share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Architecture Tunnel Of Lights: Sân khấu của nghệ thuật sắp đặt


ADVERTISEMENT

Hẻm núi Kiyotsu nằm ở thành phố Tokamachi, tỉnh Niigata được biết đến là một trong ba hẻm núi lớn của Nhật Bản. Địa hình ở đây có hình chữ V độc đáo, cây cối xanh mát nhìn ra quang cảnh sông Kiyotsu, tạo thành một thung lũng xinh đẹp. Nơi đây được công nhận là một trong những Danh lam thắng cảnh và Di tích Quốc gia, thu hút khách tham quan. 

Nhưng khi những con đường mòn đi theo hẻm núi đến đây bị đóng cửa vào năm 1988 vì được cho là không an toàn, ngành du lịch địa phương cũng rơi vào giai đoạn trầm lắng. Và rồi, MAD Architects tìm đến và xây dựng Đường hầm Ánh sáng (Tunnel of Lights), một lối đi lịch sử dài 750 mét cắt xuyên qua các khối đá, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan. Từ đường hầm, khách du lịch có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ của thung lũng, bên trong có ba điểm dừng chân ngắm cảnh với những tầm nhìn khác nhau.

Dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Ma Yansong, được biết đến như một bậc thầy của những đường cong, MAD Architects đã thiết kế đường hầm “Tunnel of Lights” dựa trên năm yếu tố của Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), mô phỏng lại mối quan hệ khăng khít giữa con người và thiên nhiên, kết nối con người đến gần hơn với môi trường xung quanh. 

“Kính tiềm vọng” (yếu tố Mộc)

Điểm đầu tiên trong hành trình, bạn sẽ bắt gặp một quán cafe nhỏ xinh bán đồ lưu niệm thủ công của địa phương. Tại đây cũng có dịch vụ spa ngâm chân với nước nóng. Đồ nội thất bên trong và mái che được làm bằng gỗ, trên trần nhà là một thấu kính tròn “tiềm vọng” mở toang, phản chiếu thiên nhiên xung quanh.

“Nhịp điệu của sắc màu” (yếu tố Thổ)

Đối với du khách, đi bộ trong đường hầm chưa bao giờ gây nhàm chán vì không gian bên trong được khoác lên mình những dải màu ánh sáng khác nhau. Những ngọn đèn xanh đỏ bao trùm, quấn lấy đôi chân của du khách, mời gọi họ từng bước tiến sâu vào bên trong để khám phá những điều thú vị ngay phía trước. Từng cen-ti-mét của đường hầm giống như một sân khấu để các kiến trúc sư (KTS) thỏa sức phô bày nghệ thuật thông qua việc sắp đặt ánh sáng. Trên đường đi còn có nhiều triển lãm nhỏ cung cấp thông tin về lịch sử của hẻm núi, nhiều câu đố thú vị về hệ động thực vật cư trú ở đó.

Đường hầm tại hẻm núi Kiyotsu được chiếu sáng bằng những ngọn đèn xanh đỏ, mang đến không gian huyền ảo, bí ẩn nhưng cũng không kém phần ma mị. Ảnh: Jingkai Kuang

“Bong bóng tàng hình” (yếu tố Kim)

Đây là điểm quan sát đầu tiên trong tổng số 3 trạm dừng của đường hầm. Kiến trúc tựa khoang tàu vũ trụ hình cầu, chất liệu bằng gương trong suốt tạo nên “ảo ảnh quang học”, soi bóng đường hầm và khung cảnh núi non xung quanh.

Đây cũng là nơi đặt để nhà vệ sinh duy nhất, đối diện nhìn ra hẻm suối. Một khung cảnh lộ thiên nhưng đầy tinh tế, cửa sổ bên ngoài phủ một lớp kim loại chỉ nhìn được một chiều từ trong ra. Với thiết kế này, đội ngũ KTS đã thách thức khái niệm công cộng và riêng tư một cách thành công.

>> Xem thêm: MUJI Base Kamogawa: Từ nhà cổ trăm tuổi đến không gian lưu trú ấn tượng

“Hạt sương” (yếu tố Hỏa)

Những tấm gương lồi có hình dạng giống như “hạt sương”, được thắp sáng bởi ánh sáng đỏ tượng trưng cho lửa. Khi nhìn vào, du khách sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng ấm nóng, một lực hút đặc biệt. Những “hạt sương” này như các khung cửa sổ phản chiếu môi trường tự nhiên. Chúng được treo đong đưa trên trần nhà và những bức tường, làm cho điểm dừng chân thứ hai của đường hầm bừng sáng và thêm phần sinh động.

“Hạt sương” cùng sắc đỏ của lửa mang năng lượng đặc biệt làm cho điểm dừng chân ngắm cảnh thêm phần thú vị

“Động ánh sáng” (yếu tố Thủy)

“Vơ đét” của đường hầm này chính là “Động ánh sáng”, nơi dừng chân cuối cùng để ngắm toàn cảnh thung lũng. Đường hầm được bao bọc bởi thép không gỉ, đánh bóng một mặt, phản chiếu hình ảnh của hẻm núi, bầu trời, cây xanh và dòng nước nhuộm màu xanh ngọc bên dưới. Thiên nhiên như được nhân đôi, đối xứng với nhau thật độc đáo qua mặt hồ nước trong lành. Chỉ cần một cơn gió nhẹ nhàng thoảng qua cũng làm gợn sóng mặt hồ nông. Một ảo ảnh vô định của tự nhiên, đem lại sự bừng sáng lẫn tĩnh lặng trong đường hầm tối đen. Cụm từ “ánh sáng cuối đường hầm” mô tả rất đúng cho khung cảnh này.

Với những tính toán tuyệt vời của đội ngũ KTS, nơi đây còn là một “background” chụp hình đắc địa. Du khách không chỉ mang về những thước hình siêu thực mà còn trực tiếp cảm nhận sự mát lạnh của dòng suối trong thung lũng ngay dưới chân.

Được biết, để xây dựng nên đường hầm này, đội ngũ KTS phải xem xét rất nhiều yếu tố, bao gồm ngân sách, thời tiết, vật liệu và ý kiến của người dân địa phương. Ví dụ, ở khu vực “kính tiềm vọng”, mỗi chiếc gương phải được điều chỉnh rất nhiều lần để đảm bảo lấy được góc nhìn đẹp nhất của thiên nhiên xung quanh, hay mái nhà phải được thiết kế để chịu được lực trong điều kiện tuyết rơi dày…

Tác phẩm “Đường hầm ánh sáng” dưới bàn tay của MAD Architects đã trở thành sự cải biến mang đậm chất nghệ thuật, cho thấy nghệ thuật và tự nhiên có thể dung hòa với nhau như thế nào để làm sống lại một cộng đồng.


Thông tin công trình:

  • Tunnel of Light, 2018
  • Echigo-Tsumari, Japan
  • Design Team: Ma Yansong, Yosuke Hayano, Dang Qun, Hiroki Fujino, Kazushi Miyamoto, Yuki Ishigami
  • Executive Architect: Green sigma Co., Ltd.

ADVERTISEMENT