Beauty Vì sao chiết xuất vỏ cây liễu lại tốt cho da?
Chiết xuất vỏ cây liễu (Salix alba) là một trong những món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho làn da của bạn. Dù có nhiều loại cây liễu khác nhau, nhưng chiết xuất từ liễu trắng từ lâu đã được sử dụng để hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề về da.
Chiết xuất vỏ cây liễu là gì?
Mặc dù liễu trắng là lựa chọn phổ biến nhất trong chăm sóc da, nhưng các loại liễu khác như liễu đen hay liễu tím cũng được sử dụng để chiết xuất vỏ cây liễu. Thông thường, vỏ của cây liễu trưởng thành được thu hoạch vào mùa xuân, sau đó cắt thành từng dải. Phần bên trong của vỏ sẽ được xử lý để tạo ra chiết xuất dạng lỏng, chứa nhiều đặc tính có lợi cho sức khỏe và làm đẹp.
Chiết xuất vỏ cây liễu chứa nhiều hợp chất có lợi cho da, giúp mang lại đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa. Sau đây là một số thành phần quan trọng có trong chiết xuất này:
Salicin: Thành phần này có nguồn gốc từ Salix - tên khoa học của cây liễu. Đây là nguồn gốc tự nhiên của axit salicylic - một thành phần quen thuộc trong chăm sóc da với nhiều lợi ích. Salicin giúp giảm kích ứng và viêm nhiễm, đặc biệt trong các trường hợp mụn nặng. Bên cạnh khả năng tẩy tế bào chết tự nhiên, hợp chất này còn hỗ trợ trẻ hóa làn da và ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa.
Tannin: Hoạt động như chất làm se, giúp thu nhỏ lỗ chân lông và giúp làn da săn chắc hơn. Ngoài ra, chúng còn kiểm soát bã nhờn, giảm tình trạng mụn đầu đen, mụn đầu trắng và hạn chế tiết mồ hôi quá mức.
Polyphenol: Chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng trung hòa các gốc tự do trên da, ngăn ngừa tổn thương DNA - một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư da. Ngoài ra, polyphenol còn có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về da.
Flavonoid: Là một nhóm polyphenol đặc biệt có trong chiết xuất vỏ cây liễu. Chúng giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV, nguyên nhân gây ra tình trạng lão hóa sớm như nếp nhăn và tăng sắc tố da.
Ngoài ra, chiết xuất vỏ cây liễu còn được mệnh danh là “aspirin tự nhiên” nhờ vào đặc tính giảm đau của chúng. Từ xa xưa, các nền văn minh châu Âu và châu Á đã sử dụng vỏ cây liễu như một phương thuốc trị cảm lạnh, sốt, xuất huyết và nhiều bệnh lý khác.
Lợi ích của chiết xuất vỏ cây liễu trong chăm sóc da
Tẩy tế bào chết nhẹ nhàng: Chiết xuất vỏ cây liễu giúp loại bỏ tế bào chết và dầu thừa trên bề mặt da, đồng thời thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào mới. Nhờ đó, làn da trở nên mịn màng và đều màu hơn.
Làm săn chắc da: Với đặc tính như một loại toner tự nhiên, chiết xuất này giúp se khít lỗ chân lông, làm giảm nếp nhăn và đường nhăn trên da, mang lại vẻ ngoài săn chắc và trẻ trung.
Dưỡng ẩm và bảo vệ da: Chiết xuất vỏ cây liễu giúp duy trì độ ẩm và củng cố hàng rào bảo vệ da, hạn chế tác động từ môi trường bên ngoài.
Chống oxy hóa mạnh mẽ: Các chất chống oxy hóa trong chiết xuất giúp trung hòa gốc tự do - nguyên nhân gây lão hóa da, đồng thời bảo vệ da khỏi các tình trạng thoái hóa.
Kháng khuẩn, chống viêm: Nhờ đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, chiết xuất này giúp làm sạch lỗ chân lông, giảm mẩn đỏ, ngứa rát do mụn. Ngoài ra, chúng còn hỗ trợ điều trị các bệnh da liễu như chàm, vẩy nến và chứng đỏ da (rosacea).
