share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Thả hồn sơn thuỷ chốn Mộc Phủ Vân Nam


ADVERTISEMENT

Có một dạo, tôi thấy mình không thể hòa nhập vào cuộc sống củi gạo dầu muối hiện thực, cứ ngỡ vẫn còn lời hứa hẹn với những cảnh quan xưa cũ trong lòng. Vậy nên khi nghe lời rủ rê đi Lệ Giang – Vân Nam từ bạn, tôi chẳng ngần ngại đồng ý lập tức, bất chấp quá trình tự xin visa với thời gian gấp gáp quá sức gian khổ.

Thấy mình vẫn còn lời hứa hẹn với cái đẹp quá vãng trong lòng, và thế là đi, bất chấp

Đến với hành trình 10 ngày ở Lệ Giang, chúng tôi chọn Đại Nghiên cổ trấn là điểm khởi đầu. Cổ trấn được ví như một nghiên mực khổng lồ này có hai khu vực tham quan chính, một là Mộc Phủ, hai là cối xay nước. Đều là những kẻ theo chủ nghĩa “tùy duyên”, chúng tôi quyết định cứ lang thang dạo bước trong cổ trấn, đến đâu trước thì ấy là duyên. Dạo chơi cảm thán vẻ đẹp nơi đây một buổi thì cũng chạm ngõ Mộc Vương Phủ. Chúng tôi mua vé và từ chối lời đề nghị dùng hướng dẫn viên, vì muốn được dạo bước thong dong, tự thân cảm nhận và lưu giữ vào lòng bằng hết cái đẹp nơi này.

Mộc Phủ bệ vệ giữa trập trùng mái ngói nhân gia

Nghe kể chủ nhân của Mộc phủ là dòng họ người Nạp Tây bản địa, làm Thổ ty xứ sở này qua ba triều đại, tính ra gần 500 năm. Tuy chỉ là Thổ ty nhưng uy thế và sự giàu sang của họ Mộc không kém gì các bậc vương công, phủ đệ thậm chí còn vượt xa các vương phủ về độ quy mô, hoành tráng. Phải vậy mà người ta vẫn thường ví von: “Bắc Cố Cung, Nam Mộc Phủ”. Nhưng theo bước biến chuyển của thời đại, họ Mộc cũng kinh trải hưng thịnh rồi suy tàn. Sang đến thời Thanh, vì vẫn còn trung thành với hậu duệ nhà Minh nên họ Mộc bị phế bỏ tước vị, Mộc phủ cũng dần hoang phế.

Có ai ngờ đâu Mộc Phủ tinh xảo tráng lệ ngày nay từng là một nơi hoang phế

Nghe kể về lịch sử dòng họ này, cứ ngờ ngợ quen thuộc. Rồi mới chợt nhớ ra, họ Mộc ở Vân Nam, chẳng phải là dòng tộc của Mộc Thạnh đấy sao? Đây là một tướng địch từng dẫn quân đánh chiếm bờ cõi ta, để lại 20 năm đau thương mất mát cho dân ta trước khi Lê Lợi giành lại non sông, cũng là nhân vật phản diện trong tập phim Tử Chiến Thành Đa Bang của một dự án cộng đồng mà tôi tham gia. Cho dù có vậy, vô tình mà biết, chẳng hẹn mà gặp khiến trong lòng không khỏi hân hoan. Giữa hưng vong của ngàn xưa, con người cũng chỉ là khách lai vãng, công tội cả đời rồi cũng chỉ hóa thành một cái tên trên sử sách. Chỉ có núi sông không đổi, vật cũng y nguyên, Mộc phủ bao nhiêu năm nay, vãn khách đổi dời nhưng tường đình vẫn thế.

