Cuisine Gói một sớm Hà Nội trong những thức quà sớm
Tôi vẫn hay đùa rằng Hà Nội là một người già ''tuổi teen''. Bởi vì so với Sài Gòn còn đang trẻ, Hà Nội đã mấy nghìn năm văn hiến với biết bao truyền thống văn hóa lâu đời truyền từ đời này sang đời khác. Cho dù người ta sẽ nhắc đến lịch sử, đến nghệ thuật thì tôi lại nhìn thấy một nét khác trong cái chất Hà Nội - ''chất'' thức quà sáng - nét ẩm thực quy tụ bao nhiêu tinh tế của chốn kinh kỳ xa xưa.
Gói Hà Nội trong những ổ bánh mì
Bánh mì Việt Nam nói vậy mà cũng có nhiều kiểu. Khác với ''người em'' vỏ cứng Sài Gòn, ''người chị'' nhỏ dài Đà Nẵng và ''cô siêu mẫu'' Hải Phòng, bánh mì Hà Nội mang một lớp vỏ vừa phải, bên ngoài luôn được nướng nóng giòn, nhưng bên trong mềm, dẻo, ấm và đầy một mùi thơm đặc trưng.
Bánh mì để ta tìm về một di sản văn hóa truyền thống của đất nước, một chiếc bánh nhỏ bé nhưng đầy đặn thịt, pate, chả, trứng, dưa chuột, rau mùi rưới thêm nước sốt. Chiếc bánh mì quả thật ''nhỏ nhưng có võ''. Bên cạnh những nét truyền thống, bánh mì hiện đại cũng đã được bổ sung với bánh mì bò viên phô mai, bánh mì thịt áp chảo hay bánh mì cá ngừ. Tất cả đều làm đa dạng thêm nét bánh mì nơi nghìn năm văn hiến.
Gói Hà Nội trong những bát cháo
Cháo không phải một món ăn quá nổi tiếng, nó bình dị nhẹ nhàng thôi nhưng lại là món ăn mà đi đâu mà tôi cũng tìm kiếm, mà chẳng có nơi nào được như cháo sườn sụn của Hà Nội. Nó mang một hương vị riêng mà chẳng có nơi nào bắt chước.
Khác với những món cháo thông thường, cháo sườn sụn thường được xay gạo ra từ trước, ăn mịn mà đậm đà. Sườn non được tẩm ướp, ninh nhừ, ăn với chao tơi tơi trong miệng. Điều đặc biệt là quẩy giòn, thêm cùng một chút ruốc. Thật kỳ lạ là chỉ một chút những món đơn giản vậy thôi, mà làm nên một món ăn ''ăn một lần mà nhớ cả đời''.
Gói Hà Nội trong những bát phở, tô bún
Đôi khi người Hà Nội thèm ăn một bát phở giữa ngày đông. Để cái nóng hổi ấy xua tan bớt phần nào cái lạnh giá buốt. Xì xụp húp nước dùng ngòn ngọt, trong cái hơi thở lành lạnh, ta thấy điều gì đó như đang chuyển mình, ở sâu trong lòng, một thứ gì đó ấm áp mà mê mẩn. Có những quán phở ở Hà Nội lâu lắm rồi, lâu như gắn bó với cả một đời người nào đó.
Phở bò miền Bắc dù có nhiều loại, nhưng nguyên gốc Hà Nội là nước dùng trong veo, miếng thịt bò tươi hồng, mềm mịn, đầy đặn ăn cùng quẩy giòn tan. Phở Hà Nội thơm phức, béo ngậy, ăn nhớ mãi.
Bên cạnh Phở, còn một món ăn cho người ta thấy được một sự rất tinh tế của người Hà Nội - bún thang, một thứ bún rất ''Hà Nội''. Để làm được một bát bún thang là rất nhiều công phu và tâm huyết, đòi hỏi sự khéo léo của cả người làm. Nguyên liệu sẽ bao gồm: lườn gà xé nhỏ, trứng tráng mỏng, giò lụa thái sợi rải đều lên bát bún trắng, sợi nhỏ, mềm. Nước dùng phải được ninh từ tôm he, xương gà. Bún thang ăn đúng điệu, người ta ăn kèm với giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu và không thể thiếu được chút mắm tôm.
Và một món ăn chẳng thể nào thiếu khi nhắc đến phở bún Hà Nội, một món ăn từng gắn bó với tuổi thơ của bao người dân Hà Thành - bún dọc mùng. Không nhà hàng sang trọng, không khách sạn cầu kỳ, bún dọc mùng tìm thấy trong những quán vỉa hè, lẩn khuất trong những con ngõ nhỏ. Tô bún giản đơn chỉ gồm dọc mùng, chân giò song vì được chế biến kỹ nên phải giữ được vẻ tự nhiên thơm ngon hấp dẫn.
Gói Hà Nội trong những gói xôi xéo
Sài Gòn nổi tiếng với xôi mặn, xôi ngọt, hay Huế thì có xôi thịt hon,..thì Hà Nội cũng có một món xôi đặc trưng chẳng đổi từ bao đời: Xôi xéo. Nơi nào cũng có xôi xéo, nhưng không phải nơi nào cũng đưa nó thành một thức quà phổ biến, quen thuộc, ai cũng biết như Hà Nội. Và có rất nhiều người đi xa từng nói với tôi rằng ''Thèm một gói xôi xéo ăn sáng như xưa, vì chẳng có nơi nào đậu từ xôi ngon như Hà Nội''.
Xôi xéo làm rất đơn giản, không cầu kỳ. Thậm chí chỗ bán thường chỉ có vài mét vuông và chiếc ghế nhỏ, thùng xôi, lá chuối mà cũng đủ để đông đến nghìn nghịt. Mình thường rất ấn tượng với những cô bán hàng trên hè phố ấy. Cô xới xôi, thái đậu thành những lát mỏng để lên trên, rắc hành rồi rưới đều nước mỡ gà nhanh thoăn thoắt, chẳng mấy chốc đã có gói xôi thơm phưng phức béo ngậy nằm trên tay rồi.
Gói Hà Nội trong những quán trà đá vỉa hè
Trà đá, một phần văn hóa đường phố không thể thiếu của vùng đất kinh kỳ, làm nên những hình ảnh chẳng thể thiếu ở nơi này. Sau những món ăn sáng, họ thường sang quán trà đá vỉa hè, ngồi nói chuyện dăm ba câu trước khi bước vào một ngày làm việc mới. Người Hà Nội từ nhỏ đến lớn lên đã nhìn thấy những quán trà đá bên mình. Họ yêu nó đến mức kể cả chìm trong cái rét căm căm đặc trưng, họ vẫn uống. Có ra Hà Nội chơi đúng ngày rét ấy, co ro trong chiếc áo khoác dày cộp chẳng quen, vẫn thấy người Hà Nội gọi trà đá uống ngon lành. Cái gọi là sở thích thì cũng chẳng có lí do nào để giải thích. Vì yêu đôi khi đơn giản chỉ là yêu thôi.
Yêu Hà Nội qua từng lối nhỏ ta đi, nhưng ta cũng yêu Hà Nội, vì những thức quà sáng ủ ấm trái tim ta qua mùa đông giá lạnh.