Cách sử dụng chiết xuất vỏ cây liễu trong chăm sóc da
Bạn có thể sử dụng chiết xuất vỏ cây liễu trực tiếp lên da giống như một loại serum chứa axit salicylic. Với đặc tính tan trong dầu, axit salicylic thấm sâu vào lớp ngoài của da. Nhờ đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, chiết xuất này cũng được sử dụng làm thành phần trong nhiều sản phẩm chăm sóc da như sữa rửa mặt, mặt nạ, kem dưỡng ẩm, toner…
Chiết xuất vỏ cây liễu có đặc tính keratolytic, tức là có khả năng làm bong lớp tế bào chết và dầu thừa trên bề mặt da. Vì vậy, chúng có thể kết hợp tốt với AHA (alpha hydroxy acids) như axit lactic, axit glycolic… để tăng cường hiệu quả tẩy tế bào chết. Sự kết hợp này không chỉ giúp loại bỏ lớp da cũ, hư tổn mà còn kích thích sản sinh tế bào mới, đồng thời thúc đẩy quá trình tổng hợp các protein quan trọng giúp da săn chắc như collagen và elastin. Bạn nên tránh sử dụng chiết xuất vỏ cây liễu chung với retinol và vitamin C, vì có thể gây kích ứng hoặc làm giảm hiệu quả của cả hai thành phần.
Liều lượng khuyến nghị của chiết xuất vỏ cây liễu trong chăm sóc da
Hầu hết các sản phẩm chăm sóc da trên thị trường sử dụng chiết xuất vỏ cây liễu với nồng độ từ 2,5% đến 5% trong công thức. Ngoài ra, axit salicylic cũng có thể được chiết xuất từ salicin và các hợp chất salicylate có trong loại thảo dược này.
Chiết xuất vỏ cây liễu mang lại nhiều lợi ích cho làn da và có thể phù hợp với hầu hết mọi người. Đặc biệt, bạn sẽ thấy rõ sự cải thiện nếu rơi vào các trường hợp sau: có làn da nhạy cảm, da dầu hoặc da hỗn hợp, bị mụn, xuất hiện các dấu hiệu lão hóa sớm, gặp các vấn đề da liễu như chàm (eczema), vẩy nến (psoriasis) hoặc chứng đỏ da (rosacea).
Lưu ý khi sử dụng chiết xuất vỏ cây liễu
Tránh sử dụng nếu bạn dị ứng với salicylate: Những người có tiền sử dị ứng với aspirin hoặc các hợp chất salicylate không nên sử dụng chiết xuất vỏ cây liễu. Nếu có dấu hiệu kích ứng, hãy ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Kiểm tra độ phù hợp với làn da: Nếu sử dụng chiết xuất vỏ cây liễu trong các sản phẩm không rửa trôi, chúng có thể gây khô da, đặc biệt là với những người có làn da khô sẵn. Vì vậy, bạn nên dưỡng ẩm trước khi dùng để hạn chế tình trạng khô da.
So sánh chiết xuất vỏ cây liễu và axit salicylic
Chiết xuất vỏ cây liễu chứa salicin, là nguồn thảo dược của axit salicylic. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa salicin thành axit salicylic trong cơ thể khá phức tạp, khiến việc khai thác trực tiếp không khả thi về mặt thương mại. Vì thế, phần lớn axit salicylic trong mỹ phẩm được tổng hợp hóa học.
Axit salicylic có hoạt tính mạnh hơn chiết xuất vỏ cây liễu, nhưng cũng dễ gây khô da, kích ứng và mẩn đỏ khi sử dụng với nồng độ 1 - 2%. Trong khi đó, salicin trong vỏ cây liễu dịu nhẹ hơn, thậm chí ở nồng độ 100% vẫn không gây kích ứng. Nếu bạn có làn da nhạy cảm, chiết xuất vỏ cây liễu là lựa chọn tốt hơn vì vừa tẩy tế bào chết nhẹ nhàng, giảm mụn, giảm dầu thừa mà không gây kích ứng mạnh như axit salicylic.
>>Xem thêm: Những xu hướng làm đẹp hứa hẹn hot nhất 2025