W Coffee Talk Trần Đặng Đăng Khoa: Người Việt Nam đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng xe máy
Trong chuyên mục W Coffee Talk tuần này, WOWWEEKEND có dịp trò chuyện cùng anh Trần Đặng Đăng Khoa (sinh năm 1986), tác giả cuốn sách 1111 - Nhật ký sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng. Cuốn sách được gọi một cách thân thương hơn là cuốn nhật ký, nơi anh Khoa đúc kết, lưu giữ cũng như lan tỏa trải nghiệm và tinh thần sau chuyến du hành vòng quanh thế giới bằng xe máy, đặc biệt là 3 tháng cuối hành trình, anh bị kẹt ở Mozambique vì dịch Covid-19.
Anh Trần Đặng Đăng Khoa
Anh bắt đầu chuyến đi từ ngày 01/06/2017 tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Hành trình thú vị mà cũng đầy rẫy khó khăn ấy có thể “tóm tắt” bằng các con số: 7, 8, 65, 100 và 1111. Trong đó, 7 là số châu lục trên thế giới anh đã đến, 8 là số lần anh băng qua đường xích đạo, 65 là số quốc gia và vùng lãnh thổ in dấu chân anh, 100 (cc) là phân khối chiếc xe “cà tàng” - người bạn đồng hành không thể thiếu trong mỗi chuyến đi của anh và 1111 được coi là “con số thiên thần” nhằm đánh dấu một sự hoàn thành khá trọn vẹn.
Trước khi chia sẻ sâu hơn về chuyến du hành “rất đã” của mình, anh Khoa gây ấn tượng với WOWWEEKEND bởi sự hóm hỉnh. Anh nói vui rằng anh vốn tuổi Dần, chắc vì vậy mà thích... vào rừng ở hay một mình khám phá những vùng đất hoang vu. Anh Khoa hiện cũng đang là một freelancer, "văn phòng" ở khắp thế giới nhưng Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt là hai nơi cố định của anh. Cuộc sống đối với anh Khoa là “vừa chơi, vừa làm”, cứ thế được 6, 7 năm nay.
Xin chào anh Đăng Khoa. Cảm ơn anh vì đã nhận lời chia sẻ cùng WOWWEEKEND.
WWK: Điều gì thôi thúc anh thực hiện chuyến du hành vòng quanh thế giới?
Trước giờ, mình luôn thích một chuyến đi không hẹn ngày về, đi tới đâu tính tới đó. Sau nhiều chuyến đi “nho nhỏ” xuyên Việt, rồi đến một số nước lân cận như Singapore, mình quyết định thực hiện một chuyến đi xa hơn nữa, vượt ra khỏi Đông Nam Á, thậm chí là châu Á vì thế giới quá rộng lớn. Mình mất hai năm chuẩn bị, đến tháng 06/2017 thì chính thức lên đường. Ban đầu, mình tính đến châu Âu thử xem thế nào, không ngờ lại đến được. Sau đó, mình đi tiếp Nam Mỹ, tiện đường tới luôn Bắc Mỹ... rồi cứ thế mà đi thật xa.
WWK: Với một chuyến du hành vòng quanh thế giới, anh chuẩn bị vật chất lẫn tinh thần ra sao?
Vật chất thì không có mấy, trong tay chỉ có vài chục triệu nhưng mình vẫn muốn thử xem bản thân đi được tới đâu. Đồ đạc trong chuyến đi tính bằng năm cơ bản không khác chuyến đi tính bằng tháng là bao. Trời lạnh nên mình chuẩn bị quần áo ấm, không quên đồ sửa xe và giấy tờ cần thiết. Ba năm cũng không biết có những chuyện gì xảy ra nên mình đi đến đâu mua đến đó, thiếu gì sẽ bổ sung dần.
Song song với sự chuẩn bị về vật chất, mình quán triệt tư tưởng ngay từ đầu là hành trình sẽ rất khó khăn vì mình chưa bao giờ xa nhà lâu đến thế. Chuyến đi này cũng có thể ví như đi du học, chỉ khác là bản thân sẽ học hỏi từ thực tế chứ không phải kiến thức học thuật hàn lâm. Mình cũng xác định đi chuyến này chưa chắc đã về lại được. Nhưng thôi cứ đi, cứ sống giấc mơ mình khát khao. Mỗi lần muốn bỏ cuộc thì hãy nghĩ lại lý do ta bắt đầu.
“Nhưng thôi cứ đi, cứ sống giấc mơ mình khát khao. Mỗi lần muốn bỏ cuộc thì hãy nghĩ lại lý do ta bắt đầu.”
