Cuisine Nhà hàng fine dining: “Thỏi nam châm” hút du khách đến Việt Nam
Nổi tiếng với ẩm thực đường phố bình dân nhưng Việt Nam đang ngày càng được nhiều du khách để mắt đến như một điểm hẹn lý tưởng cho những trải nghiệm ẩm thực sang trọng hấp dẫn không kém.
Du lịch ẩm thực trở thành xu hướng
Theo báo cáo "The State of Tourism & Hospitality 2024" của McKinsey, du lịch xa xỉ đang giàu tiềm năng phát triển với tốc độ vượt trội so với các phân khúc khác nhờ sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người giàu những năm gần đây. Trong đó, lớp người trẻ sở hữu khối tài sản lớn cũng sẵn sàng chi tiêu một phần đáng kể gia sản cá nhân cho những trải nghiệm du lịch cao cấp.
Số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đều tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là từ các quốc gia Đông Bắc Á như Trung Quốc (tăng 157,7%), Hàn Quốc (tăng 32,4%) và Nhật Bản (tăng 32%) so với cùng kỳ năm ngoái. Australia (tăng 25%) và Ấn Độ (26%) cũng là những thị trường tiềm năng với mức tăng trưởng lạc quan. Chính sách thị thực thông thoáng của Việt Nam thời gian gần đây cũng góp phần thúc đẩy lượng du khách châu Âu trong 8 tháng đầu năm (tăng 42,7%), bao gồm nhóm khách đến từ Nga (tăng 80,4%), Italia (tăng 64%), Tây Ban Nha (tăng+34,7%) và Ba Lan (tăng 43,5), Pháp (tăng 30,1%),...
Tầm vị là một trong 3 nhà hàng một sao Michelin tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Tầm Vị
Theo ước tính của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (World Travel & Tourism Council - WTTC), du lịch Việt Nam dự kiến đóng góp đến 31 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia. Trong đó, nhóm du khách nội địa có thể chi tiêu xấp xỉ 17 tỷ USD trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng tích cực và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Cụ thể, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam dự kiến tăng từ 13% (khoảng 13 triệu người) vào năm 2023 lên 26% dân số vào năm 2026 - một thị trường đầy tiềm năng cho những trải nghiệm cao cấp, đặc biệt là ẩm thực. Theo ước tính của Hiệp hội Du lịch ẩm thực thế giới (World Food Tourism Association - WFTA), có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương và sẵn sàng chi tiêu trung bình 25 - 35% ngân sách du lịch cho trải nghiệm ẩm thực suốt hành trình.
Một món ăn tại nhà hàng "sao Xanh Michelin" Nén Restaurant được chế biến từ củ chuối - thành phần thường bị lãng quên của cây chuối. Ảnh: Nén Restaurant
Đón đầu làn sóng này, Abercrombie & Kent (A&K), công ty chuyên cung cấp dịch vụ du lịch xa xỉ, đã dành sự ưu ái đặc biệt cho Việt Nam khi lựa chọn dải đất hình chữ S là điểm đến đầu tiên “mở bát" các tour trải nghiệm ẩm thực do A&K tổ chức. Các hành trình khám phá nền ẩm thực Việt Nam sẽ khởi động từ năm 2025, tiếp nối theo sau là những quốc gia có nền ẩm thực bản địa nổi tiếng khác như Italy, Pháp, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong các hành trình của A&K, du khách sẽ khám phá các phương pháp chế biến nguyên liệu địa phương, khám phá vai trò của ẩm thực trong nền văn hóa cũng như các cơ hội gặp gỡ và dùng bữa cùng với các đại diện bản địa.
Việt Nam: Điểm hẹn mới trên bản đồ ẩm thực fine dining thế giới
Sự hiện diện chính thức của Michelin Guide tại Việt Nam trong hai năm qua đã tạo ra lực hút mạnh mẽ với du khách đến thưởng thức không chỉ ẩm thực đường phố, những món ăn truyền thống nổi tiếng từ lâu, mà còn cả trải nghiệm mới mẻ và cao cấp ở những nhà hàng sao Michelin như Gia, Tầm Vị hay Anan Saigon. Bếp trưởng Peter Cuong Franklin nhà hàng Anan Saigon từng chia sẻ, du khách giờ đây có thể thưởng thức bánh mì đường phố giá 1 USD và cả phiên bản cao cấp của món ăn quốc dân này tại nhà hàng của ông với giá 100 USD.
