vui chơi giải trí và trải nghiệm ăn uống sang trọng.
Điều này đòi hỏi cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cần tiếp tục được phát triển, thoát ra khỏi những mô hình rập khuôn kiểu cũ, tiếp nhận đổi mới hiện đại, mở rộng nguồn cung mặt bằng chất lượng cao, từ đó thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế, nâng cao trải nghiệm của người dùng và cạnh tranh với các khu vực lân cận. Trước mắt trong năm 2025, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dự kiến có thêm khoảng 150.000m2 nguồn cung mới với ba dự án tại Hà Nội và ba dự án tại TP. Hồ Chí Minh, theo CBRE Vietnam Real Estate Market Outlook 2025.
Du lịch đóng vai trò quan trọng
Trong năm 2024, du lịch Việt đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39,5% so với năm 2023, theo số liệu từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Cục du lịch Quốc gia Việt Nam. Con số này cho thấy du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động bán lẻ cao cấp, đặc biệt tại các trung tâm thương mại và khu mua sắm sang trọng.
Nhu cầu mua sắm cao cấp của lớp du khách từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng cao.
Việt Nam ngày càng trở nên nổi tiếng trong bản đồ du lịch thế giới, trở thành điểm đến phổ biến, liên tục góp mặt trong danh sách các quốc gia được yêu thích của khách du lịch quốc tế. Theo đó, số lượng du khách có nhu cầu mua sắm và tiêu dùng cao cấp tăng cao, đặc biệt là tệp khách đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khu vực châu Âu. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đặt nền tảng vững chắc cho bất động sản bán lẻ cao cấp phát triển mạnh mẽ.
Thế hệ tiếp theo thúc đẩy tăng trưởng
Theo nghiên cứu "Vietnam Outlook 2024: The Investor’s Guide to Growth" của KPMG – công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán & kiểm định chuyên nghiệp hoạt động tại hơn 100 quốc gia, trong giai đoạn từ 2020 đến 2030, tầng lớp trung lưu của Việt Nam được dự báo sẽ tăng thêm 23,2 triệu người, trở thành một trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng dân số trung lưu cao nhất khu vực. Con số này dự kiến sẽ là động lực quan trọng, thúc đẩy nhu cầu phát triển kinh tế thời gian tới.
Trong đó, thế hệ Z sẽ sớm đóng vai trò khách hàng trọng tâm, chiếm 70% chi tiêu xa xỉ toàn cầu vào năm 2030, kích thích các nhà bán lẻ và chủ sở hữu bất động sản thay đổi. Nhóm khách hàng này sẵn sàng chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ, tuy nhiên họ cũng đòi hỏi nhiều hơn, ưa chuộng trải nghiệm cá nhân hóa và có những cân nhắc thông minh trước khi đưa ra quyết định.
Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam dự báo tăng thêm 23,2 triệu người trong giai đoạn 2020 - 2030.
Nghiên cứu và phân tích thay đổi của lớp người tiêu dùng mới này sẽ giúp các chủ sở hữu bất động sản cũng như nhà bán lẻ tìm ra hướng tiếp cận hợp lý, từ đó nâng tầm không gian pop-up hoặc hoạt động trải nghiệm thu hút và kích thích tiêu dùng.
Bài viết đăng trên ấn phẩm WWK Property Vol.3 - “Bất động sản bán lẻ”. Quý độc giả có thể đặt mua ấn phẩm thông qua Tiki hoặc mua trực tiếp tại các nhà sách trên toàn quốc (tham khảo danh sách các điểm phát hành ấn phẩm TẠI ĐÂY).