WWK: Chiếc xe máy “cà tàng” mà anh gọi vui thực ra lại rất “trâu”, đã cùng anh đồng hành suốt chuyến đi. Anh hãy chia sẻ một chút về người bạn đặc biệt này nhé!
Gọi là cà tàng vì chiếc xe này đã đi quá nhiều nơi, “lên rừng xuống biển” đủ cả. Ưu điểm của nó là đơn giản, nhẹ, tiết kiệm xăng, bất chấp địa hình vì một mình mình có thể kéo ra khỏi vũng lầy được. Xe cũng chẳng có công nghệ hỗ trợ phức tạp gì, cơ bản là một chiếc xe nổ máy được nên mình dễ dàng sửa chữa, can thiệp máy móc với phụ tùng có ở khắp mọi nơi.
Tâm linh một chút là chiếc xe đã đồng hành với mình trong tất cả các chuyến đi từ trước đến giờ nên mình tin nó làm được vì mình hiểu nó. Và thực sự nó đã làm được! Nên xe cứ đổ xăng rồi chạy thôi, lâu lâu thay nhớt, thay vỏ hay những thứ hao mòn. Tuy nhiên, nó cũng có một số khuyết điểm là nhỏ, yếu, không đi nhanh và chở nhiều đồ được. Do đó, đồng hành cùng “anh bạn” này cũng mất khá nhiều thời gian, hơn nữa mình còn phải tính toán từng món đồ mang theo, sống thật là tối giản vì xe không thể chở hết.
WWK: Với anh, du hành trên con xe “cà tàng” là trải nghiệm như thế nào?
Xe máy hay hơn ô tô ở chỗ nó có thể dừng lại bất cứ đâu dọc đường, thậm chí đi không nổi thì mình... xuống đẩy bộ cũng được! Xe máy cho mình một không gian rộng mở để cảm nhận tất cả mọi thứ: mùi hương, ánh sáng, độ lạnh,... Ngồi trên xe máy giống như hòa nhập vào môi trường xung quanh, chứ không gói gọn trong “thùng sắt kín” như ngồi trong ô tô. Con xe “cà tàng” của mình lại còn đi chậm nên mình tranh thủ thời gian để thu hết cảnh vật vào tầm mắt.
WWK: Ngoài những lúc thấy vui, thấy “đã” trong hành trình 6 vạn dặm, liệu anh còn có những cảm xúc khác?
Có chứ. Buồn, cô đơn, lang thang, không biết ngày mai ra sao, bao giờ về được nhà vì mình xác định là xong chuyến đi thì mới về. Cảm giác ma mị lắm, vì không biết mọi thứ sẽ đi đâu về đâu. Nhưng chính sự không chắc chắn về tương lai là một điều rất thú vị, thực sự trên đời chẳng có ai chắc chắn điều gì.
Thay vì chống cự nỗi cô đơn, tại sao mình không tận hưởng nó? Sau này có gia đình, mình chắc gì đã được cô đơn, tự do như bây giờ (cười). Tất cả niềm vui trên đường, sự hào hứng không biết ngày mai mình sẽ đi đâu, gặp những ai cho đến đam mê và tiếng thôi thúc tiếp tục chuyến đi bên trong mình đã lấn át tất cả những cảm xúc khác nên cũng không vấn đề gì.
WWK: Một vài tình huống mà bản thân anh không ngờ tới trong chuyến du hành này là gì?
Mình bị hư xe dọc đường, nổ lốp không biết nhiêu lần, đối mặt với trời mưa liên tục 2 tháng mùa đông hay băng qua những sa mạc rất nóng và vắng người ở châu Phi. Nhiều lần, mình suýt va chạm với các phương tiện khác vì xe họ đi nhanh mà xe mình đi chậm quá. Cảnh sát vì thế cũng “hỏi thăm”, dù mình không vi phạm gì.
Rồi thì những tình cảm phát sinh dọc chuyến hành trình nhưng cũng chẳng đi tới đâu, những lần phải thay đổi lịch trình liên tục vì nhiều lý do khách quan... Chẳng hạn, mình không nghĩ sẽ đặt chân đến Nam Cực và cả Bắc Cực. Tất cả đều là những khoảnh khắc mình quyết định sẽ đi tiếp nên mình rất vui.
WWK: WWK tò mò về con số 1111 ngày. Đây hoàn toàn là sự ngẫu nhiên?