Anan Saigon của Bếp trưởng Peter Cường Franklin là nhà hàng duy nhất tại Việt Nam nằm trong Trong danh sách 50 Nhà hàng tốt nhất châu Á. Ảnh: Anan Saigon
Fine dining ở Việt Nam đắt đỏ là vậy. Song ngay cả ở những nhà hàng có thực đơn xa xỉ như Akuna hay Anan Saigon, trải nghiệm ẩm thực cao cấp ở Việt Nam vẫn là “món hời" khi đặt lên bàn cân so sánh với các quốc gia khác, nhờ lợi thế về chi phí bản địa được duy trì ở mức thấp. Các nhà hàng một sao như Le Pavillon (New York, Mỹ) cũng có giá gấp đôi Anan Saigon. Chef Hoàng Tùng của TUNG Dining chia sẻ: “Để thưởng thức một bữa ăn trong suốt 3 tiếng đồng hồ với rất nhiều nguyên liệu cao cấp, sự sáng tạo và dịch vụ, chất lượng tương đương như vậy với mức giá tại T.U.N.G Dining hiện nay, ở các quốc gia láng giềng hay châu Âu là điều gần như không thể.”
Ngoài nhu cầu thưởng thức cá nhân, các nhà hàng cao cấp trong danh sách Michelin Guide tại Việt Nam cũng là điểm hẹn xứng tầm để gia chủ yên tâm đãi khách quý hay đối tác kinh doanh với chất lượng trải nghiệm đã được kiểm chứng bởi cuốn cẩm nang quyền lực trong thế giới ẩm thực cao cấp.
Nhà hàng fine dining: "thỏi nam châm" thu hút lớp du khách cao cấp ưa trải nghiệm
“Năm 2018, khi tôi mới về Việt Nam, rất nhiều thực khách Việt nghĩ rằng nhà hàng cao cấp phải toạ lạc ở các khách sạn 5 sao lung linh và lấp lánh,” Bếp trưởng Hoàng Tùng hồi tưởng. “Nhiều người không tin tưởng vào ý tưởng này. Thậm chí họ đã hỏi tôi tại sao lại mở nhà hàng fine dining ở Việt Nam, cụ thể hơn là ở Hà Nội”. Hơn nửa thập kỷ sau đó, Thủ đô Việt Nam đã có 3 nhà hàng một sao Michelin (Tầm Vị, Gia và Hibana By Koki), 5 nhà hàng Michelin Selected và 18 nhà hàng Bib Gourmand năm 2024.
Những món ăn mang hồn Việt tại Gia Restaurant. Ảnh: Gia Restaurant
Nếu đến Gia Restaurant vào những ngày này, khi thưởng thức món cơm trong thực đơn “Rừng Vàng Biển Bạc”, thực khách sẽ cảm nhận “hạt cơm thoảng hương thơm thanh khiết từ hoa sen Bách Diệp - loại hoa trăm cánh quý báu chỉ vẹn cả sắc lẫn hương khi được nuôi dưỡng bởi nước Hồ Tây,” theo mô tả của Gia Restaurant. “Cơm ăn kèm heo bản Tây Bắc. Thớ thịt mọng nước và giòn khẽ, thầm lặng mang về xuôi một sức sống đặc trưng nơi núi rừng sương gió. Và vì thế, mềm ngọt tự nhiên như khí rừng trong vắt”.
“Với sự phát triển của fine dining ở Việt Nam, giờ đây các thực khách Việt đã cởi mở và hiểu hơn rất nhiều về ẩm thực cao cấp, các cách tiếp cận hay phong cách khác nhau trong fine dining,” Bếp trưởng Hoàng Tùng cho biết. Song song với sự "nâng cấp" về gu trải nghiệm của thực khách, số lượng nhà hàng lọt vào danh sách tôn vinh của Michelin Guide cũng mở rộng đáng kể so với năm đầu tiên công bố tại Việt Nam, trải khắp ba miền Bắc - Trung - Nam.
Bếp trưởng huyền thoại Christian Le Squer hứa hẹn sẽ mang đến trải nghiệm ẩm thực hấp dẫn tại nhà hàng đầu tiên ở Đà Nẵng sở hữu sao Michelin. Ảnh: La Maison 1888
Đến với dải đất miền Trung, du khách giờ đây sẽ lưu tâm nhiều hơn đến "thánh địa ẩm thực Pháp" La Maison 1888. Nhà hàng đầu tiên ở Đà Nẵng sở hữu sao Michelin vừa chào đón vị bếp trưởng huyền thoại Christian Le Squer, người sẽ mang đến hành trình ẩm thực phong cách “haute couture" độc đáo. Cách đó vài giờ di chuyển về phía Nam, Nén Restaurants cũng hứa hẹn những ẩm thực bền vững kỳ thú đã giúp nhà hàng giành Ngôi sao xanh Michelin đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam trong năm 2024.
