share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Cuisine Điều thú vị ẩn sau triết lý ẩm thực của 5 nền văn hoá


ADVERTISEMENT

Không chỉ là nghệ thuật chế biến món ăn, ẩm thực còn là triết lý thâm sâu được hun đúc từ trí tuệ, trải nghiệm sống và văn hoá của cả một quốc gia, dân tộc. Sự kết nối giữa con người với vũ trụ, sự giao thoa giữa truyền thống và đổi mới, tất cả đều được thể hiện tinh tế trong cách lựa chọn nguyên liệu và hương vị. 

Từ đó, dù có sự khác biệt, song triết lý ẩm thực của các nền văn hóa trên thế giới đều hướng con người đến một cuộc sống toàn vẹn thân tâm, thuận hoà với tự nhiên. Hãy cùng WOWWEEKEND khám phá những điều thú vị ẩn sau mỗi triết lý ấy nhé! 

Chế độ ăn Okinawa

Chế độ ăn Okinawa chính là bí quyết giúp nơi đây được xếp vào danh sách “Vùng xanh” - Khu vực có cư dân sống thọ nhất thế giới. Theo đó, hòn đảo phía nam Nhật Bản nổi tiếng với triết lý ẩm thực Hara Hachi Bu - tức ăn đến khi cảm thấy no khoảng 80%. Điều này sẽ giúp kiểm soát tốt lượng calo nạp vào cơ thể và duy trì sự cân bằng dinh dưỡng. 

Chế độ ăn Okinawa độc đáo ở chỗ 90% bữa ăn của họ là thực phẩm nguyên chất từ thực vật như: Khoai lang (chủ yếu là khoai lang tím); rau lá xanh (rau bina, mizuna); rau củ (cà rốt, bí ngô, củ cải daikon); rong biển (mozuku, umibudo); đậu phụ cùng với các gia vị tự nhiên như gừng, nghệ. Đồ uống yêu thích là trà hoa nhài. Ngược lại, cá, thịt, sữa, trứng chiếm chưa đến 1% và thường chỉ dùng trong những dịp đặc biệt.

Ảnh: Unsplash

Với nếp sống tự cung tự cấp, người dân Okinawa cũng ưu tiên nguyên liệu địa phương do chính tay mình trồng để đảm bảo được độ tươi mới và chất lượng thực phẩm. Khi thưởng thức, họ cũng có thói quen ăn uống chậm rãi để thể hiện sự trân trọng với tự nhiên. Chính chế độ ăn này đã góp phần tăng cường sức khỏe não bộ, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và từ đó nuôi dưỡng cuộc sống trường thọ. 

Chế độ ăn Ayurvedic 

Có nguồn gốc từ Ấn Độ, triết lý ẩm thực Ayurvedic dựa vào 3 loại năng lượng cơ bản tồn tại trong con người (dosha) để phân định chế độ ăn uống tương thích với thể trạng từng cá nhân, bao gồm: Gió (Vata), Lửa (Pitta) và Đất (Kapha). Chú trọng việc sử dụng thực phẩm toàn phần, phương pháp này sẽ giúp người ăn cải thiện hệ tiêu hoá và tăng cường miễn dịch.

Tính cá nhân hoá của chế độ Ayurvedic thể hiện ở việc khuyến khích người có năng lượng Gió nên ưu tiên thực phẩm ấm và dễ tiêu như súp, cháo hay các loại hạt; người mang năng lượng Lửa lại cần thực phẩm mát, dịu như rau xanh, dưa chuột; người sở hữu năng lượng Đất thì phù hợp với thực phẩm nhẹ, khô và cay như ớt, đậu lăng để kích thích năng lượng.

Ảnh: Shutterstock

Ngoài ra, chế độ Ayurvedic cũng xem các loại gia vị như nghệ, gừng, quế là “dược phẩm” vì chúng có tác dụng chống viêm và điều hòa lượng đường trong máu. Đặc biệt, triết lý cổ truyền của Ấn Độ cũng khuyên người ăn nên tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có cồn ở mức vừa phải để bảo toàn năng lượng trong cơ thể. Như vậy, chế độ Ayurvedic không chỉ mang lại lợi ích về sức khỏe thể chất mà còn góp phần nuôi dưỡng sự cân bằng trong tâm trí. 

Chế độ ăn Hansik

Chế độ ăn Hansik nhấn mạnh vào sự tương thích của 5 yếu tố ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ) với 5 màu sắc (trắng, xanh, đen, đỏ, vàng) và 5 hương vị (mặn, chua, đắng, cay, ngọt) trong món ăn. Các yếu tố này cộng hưởng với nhau để tạo ra một tổng thể hấp dẫn và bổ dưỡng, phản ánh sự tinh tế trong văn hoá ẩm thực của xứ sở kim chi.