Những mốc thời gian đẹp như 100, 200, 300, mình đều ghi chú trên lịch, tới đó là mua bia về ăn mừng hay đăng gì đó để kỷ niệm. Con số 1111 vô tình xuất hiện khi mình bay chuyến của hãng hàng không Nam Phi về Việt Nam do dịch Covid-19. Đó là sự ngẫu nhiên, ấy thế mà nhiều người nói đây là số của thiên thần, số may mắn hay số tâm linh. Mình nghĩ nó đúng phần nào nên quyết định lấy tên cho cuốn sách luôn: 1111 - Nhật ký sáu vạn dặm trên yên xe cà tàng.
WWK: Cho đến bây giờ, điều gì đọng lại trong anh lâu nhất, thậm chí là mãi về sau?
Người ta hay nói, mình đi bao nhiêu năm thì phải mất bấy nhiêu năm để “hồi phục”. Mình đã đi 3 năm (từ năm 2017) và về cũng sắp tròn 3 năm - bằng thời gian đi rồi. Mình cũng hơi tiếc là tại sao bản thân không đi xa hơn, nếu không có Covid chắc giờ này mình vẫn đang lang thang. Nhưng có khi chính nhờ dịch bệnh mà mình mới được về nhà an toàn, được gặp lại mọi người, cũng vừa kịp hoàn thành cuốn sách.
Những người bạn, những trải nghiệm từ chuyến đi là tài sản lớn đối với mình. Tất cả điều đó khiến mình rất vui và tự hào. Mình đã đi qua tất cả các châu lục trên thế giới và rất nhiều quốc gia. Đó là thành tựu của riêng mình, dù nó có thể chẳng là gì so với những người khác trên thế giới. Với mình, giấc mơ đó đã thực hiện được khi bản thân dám nghĩ, dám làm và may mắn là nó còn truyền cảm hứng được cho rất nhiều người.
WWK: Anh thay đổi như thế nào trước và sau chuyến đi?
Một tuần trước khi đi thì mình vẫn là nhân viên văn phòng, giờ thì đã làm công việc tự do ngót nghét 6 năm. Đây là thay đổi lớn nhất trong cuộc sống của mình. Mình đi đâu, làm gì, muốn gặp ai cũng được, không giới hạn về thời gian nên rất thoải mái.
Về cách nhìn cuộc sống, mình luôn tâm niệm là cái gì tới sẽ tới, không chống cự, không đối phó với nó, bởi có rất nhiều chuyện chúng ta không kiểm soát được. Nên là “whatever”! Tới đâu giải quyết tới đó, mình chấp nhận số phận của mình nhưng không đồng nghĩa với buông xuôi. Nó đến thì nó đến, mỗi ngày mình cứ làm hết khả năng cho phép là được.
WWK: Anh muốn nói điều gì với những bạn trẻ đang nuôi khát vọng khám phá, đi đây đi đó?
Ai thích đi thì cứ đi. Đừng bắt buộc mình phải trở nên thế nào, mà hãy cân nhắc điều kiện tài chính, thời gian... Nếu mơ mộng thì cần chuẩn bị dần cho những chuyến đi lớn bằng cách đi từng bước nhỏ trước tiên. Quan trọng nhất là hãy vui vẻ, tận hưởng từng chuyến đi, đừng đặt quá nhiều hy vọng mình sẽ được gì, mất gì. Đừng lên kế hoạch kiểu như mỗi chuyến đi phải gặp bao nhiêu người, trải nghiệm bao nhiêu thứ.
Đã gọi là khám phá thì cứ tận hưởng như một đứa trẻ, như một “tờ giấy trắng”. Mình “welcome” mọi thứ, không phán đoán, nhận xét, đánh giá hay chê bai. Chỉ có mình tận hưởng không gian và thời gian ngay tại đó, miễn sao nó phù hợp với cuộc sống và cách trải nghiệm của mình. Bạn cũng đừng nghe ai khuyên nhủ thế nào mới là cách đi đúng.
WWK: Anh “bật mí” một chút về những dự định trong tương lai nhé.
Tháng 6 này cũng vừa tròn 6 năm sau chuyến du hành vòng quanh thế giới trên con xe “cà tàng”, mình sẽ bắt đầu một chuyến đi mới - cũng là đi vòng quanh thế giới nhưng lần này mình đi bằng ô tô, đi ngược hướng so với chuyến đi trước đó và tiếp tục thực hiện những điều còn dang dở vì Covid năm nào.
WWK: Cảm ơn anh Đăng Khoa vì cuộc trò chuyện thú vị hôm nay. Chúc cho anh nhiều sức khỏe để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê “xê dịch” của mình.