W Coffee Talk Họa sĩ Brain Huy và chánh niệm vẽ tranh hướng đến sự bình an
Brain Huy (tên thật là Võ Quang Huy, sinh năm 1983) là họa sĩ đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng ngày, anh đều miệt mài vẽ tranh Bụt và các ấn phẩm liên quan đến Phật Giáo bằng hai chất liệu: digital painting (vẽ máy) và màu nước. Dù được tạo nên từ chất liệu nào, các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Brain Huy luôn có tính thiền và khả năng chữa lành rất tốt.
Sự bình an là điều cốt lõi mà anh mong muốn gửi gắm vào tranh, để rồi tranh lại thay anh truyền tải trọn vẹn thông điệp ấy tới những người thưởng thức nghệ thuật, những tâm hồn đang tìm kiếm sự tĩnh lặng giữa vô vàn “tiếng ồn”.
Trong chuyên mục W Coffee Talk, WOWWEEKEND đã có cơ hội tìm hiểu về công việc cũng như quá trình vẽ tranh của vị hoạ sỹ tài năng này.
Chào anh Huy, cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện ngày hôm nay.
WWK: Khi vẽ tranh, bên cạnh việc lên ý tưởng và hiện thực hóa nó, tạm gọi là “quá trình bên ngoài”, anh liệu còn có “quá trình bên trong” - để cảm nhận và đi sâu vào nội tâm của mình?
Ngày xưa, mình tìm hiểu khá nhiều quy trình vẽ khác nhau. Nhưng sau khi thực tập vẽ, kết hợp với quá trình tu tập của bản thân, mình trở nên đơn giản lắm. Vẽ là vẽ thôi, mình không để bản thân suy nghĩ phức tạp, chỉ cần giữ chánh niệm là được. Dĩ nhiên, mình còn có một số hoạt động phụ trợ trong lúc vẽ như nghe nhạc hay gõ chuông xoay. Những điều đó là chất xúc tác rất tốt khiến lòng mình “mềm ra”.
=> Xem thêm: Amandine Thuỳ Trinh: "Bình yên là khi bạn thấy hài lòng với chính mình"
WWK: Vẽ tranh đối với anh có ý nghĩa như thế nào? Và liệu một nội tâm an tĩnh sẽ khiến cho những nét vẽ trở nên mềm mại hơn?
Vẽ với mình là chữa lành, là đam mê, là chia sẻ. Mình vẽ suốt ngày, bất cứ khi nào có thời gian. Mình nhận ra tâm trạng khác nhau sẽ quyết định những đường nét khác nhau lúc đặt bút xuống vẽ. Khi buồn, mình vẽ cho bản thân, coi đó là cách tự sự với Phật. Lúc tâm bình lặng và an vui, mình lại vẽ các bức tranh mang ý nghĩa chia sẻ và tương tác với mọi người để lan tỏa những giá trị tích cực.
WWK: Tại sao anh lại quyết định thể hiện Bụt trong một tạo hình hết sức “trẻ thơ”?
Theo quan điểm của mình, ai trên đời này cũng là trẻ thơ, dù họ có lớn tuổi đến mấy thì đâu đó trong thâm tâm vẫn muốn là trẻ thơ để nhận được sự “ôm ấp” từ gia đình. Trẻ thơ có đôi mắt trong, rất đơn giản, thuần khiết và gần gũi. Hình ảnh Bụt trong cảm nhận của mình cũng như vậy, nên mình chọn thể hiện Bụt dưới tạo hình trẻ thơ để dễ tiếp cận với mọi người.
WWK: Anh học được gì từ công việc vẽ tranh của mình?
Mình học được sự bình tâm, cách chấp nhận và đặc biệt là tính kiên nhẫn. Ngoài ra, thứ vô giá mà mình lĩnh hội được là kiến thức khổng lồ từ kho tàng hình ảnh Phật Giáo.
WWK: Thật tò mò về không gian làm việc - nơi anh sáng tác những bức tranh.
Không gian làm việc của mình đơn giản lắm. Chỉ là mình có thói quen đi đâu cũng mua hoạ cụ, cái gì “hay ho” là “tậu” liền, nên giờ chỗ làm việc như... cái kho với rất nhiều đồ đạc. Ánh sáng trong phòng cũng vừa đủ để mình dùng máy tính để vẽ, còn nếu chuyển sang màu nước thì mình mở thêm đèn cho dễ thao tác.
À, chỗ làm việc của mình luôn có một góc thờ chư vị kế bên. Mình cũng hay cầu nguyện ở góc thờ này vào khoảng thời gian nhất định trong ngày. Đây có lẽ là điều hơi khác biệt so với những hoạ sĩ khác.
WWK: Anh có thường đặt ra kỷ luật cho việc vẽ tranh Bụt để duy trì công việc không?
Khoảng 2 năm trước, mình còn nhận job freelance (công việc tự do) rất nhiều, giờ thì mình toàn tâm toàn ý vẽ tranh Phật Giáo. Mình nhận ra rằng, khi làm quá nhiều việc cùng lúc thì bản thân thường bị chi phối thời gian và tâm sức. Nên giờ mình dồn hết tâm sức vào công việc giảng dạy và vẽ tranh Phật Giáo thôi. Nó giúp mình tập trung hơn, không còn bị lung lay bởi ngoại cảnh nữa.
WWK: Cảm ơn họa sĩ Brain Huy về cuộc trò chuyện hôm nay. WOWWEEKEND chúc anh luôn giữ được thân - tâm bình an để tiếp tục tạo ra nhiều tác phẩm Phật Giáo ấn tượng và chia sẻ được những giá trị tích cực đến với nhiều người hơn nữa.
=> Xem thêm: Mavis Vi Vu Ký: Xê dịch là cách để chữa lành chính mình