Còn gì hân hoan bằng cơ duyên vô tình mà biết, chẳng hẹn mà gặp

Đứng trước Mộc Phủ, đắm say trước vẻ tinh tế rực rỡ của nó, cũng ngơ ngác thắc với vẻ rực rỡ đó. Vẫn lối kiến trúc đình đài lầu các đặc trưng phương Đông, nhưng so với những di tích của đất nước ta, Mộc Phủ thiếu đi nét mờ phai cũ kỹ, như thể thời gian chưa từng ghé qua nơi này. Mãi về sau mới biết, hóa ra phủ Mộc vương cũng bị tàn phá nặng nề trong cuộc cách mạng văn hóa, sau nhiều lần trùng tu mới được quần thể kiến trúc cho du khách thưởng ngoạn ngày nay. Như cổng vào làm bằng đá ngọc trắng được lấy từ đáy khe Hổ nhảy ở sông Kim Sa, nổi tiếng là công trình kỹ vĩ bậc nhất đất Lệ Giang, đã bị phá tan trong Cách mạng văn hóa. Thứ ta thấy ngày nay chỉ là phiên bản. Ngẫm lại dòng chảy lịch sử tự cổ chí kim, sự hưng thịnh và suy tàn của kiến trúc luôn liên quan đến vận mệnh triều đại. Từ Cửu Trùng Đài, Phủ chúa Trịnh của Việt Nam ta đến Viên Minh Viên, Thanh Y Viên của Trung Hoa, vô số đền đài lầu các cũng cháy rụi trong ngọn lửa tận diệt tiền triều. Âm thầm tiếc nuối, nhưng cũng cảm thấy may mắn vì người đời vẫn còn lưu giữ ít nhiều và trùng tu vẹn nguyên khí phách của phủ đệ Mộc gia năm xưa.

Sau nhiều lần trùng tu, Mộc Phủ ngày nay vẹn nguyên khí phách tráng lệ năm nào

Được xây dưới thời Minh, Mộc Phủ mang những nét kiến trúc đặc trưng của văn hóa Nạp Tây đất Lệ Giang, kết hợp với Đạo Giáo và Phật Giáo. Chạy theo trục chính của phủ lần lượt là Sảnh Nghị Sự, Lầu Vạn Quyển, Điện Hộ Pháp, Lầu Quang Bích, Lầu Ngọc Âm và Điện Tam Thanh tinh xảo tuyệt mỹ.  Ở hai bên của trục trung tâm là hành lang hướng ra các điện thờ phụ, gác mái, nhà lầu, gian phòng ở, hậu hoa viên,… Nếu Sảnh Nghị Sự trang nghiêm là nơi Thổ ty thảo luận chính sự, thì Lầu Vạn Quyển lại là nơi lưu giữ sách vở quý giá, ghi chép về văn hóa Đông Ba, tác phẩm văn học của Thổ ty. Điện Hộ Pháp lại là nơi thờ tự tổ tiên dòng họ, trong khi Lầu Quang Bích được ví như tàng thư các của Lệ Giang. Lầu Ngọc Âm xưa kia là nơi tổ chức yến tiệc, ca hát, cũng là nơi các đời Thổ ty tiếp nhận thánh chỉ hoàng đế. Từ Lầu Ngọc Âm nhìn lên núi Sư Tử là Điện Tam Thanh, nơi Thổ ty thờ phụng Đạo giáo, cũng là nơi chứng kiến mối giao thoa giữa văn hóa Nạp Tây và văn hóa Trung Nguyên. Đa số những tòa điện lầu còn giữ được kiến trúc thuần mộc, sừng sững trang nghiêm, khiến du khách phải ngẩng đầu chiêm ngưỡng hồi lâu. Những người thợ xây đều đã qua đời từ lâu, nhưng tác phẩm và sáng tạo của họ vẫn còn được lưu giữ. Vật còn, tâm tư đổ ra còn, tạo nên mối liên kết diệu kì giữa tiền nhân và hậu thế.

Hành lang dài dẫn đường vãn khách

Nghị Sự Sảnh nơi nghị thảo chính sự

Lầu Vạn Quyển

Trong Lầu Vạn Quyển còn lưu giữ nhiều thư tịch và văn vật quý giá

Từ Vạn Quyển Lâu nhìn xuống Nghị Sự Sảnh

Không hổ danh là Tử Cấm Thành phương Nam, Mộc Vương Phủ bề thế, khí khách, tỏ rõ sự phồn hoa, sung túc một thời. Lạc bước vào đây, tôi lập tức bị thu hút bởi nét đặc thù của kiến trúc và sắc màu phương Đông. Trời đã về trưa, người vãn cảnh thưa thớt, khiến phủ đệ bao la thêm phần cô tịch. Nhưng ấy vậy mà hay. Dạo bước trong không gian tĩnh mịch cổ kính mới cảm nhận được, so với kiến trúc hiện đại ảnh hưởng nhiều bởi phương Tây thì nó tinh tế, khúc chiết và tao nhã hơn; so với thiên nhiên hoang sơ thì nó hàm súc, thu hút hơn, bởi từng bờ tường mái ngói, hòn đá bụi cây đều toát lên nét văn hóa Đông Ba bản địa. Ở đây, người ta tôn thờ tự nhiên, trân trọng sự giao thoa hòa hợp giữ con người và thiên nhiên. Có lẽ vì vậy mà Mộc Phủ hướng về phía đông để “Mộc khí đến từ ánh mặt trời mọc”, dựa mình vào chân núi Sư Tử, nơi những ngọn tùng bách cổ thụ trăm năm tươi tốt. Cây cối mọc trên núi cùng với cây cảnh trong hoa viên tạo thành một vườn cảnh muôn hình vạn trạng mà vẫn hài hòa. Thả bước trong vườn, dù là cây bạch quả lẻ loi, gốc liễu cổ thụ, nhánh bằng lăng đang đơm hoa hay một khóm lan đất,… cũng khiến người vãn cảnh động lòng lưu luyến. Dòng nước từ núi chảy xuống hồ nhỏ, rồi uốn lượn khắp nơi trong phủ, vừa cung cấp nguồn nước tưới vừa tạo nên một bức tranh đượm ý họa tình thơ.