Món Nhím Rừng Nướng tại nhà hàng Akuna. Ảnh: Akuna
Bức tranh ẩm thực cao cấp của Thành phố Hồ Chí Minh từ lâu đã sôi động, nay càng thêm hấp dẫn các thực khách tìm kiếm trải nghiệm cao cấp được Michelin Guide đề xuất. Những “gương mặt mới" như nhà hàng Akuna hấp dẫn thực khách bằng những sáng tạo nguyên bản từ Bếp trưởng Sam Aisbett, lấy cảm hứng từ đời sống năng động của đường phố Sài Thành và bức tranh văn hóa phong phú tại Việt Nam. Tiêu biểu như món Nhím Rừng Nướng với nguyên liệu chính có nguồn gốc từ trang trại Đồng Nai, được nướng cùng bơ béo ngậy, rưới sốt làm từ giấm hoa trà xanh, rượu vang đỏ và thảo mộc, cùng kem củ cải trắng và đậu Hà Lan bọc đường trong quả phật thủ, tô điểm bằng nghêu Hokkigai xiên trên gai nhím, phảng phất hương khói gỗ sồi. Ngoài Akuna, thực khách còn vô vàn lựa chọn trong số 3 nhà hàng sao Michelin, 16 nhà hàng Michelin Selected và 24 nhà hàng Bib Gourmand khi đến với “Hòn ngọc Viễn Đông" trong năm 2024.
Tiềm năng rộng mở
Với số lượng 7 nhà hàng đạt sao Michelin tính đến năm 2024, ẩm thực fine dining tại Việt Nam vẫn còn vô cùng “hoang sơ" so với các quốc gia châu Á lân cận. Nước láng giềng Thái Lan đã có 35 nhà hàng sao Michelin trong khi Singapore đã có hơn 50 nhà hàng. Trong danh sách 50 Nhà hàng tốt nhất châu Á, Anan Saigon do đầu bếp gốc Việt Peter Cường Franklin điều hành là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện.
Bếp trưởng Hoàng Tùng và dấu ấn mỹ vị của TUNG Dining. Ảnh: TUNG Dining.
Tuy nhiên, nền ẩm thực Việt Nam đang bắt nhịp nhanh chóng chóng với thế giới nhờ thế hệ bếp trưởng bản địa tài năng. TUNG Dining chỉ sau 3 năm hoạt động đã được World’s 50 Best bình chọn là 1 trong 100 nhà hàng tốt nhất châu Á vào năm 2021. Trong lễ trao giải Michelin Guide 2024 vừa qua, Bếp trưởng Nhật Duy được vinh danh tại hạng mục “Đầu bếp trẻ xuất sắc” (Young Chef Award) ở tuổi 26. Duy đã xô đổ kỷ lục tuổi tác của Solemann Haddad, bếp trưởng 30 tuổi của nhà hàng Moonrise, Dubai, để trở thành đầu bếp trẻ nhất từng được vinh danh ở hạng mục ra đời từ năm 2020 này. Nhà hàng Little Bear do Nhật Duy đồng sáng lập cùng những người bạn cũng lọt vào danh sách Michelin Selected 2024 tại Việt Nam dù chỉ mới được thành lập vào cuối năm 2023.
Tiềm năng của nền ẩm thực Việt Nam cũng thu hút các bếp trưởng quốc tế đến khẳng định tài năng, như cách Sam Aisbett với Akuna đã góp thêm sắc màu cho bức tranh ẩm thực tại Sài Thành. Trong tháng 11/2024, đô thị này cũng chào đón sự xuất hiện của nhà hàng mới The Albion tại tầng 23 của khách sạn Hôtel des Arts Saigon, với thực đơn món Anh quốc đương đại mang dấu ấn Bếp trưởng Kirk Westaway, người sở hữu nổi tiếng với tầm nhìn "Tái tạo ẩm thực Anh" và sở hữu hai sao Michelin tại Jaan by Kirk Westaway ở Singapore.
Bếp trưởng sao Michelin Kirk Westaway sẽ tạo nên nhiều bất ngờ thú vị với ẩm thực Anh quốc đương đại tại The Albion. Ảnh: Hôtel des Arts Saigon
Các bếp trưởng không chỉ khẳng định dấu ấn riêng qua các món ăn tại nhà hàng mà còn đồng thời chuẩn bị cho thế hệ kế cận - những phụ tá của họ rồi mai đây sẽ mở nhà hàng, tiếp nối hành trình sáng tạo của thế hệ đi trước, và bức tranh ẩm thực cao cấp tại Việt Nam cũng từng bước chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn theo thời gian. “Có những bạn nhân viên hay bếp trưởng đang làm việc tại nhà hàng nổi tiếng tại Việt Nam xuất thân từ căn bếp chưa đầy 10m2 tại T.U.N.G Dining,” Bếp trưởng Hoàng Tùng chia sẻ với WOWWEEKEND. “Đây là một điều tôi rất đáng tự hào khi chứng kiến các thế hệ đầu bếp trẻ trưởng thành từ chính nhà hàng của mình”.
>>Xem thêm: Bắt nhịp xu hướng ẩm thực cao cấp tại Việt Nam năm 2024