Explore Uzbekistan, những ngày rong chơi đáng nhớ! (P.1)
H hỏi năm nay cô muốn đi du lịch nơi nào, cô bảo về thăm quê anh, Uzbekistan. Cô nhanh chóng nhận cái gật đầu vì đó cũng chính là mong muốn của H. Thế là cô đã có những ngày rong chơi đáng nhớ ở đất nước Trung Á này.
Cho đến giờ, cô vẫn không thể nào quên được cảm giác sau gần 11 giờ bay và bước ra khỏi máy bay lại gặp luôn cái lạnh tê tái -2 độ C ở sân bay thủ đô Tashkent. Cô cũng không thể nào quên những sáng thức dậy ở nơi xa thật xa ấy, rồi mỗi ngày tận hưởng khoảnh khắc ngồi trên những chiếc ghế đá trong công viên ngắm lá vàng bay trong gió. Câu chuyện về lời nguyền của vị vua tàn bạo nhất cũng vẫn còn đây ám ảnh trong tâm trí cô. Hay một chiều ở biên giới giáp Afghanistan đều để lại cho cô những “nỗi nhớ” không bao giờ quên…
KỲ 1: TASHKENT – NƠI GIAO THOA CỦA QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI
Cô đến Tashkent vào giữa tháng 11, khi mùa đông vừa chớm và những bông tuyết đầu mùa bắt đầu rơi. Đấy là lần đầu tiên cô nhìn thấy tuyết, đặc biệt hơn lại là tuyết ở đất nước nơi có con đường tơ lụa huyền thoại mà trước đây cô nghĩ sẽ chẳng bao giờ được đặt chân tới. Cô thấy tuyết rơi khi những chiếc lá vàng còn chưa rụng hết tạo nên một khung cảnh thu đông giao thoa thật tuyệt vời.
Những bông tuyết đầu mùa rơi khi lá vàng chưa rụng hết
Không chỉ thiên nhiên, sự giao thoa trong văn hóa, lịch sử ở Tashkent cũng tạo nên cái nhìn đa chiều ấn tượng. Cô cảm nhận rõ điều đó khi đến thăm thành phố cổ với những công trình kiến trúc, văn hóa tôn giáo ngàn năm tuổi và khi đến thăm trung tâm thủ đô, thành phố mới với những công trình kiến trúc, văn hóa hiện đại.
Tashkent, thủ đô ngàn năm tuổi của Uzbekistan, là nơi từng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trên con đường tơ lụa nối liền giao thương giữa các nước. Những giao thoa trên con đường tơ lụa đã giúp Uzbekistan trở thành một trong những nền văn hóa lâu đời và rực rỡ nhất của phương Đông. Những công trình kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật, tranh vẽ hay thậm chí là điệu múa, trang phục truyền thống của Uzbekistan đều mang những nét rất đặc trưng, không lẫn vào đâu được.
Nền văn hóa Uzbekistan lâu đời và rực rỡ, không lẫn vào đâu được
Qua hàng ngàn năm, nhưng ở Tashkent vẫn còn đây những dấu tích một thời của con đường giao thương nổi tiếng, tạo nên sự giao thoa giữa nét cổ xưa và hiện đại. Trong suốt những ngày lưu lại đất nước này, cô đã thấy rất rõ dấu tích ấy ở những công trình kiến trúc lâu đời hay trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Đặc biệt, cứ mỗi lần đi chợ là cô cảm nhận điều đó rõ nhất.
Chợ vòm ở Uzbekistan chính là nơi giao thoa văn hóa, lưu giữ lịch sử
Chợ Chorsu, ngôi chợ mái vòm lớn nhất và lâu đời nhất không chỉ ở Uzbekistan mà còn toàn bộ khu vực Trung Á, là cái tên cô không thể bỏ qua khi đến đây. Cứ khoảng hai đến ba ngày là cô lại kéo H đi chợ Chorsu, đôi khi chỉ để mua vài món ăn vặt. Điều cô muốn là được hòa vào không khí nhộn nhịp, được thấy những người phụ nữ Uzbek đội những chiếc khăn sặc sỡ chào mời mua hàng, để được đi dạo ngắm nghía những món đồ gốm sứ, khăn áo truyền thống và để thưởng thức những món ăn truyền thống địa phương.
Chợ Chorsu là ngôi chợ mái vòm lâu đời nhất vùng Trung Á
Chợ Chorsu nằm ở thành phố cũ của thủ đô đã hoạt động tại vị trí này trong hơn hai ngàn năm qua. Chợ bán đủ thứ, từ thực phẩm tới đồ dùng, đồ lưu niệm. Nhưng cô thích nhất là đi vào khu vực bán các loại gia vị với mùi thơm nức, khu bán trái cây khô đủ loại và đặc biệt là ở những gian hàng bán đồ gốm sứ và hàng dệt thủ công truyền thống. Những món đồ này chứa đựng cả lịch sử ngàn đời và không khí mua bán ở đây khiến cô cảm giác như mình được quay ngược thời gian, trở về thời các thương nhân cưỡi lạc đà bán mua gấm vóc lụa là, gốm sứ, đá quý và gặp gỡ giao lưu văn hóa.
