W Coffee Talk Thế Võ: Người điêu khắc thú cưng bằng kỹ thuật chọc len
Hơn 100 tác phẩm về chủ đề thú cưng là những “đứa con tinh thần” mà Thế Võ (sinh năm 1991) tạo tác bằng kỹ thuật chọc len (needle felting hay dry felting). Chàng trai người Hà Nội đã gắn bó với loại hình này hơn 2 năm kể từ khi công việc kiến trúc sư phải ngưng lại vì đại dịch Covid-19.
Với kỹ thuật này, người nghệ nhân sẽ dùng một cây kim chuyên dụng để châm các sợi len thô vào nhau nhằm tạo ra một vật thể 3D như ý muốn. Ra đời ở châu Âu vào thế kỷ 19, needle felting được xem là một nhánh của bộ môn điêu khắc len và hiện vẫn chưa phủ sóng rộng rãi tại Việt Nam.
Chào Thế Võ! Bạn có thể chia sẻ thêm về mối duyên của mình với nghệ thuật needle felting?
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, mình muốn tận dụng thời gian rảnh để học hỏi thêm một bộ môn nghệ thuật mới. Tình cờ, mình xem được các tác phẩm chân dung chó tạo hình từ kỹ thuật needle felting của một nghệ nhân người Nhật. Sau khi tìm hiểu về loại hình này, mình thấy rất thích thú và đã tự học dần dần qua internet.
Tại sao bạn lại chọn chủ đề về chó, mèo?
Như bao người, bản thân mình cũng rất yêu quý những loài động vật này. Chúng như thành viên trong gia đình và trao tình cảm cho người chủ vô điều kiện. Do đó, chọn thực hiện tác phẩm về chó, mèo cũng đồng nghĩa với việc cho đi yêu thương ngược lại.
Khó khăn và thuận lợi của bạn khi theo đuổi bộ môn này?
Đây là bộ môn còn mới với nhiều người ở Việt Nam, nếu có thì đa phần họ cũng chỉ dừng ở việc tạo ra những con thú chibi. Việc theo đuổi phong cách tả thực như mình mất rất nhiều công sức và ít ai có thể đồng hành. Vì vậy, mình phải hy sinh thời gian, mối quan hệ để toàn tâm cho đam mê.
Tuy nhiên, việc xuất phát là kiến trúc sư giúp ích cho mình rất nhiều trong việc thực hành điêu khắc len. Cụ thể, bộ môn này đòi hỏi người chế tác phải hiểu về mặt cắt, mặt đứng, góc chính diện, góc nghiêng của vật thể. Nếu không nhờ thời gian làm việc với bản vẽ, thiết kế, mình sẽ khá loay hoay với kỹ thuật tạo hình tác phẩm. Tất nhiên, mình cũng phải nắm vững cấu trúc giải phẫu của các loài động vật nữa.
Đâu là những dụng cụ bạn cần có cho bộ môn này?
Về kim chọc, phải sử dụng cây kim có khứa nhỏ hình tam giác trong đầu lưỡi để móc nối các sợi len vào nhau thì mới tạo ra được hình khối cứng cáp. Loại len mình sử dụng là len merino nhập về từ Nhật Bản với độ xoăn vừa phải và kết dính tương đối tốt. Ngoài ra, còn cần đến một miếng đệm chọc bông để hoàn thiện được các sản phẩm nhỏ, không thể cầm tay.
Làm thế nào để “hô biến” những sợi len thô thành một tác phẩm điêu khắc len?
Đầu tiên, mình sẽ lắng nghe câu chuyện của khách hàng về thú cưng của họ cũng như xem qua tư liệu để có hình dung sơ bộ. Sau đó, mình nghiên cứu về mắt, màu lông cũng như tỷ lệ cơ thể, cấu trúc gương mặt rồi vẽ phác thảo.
Tiếp đến, mình lựa chọn len rồi dựng phần phôi. Ở đây, khó nhất là phần tạo hình mắt bởi mình sẽ vẽ trực tiếp lên một bán cầu thủy tinh có kích thước 8-12mm nên chỉ cần một chút sai sót nhỏ thôi là có thể bị phóng đại nhiều lần.
Đến phần cấy lông, đây cũng là bước quan trọng không kém. Mình phải tỉ mỉ trong khâu phối trộn màu len sao cho các sắc độ của lông trên mô hình chó, mèo có độ chuyển màu mượt mà nhất có thể.
Cuối cùng là bước cấy râu và dùng kéo để tỉa tót phần lông. Có một điều lưu ý là mình sẽ không làm tác phẩm giống nguyên mẫu y đúc. Mình muốn tác phẩm có dấu ấn riêng của người nghệ sĩ nhưng tất nhiên vẫn không đánh mất hồn cốt so với phiên bản đời thật.
Một kỷ niệm đáng nhớ của bạn trong hành trình này?
Có một khách hàng người Việt ở Úc từng đặt hàng mình làm mô hình thú cưng là chú mèo mướp đã ở với bạn suốt 4 năm. Bé mèo ấy đã mất tích ngay trước khi bạn về nước và dự tính làm thủ tục đón bé sang. Sau đó, bạn có biết mình là người “điêu khắc” thú cưng từ kỹ thuật needle felting nên mong mỏi mình có thể tạo hình chú mèo cưng của bạn nhằm giúp bạn xoa dịu nỗi dau mất bé.
Ngày nhận sản phẩm cũng là lúc lễ cưới của bạn diễn ra ở Việt Nam. Bạn ấy vô cùng xúc động vì mô hình quá giống thật và mẹ bạn cũng không khỏi rơi lệ khi nhìn thấy. Và việc có thể giúp khách hàng lưu giữ kỷ niệm đẹp đẽ về thú cưng của họ cũng chính là động lực giúp mình gắn bó lâu dài với needle felting.
Giá trị mà bộ môn điêu khắc len đã mang đến?
Khi là kiến trúc sư, mình chủ yếu làm việc trên máy tính với thao tác rất nhanh chóng. Còn ở needle felting, mọi khâu đều là 100% thủ công nên mình buộc phải kiên trì vì có khi đâm hàng chục nghìn mũi kim vào các sợi len thì mới có thể hoàn thành “đứa con tinh thần”. Do đó, mình mất đến hơn 2 tuần để thực hiện sản phẩm, có khi lên đến cả tháng.
Tóm lại, bộ môn này đã giúp mình rèn luyện tính nhẫn nại, sự tập trung cao độ và mang đến cho mình niềm hạnh phúc trong công việc. Việc đưa kim lên và chọc kim xuống cũng tương tự quá trình hít thở của con người. Chính điều đó tạo nên sự sống cho chúng ta và các thao tác như trên của needle felting cũng thổi sự sống vào các tác phẩm của mình.
Thế Võ tiết lộ một chút về dự định sắp tới nhé!
Hiện mình vẫn đang nghiên cứu thêm về các chất liệu len để có thể tạo ra được những sản phẩm với nhiều hình thù khác nhau. Trong tương lai, mình sẽ mở rộng sang chủ đề chân dung con người. Đặc biệt, mình hy vọng thời gian tới có thể mở một lớp học về tạo hình điêu khắc len dựa trên kỹ thuật needle felting để lan tỏa ý nghĩa của bộ môn này đến cộng đồng.
Cảm ơn Thế Võ vì buổi chia sẻ ý nghĩa. Chúc bạn sẽ tiếp tục sáng tạo thêm nhiều tác phẩm điêu khắc len ấn tượng hơn!
>> Xem thêm: Đam mê nấu nướng của Culinary Frank: Khi tất bật khi là những điểm nghỉ