Cỏ cây điểm xuyết gác mái đình lầu

Trời vừa trưa, người vãn cảnh thưa thớt khiến Mộc Phủ thêm phần cô tịch

Cây cảnh xinh xắn trong hoa viên

Cây cỏ trong vườn khiến người ta phải đem lòng lưu luyến

Thủy tạ nơi ngồi ngắm liễu rủ bên hồ

Không biết có phải vì mang mệnh Thủy hay không mà tôi luôn đem lòng say sưa cỏ cây hoa lá. Vậy nên đặc biệt để ý những điểm tinh tế trong cách điểm phối cây cảnh và kiến trúc của người xưa. Khung cảnh trong tầm mắt luôn có một nhánh cỏ cây điểm tô cho sắc hồng lam rực rỡ của phủ đệ. Sau khi dạo một vòng quanh hành lang tản bộ, tham quan Nghị Sự Sảnh, Vạn Quyển Lâu và Hộ Pháp Điện, chúng tôi dừng chân nghỉ mệt bên hồ. Cầu đá nhỏ dẫn đến thủy tạ uốn khúc khiến mặt hồ thêm phần sâu lắng. Trên mặt hồ điểm xuyết những đóa súng nhỏ xinh, sắc xảo. Dưới bóng liễu đếm cá yểu điệu uốn lượn trong nước, tôi chợt nhớ đến điển tích “Cá Vui” giữa Trang Tử và Huệ Thi trong Nam Hoa Kinh. Thật ra, đời người là vậy, ấm lạnh bi hoan chỉ mình ta mới tự thấu rõ tận tường. Như khoảnh khắc ngồi đó, có lẽ chỉ riêng tôi mới thấu được nỗi niềm rung động khi nhìn bóng hoa dịch chuyển trên tường. Nhánh liễu theo gió hây hây vuốt ve môi má, dịu dàng như thể lời chào lặng thinh cho cuộc tao ngộ. Thả hồn sơn thủy, như thể lạc bước vào tranh, tôi tìm được niềm vui đậm sâu trong tĩnh lặng. Có vậy mới hiểu được nỗi lòng của Tô Đông Pha khi nói: “ Không việc ngồi lặng ở đây, một ngày tựa hai ngày, nếu sống bảy mươi năm, thì chẳng khác gì trăm bốn mươi năm vậy.”

Sau phút lắng đọng ngỡ dài mà ngắn, tôi tiếp tục thả bước. Nói ra có vẻ thong dong nhưng vì lỡ mang một đôi boot cao gót nên chân đã ngấm mỏi. Hai bạn đồng hành vì quá mỏi nên chọn dừng chân. Tôi quyết định tháo giày, chân trần tiếp tục hành trình đến Ngọc Hoa viên, băng qua tòa gác Quang Bích Lâu hai tầng tám mái để đến một không gian rộng lớn khác của phủ. Phía sau Quang Bích lâu là khoảng sân rộng tọa lạc tòa Ngọc Âm lâu hai tầng 28 mái, nơi tiếp nhận chiếu chỉ từ hoàng đế và thưởng thức ca múa từ sân khấu dựa sát chân núi. Sân khấu dùng để trình diễn hí kịch, xúng xính những đán, sinh, tịnh, hoa, sửu năm đó nay chỉ còn là một bục cao đơn điệu và hoang vắng. Thời gian đã phủ bụi hết thảy phồn hoa xưa cũ mất rồi.