Ngoài ra, chế độ Hansik cũng đề cao tầm quan trọng của thực phẩm lên men, chẳng hạn như kim chi, tương đậu nành. Những nguyên liệu này sẽ góp phần cải thiện đáng kể sức khỏe đường ruột. Món ăn đi kèm thường bao gồm các loại rau củ quả theo mùa như bí ngòi, cà rốt, cải bó xôi.
 

Ảnh: Hansik Goo

Ngoài ra, triết lý ẩm thực này khuyến khích sử dụng các gia vị tự nhiên (tỏi, gừng, ớt, dầu mè) để chống lại chứng viêm và tăng cường miễn dịch. Khẩu phần thịt nạc, hải sản nên tiêu thụ một cách vừa phải. Nhờ sự thanh tao trong từng thành phần làm nên món ăn, chế độ Hansik không những kích thích vị giác mà còn có tác dụng chữa lành cho tâm trí con người.

Chế độ ăn Trung Hoa

Gắn liền với bề dày lịch sử hàng nghìn năm tuổi, ẩm thực Trung Hoa có sự dung hợp với nguyên lý âm dương ngũ hành và y học cổ truyền. Nơi đây xem thực phẩm không chỉ là nguồn dinh dưỡng đơn thuần mà còn là “liều thuốc” duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. 

Cụ thể, người Trung Hoa dựa vào đặc tính riêng của mỗi loại thực phẩm (nóng, lạnh, ấm, mát) để điều hoà cơ thể, 2 yếu tố âm dương không xung khắc mà bổ trợ cho nhau để giữ trạng thái cân bằng. Chẳng hạn, người mắc chứng bệnh thuộc “dương” (khô miệng, da nổi mụn, mạch nhanh) nên bổ sung những loại thực phẩm tính “âm” như lê, dưa hấu, dưa chuột, đậu xanh để giải nhiệt, làm mát cơ thể. Ngược lại, người mang chứng bệnh liên quan đến “âm” (lạnh bụng, tiêu hoá kém) nên dùng thực phẩm thiên về “dương” như trứng, thịt gà, nhân sâm, táo tàu để kích thích khí huyết, tăng cường sức mạnh thể chất.
 

Ảnh: Maling Shaolin Kung Fu Academy China

Có thể thấy, triết lý ẩm thực Trung Hoa phản ánh rõ rệt tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất” - tức sự sinh tồn và phát triển của con người phải giao hoà với thế giới tự nhiên. Căn cứ vào 4 mùa xuân, hạ, thu, đông và các thời khắc trong ngày mà sẽ có từng món ăn khác nhau. Phương thức nấu nướng cũng được lựa chọn dựa vào tình hình thời tiết để cho ra giá trị dinh dưỡng bền vững. Như vậy, triết lý ẩm thực Trung Hoa đích thực là “chìa khoá” của một cuộc sống trọn vẹn cả về thân - tâm - trí.

Chế độ ăn Bắc Âu 

Lấy cảm hứng từ lối sống của các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, Iceland, chế độ ăn này tôn vinh sự hoà hợp với thiên nhiên và ưu tiên lựa chọn nguyên liệu bản địa để giảm lượng khí thải carbon ra môi trường. Những nguyên liệu trong triết lý ẩm thực Bắc Âu không chỉ thể hiện sự phong phú mà còn có tính bền vững:

  • Cá và hải sản: Những loại cá giàu Omega 3 như cá trích, cá hồi, cá thu là trụ cột trong chế độ này. Người Bắc Âu sẽ chế biến bằng cách hấp, nướng hoặc ăn sống để giữ nguyên giá trị dinh dưỡng. 
  • Ngũ cốc nguyên cám: Lúa mạch đen, yến mạch, lúa mì nguyên cám cung cấp nguồn chất xơ dồi dào. 
  • Rau củ: khoai tây, củ cải, cà rốt, bắp cải. 
  • Quả mọng: “Lăng xê” những loại trái cây giàu chất chống oxy hoá như việt quất, mâm xôi, dâu tây…

Ảnh: Freepik

Ngoài ra, sữa ít béo, phô mai được khuyến khích sử dụng ở mức vừa phải và hạn chế ăn thịt. Người Bắc Âu cũng ít khi dùng thức uống chứa nhiều caffein, thay vào đó, họ ưu tiên thưởng thức những loại trà chế biến từ thảo mộc như trà hoa cúc, trà xanh.

Bên cạnh đó, chế độ ăn Bắc Âu cũng đề cao tính sáng tạo trong sự đơn giản. Ví dụ, món smørrebrød (bánh mì mở Đan Mạch) là sự kết hợp tinh tế giữa bánh mì lúa mạch đen với cá hun khói và chút rau củ muối sẽ tạo nên thành phẩm vừa đẹp mắt, vừa giàu dinh dưỡng. Như vậy, chế độ ăn Bắc Âu cũng là xu hướng ẩm thực lý tưởng mà chúng ta có thể theo đuổi.   


>>Xem thêm: 4 món bún trứ danh in đậm bản sắc Huế


ADVERTISEMENT