Các loại trái cây khô là một trong những đặc sản lâu đời được bày bán ở chợ
Những món đồ gốm truyền thống với hoa văn đặc trưng truyền tải cả một phần lịch sử
Những chiếc khăn truyền thống cũng mang trong mình dấu tích thời gian
Cách không xa ngôi chợ nổi tiếng Chorsu là nhà thờ Hồi giáo Dzhuma và Kukeldash Madrassah, Học viện Thần học Hồi giáo có niên đại từ thế kỷ thứ 15. Công trình Kukeldash Madrassah nằm trên một ngọn đồi hướng về phía chợ Chorsu.
Học viện thần học có niên đại từ thế kỷ 15
Học viện Thần học Hồi giáo Kukeldash có kiến trúc đặc trưng của Hồi giáo với những nhà mái vòm màu xanh ngọc, các tòa tháp và tường trang trí hoa văn gốm sứ. Theo văn hóa đạo Hồi trường học này dành cho nam giới, vì thế cô chỉ có thể tham quan bên và H đã chụp ảnh cho cô những bức ảnh “không thể đẹp hơn”. Với những cô gái đi du lịch vừa để khám phá vừa để lưu giữ khoảnh khắc, thì những tấm ảnh đó đã là một phần thưởng tuyệt vời rồi.
Theo văn hóa Hồi giáo, chỉ có nam giới mới được vào bên trong khu này
Nếu như thành phố cũ, cô cảm nhận được dấu tích thời gian, hiểu hơn về một phần của giá trị của lịch sử, thì ở thành phố mới lại cho cô những cảm nhận rất khác. Đã qua rồi thời chính trị bất ổn, kinh tế khó khăn, Uzbekistan giờ bình yên và đang ngày càng phát triển nhờ kinh tế mở cửa hội nhập. Vì thế, cứ ra trung tâm thành phố là cô thấy được sự sôi động, hiện đại ở thủ đô có lịch sử ngàn năm tuổi này.
Cuộc sống ở Uzbekistan ngày càng phát triển hiện đại
Sau những buổi sáng thảnh thơi thưởng thức món bánh mì thịt truyền thống với ly trà thơm phức và ngắm lá vàng rơi, H thường dẫn cô ra trung tâm thành phố bằng tàu điện ngầm để trổ tài chụp ảnh cho người đẹp và để cô thỏa sức ngắm nhìn phố phường.
Thưởng thức món bánh mì truyền thống và uống trà là văn hóa của người dân Uzbekistan
Hệ thống tàu điện ngầm hiện đại phủ khắp thành phố là một trong những niềm tự hào của Uzbekistan. Đặc biệt các nhà ga trong hệ thống được xây dựng rất đẹp và độc đáo với thiết kế riêng, có ga trang trí hiện đại, có ga lại theo phong cách hoài cổ tạo nên sự đa dạng gây ấn tượng với bất cứ du khách nào có dịp trải nghiệm. Tuy nhiên, vì là một đất nước mới mở cửa du lịch nên hầu hết các bảng chỉ dẫn ở đây đều là tiếng Nga hoặc tiếng Uzbek, nên nếu như không đi cùng H, chắc chắn cô sẽ bị lạc trong những “mê cung ga tàu” này.
Những ga tàu điện ngầm ở Tashkent đều hiện đại và rất đẹp
Từ những ga tàu điện ngầm, cô đi tham quan được tất cả các điểm đến ở Tashkent. Tàu đưa cô tới khu vực trung tâm, nơi có những cửa hàng mua sắm sang trọng, rực rỡ đèn hoa. Ở đây có nhiều hoạt động đường phố sôi nổi, nhất là vào buổi đêm. Giữa phố, những nhạc công gảy phím đàn thánh thót, các họa sỹ họa nhanh bức chân dung cho du khách, những người bán hàng lưu niệm đủ sắc màu, các bạn trẻ cùng nhau trổ tài nhảy hip-hop, những đôi tình nhân dập dìu ngắm phố phường và nép vào nhau trong những ngày giá lạnh… tất cả tạo nên một Tashkent thật yên bình.
Khu vực trung tâm về đêm luôn sôi động dù mùa hè nóng bức hay mùa đông lạnh giá
Tàu đưa cô tới tháp truyền hình Tashkent, một điểm cao nhất ở khu vực Trung Á, nơi cô có thể ngắm toàn thành phố từ trên cao. Điều thú vị của tòa tháp này là ở trên tầng cao có một nhà hàng “xoay” khiến cô rất thích thú. Tại đây, khu vực dành cho khách được thiết kế như một chiếc bàn xoay 360 độ khổng lồ để khách dù ngồi ở vị trí nào cũng có thể ngắm cảnh toàn thành phố. Cô gọi một ly nước ép táo tươi ngon, còn H chọn ly cappuccino. Sau đó việc của cô chỉ là ngồi sát cửa sổ, vừa thưởng thức món thức uống yêu thích vừa trải tầm mắt ra xa tít chân trời, ngắm sắc màu hòa trộn của cây lá, của những ngôi nhà đủ màu sắc và của những kiến trúc mái vòm xanh màu ngọc bích rất đặc biệt ở Tashkent.
Tashkent nhìn từ tháp truyền hình cao nhất khu vực
Được tới đây, ngồi và ngắm khung cảnh này ở Tashkent, thành phố giao thoa giữa quá khứ và hiện đại, giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, dù thời gian chẳng nhiều nhưng với cô, đó cũng là cái duyên và ngày cứ thế trôi qua thật bình yên, nhẹ nhàng!