Bước theo đường bậc thang vòng quanh sân sẽ dần lên núi Sư Tử, hai bên đường đầy những cây và đá lạ, khiến tôi cứ vừa bước đi vừa thơ thẩn ngắm nhìn. Con đường được uốn khúc tự nhiên, dựa vào lưng núi, lợi dụng bóng cây và mái hiên giúp người vãn cảnh không phải chịu cảnh dãi nắng dầm mưa. Lên cao nữa là một tòa đình ngắm cảnh nho nhỏ, nằm cheo leo trên vách núi. Tiếp nữa là hành lang đá dẫn sang phía nam, quang cảnh Mộc Phủ và Đại Nghiên trấn bên dưới cứ từ từ rộng mở, tầm nhìn hóa thành toàn cục. Với đôi chân trần, tôi có thể cảm nhận được độ mát lạnh và trơn bóng nhờ gót người mài nhẵn của những tảng đá. Giữa những khe đá, cỏ non mướt mát nhú lên sau mưa, từng mảng xanh um khiến mặt đất thêm sạch sẽ và tràn đầy sức sống. Đứng nơi đây, dưới khí trời se se, ngước đầu là điện Tam Thanh ẩn mình giữa tấm rèm xanh của tùng bách, cúi đầu là cổ trấn Đại Nghiên trập trùng mái ngói rêu phong. Trên có núi xanh u tĩnh, dưới có nhân gian phồn hoa, trăm ngàn năm nay vẫn chưa hề thay đổi. Cảnh quan cố cũ nơi đây đã bớt đi nhiều vẻ tươi thắm, lại thêm vài phần rắn tỏi, ảm đạm được thâm ngấm bởi thời gian tĩnh mịch.

Trên đường ngắm cảnh, không khó để bắt gặp những cô nương cosplay Hán phục, trâm váy lụa là lướt qua, làm tôi cứ ngỡ mình vừa xuyên về cổ đại. Vì đi một mình và không chuẩn bị tripod nên tôi khá chật vật để canh chụp cho mình một bức ảnh. Thật may có một chị du khách người Trung Quốc biết ý, cùng tôi bập bẹ đôi ba câu tiếng Trung đề nghị chụp giùm. Những bức ảnh rất đẹp, tôi cảm ơn rối rít, nhận lại được lời khen phồn hậu từ chị. Vậy mới thấy, trong lòng nhàn tĩnh, biết quý yêu cái đẹp thì tình người ắt sẽ sâu dày, bất kể quốc gia, dân tộc.

Cứ vừa ngắm nghía vừa suy ngẫm như vậy mà trời đổ về chiều lúc nào chẳng hay, phía xa xa, vài hộ gia đình đã vấn vương khói bếp. Không kịp leo lên điện Tam Thanh xem nơi thờ tự ba vị thần tối cao của Đạo giáo, tôi vội theo dòng người trở xuống, tìm lại hai bạn đồng hành. Lưu luyến bỏ lại đôi chút tiếc nơi rừng bách cổ thụ trên đỉnh núi Sư Tử, tự an ủi rằng những lần tạm biệt vội vã như vậy là để trông chờ một lần trở lại trọn vẹn hơn.

Gặp lại hai người bạn đồng hành, sau một buổi rong chơi mệt lả, chúng tôi tạm biệt Mộc Phủ, định bụng ra cổ trấn kiếm một bữa ấm nóng. Tôi nhớ không nhầm thì giá vé vào đây là 40 tệ một vé (tương đương với hơn 120 ngàn đồng tiền Việt Nam). Khi xem review về Lệ Giang cổ trấn, có người nói không cần ghé thăm Mộc phủ vì Lệ Giang đâu đâu cũng đã là cảnh đẹp rồi. Nhưng tôi thấy vô vàn may mắn vì đã không bỏ lỡ nơi đây, vì cơ duyên với nó, cũng vì nét đẹp văn hóa, lịch sử ẩn chứa trong nó. Không muốn ngoái nhìn lần cuối, vì sợ sẽ lại âm ỉ tiếc nuối, lưu một dòng bút ký vội vã rồi rời đi: “Ghé thăm Mộc Phủ trong Lệ Giang cổ trấn. Ngày nắng nhẹ nhàng, người vãn cảnh cũng thong thả. Không hổ danh là Tử Cấm Thành của phương Nam, Mộc Vương Phủ đẹp đẽ và tinh xảo đến từng bờ tường ngóc ngách. Leo lên đài cao nhìn xuống Lệ Giang, mái ngói trập trùng, cây cao vươn bóng. Non nước hữu tình trong những bản nhạc họa tôi mê mẩn thuở bé nay đã rành rành trước mắt. Người nhìn cảm thán, chỉ tiếc thời mau.

10.07.2019


ADVERTISEMENT