share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

The Art Corner Hà Nội trong mùa hè chiều thẳng đứng


ADVERTISEMENT

“… Sầu thôi xuống đầy

Làm sao em nhớ

Mưa ngoài song bay…”

Mùa Giáng sinh 1994, Trần Anh Hùng tới Hà Nội thực hiện dự án điện ảnh Xích lô – bộ phim sau này giành nhiều giải thưởng quốc tế, đánh dấu tên tuổi vị đạo diễn tài năng người Pháp gốc Việt này. Mà rồi, hình như cái tài của Hà Nội là để thương để nhớ cho người. Sau lần thăm Hà Nội ấy, Trần Anh Hùng lại bắt cảm hứng để thực hiện dự án phim khác, kể về một Hà Nội rất… Hà Nội, nhưng nhuốm những sắc màu lạ qua lăng kính của riêng tác giả. Mùa hè chiều thẳng đứng (The Vertical Ray of The Sun) đã ra đời như thế.

Mùa hè chiều thẳng đứng ấn tượng ngay từ tên gọi. Thoạt nghe, chẳng mấy ai đoán được phim sẽ kể câu chuyện gì. Trần Anh Hùng nói, anh có sở thích đặt những cái tên thật lạ, thật mơ hồ cho các tác phẩm của mình; người xem vì thế thấy tò mò mà muốn khám phá tác phẩm. Ví dụ, một phim nổi tiếng khác của Trần Anh Hùng là Mùa đu đủ xanh cũng có tên chẳng liên quan đến nội dung như vậy. Phim kể về cuộc đời từ thơ ấu tới trưởng thành của một phụ nữ tên Mùi; ngoài một phân cảnh nhỏ nhân vật chính học làm món nộm đu đủ, không có chi tiết nào liên quan trực tiếp hay giải thích ý nghĩa của tên gọi. Nhưng có lẽ cũng chẳng mấy ai phàn nàn về chuyện “tên một đằng, phim một nẻo” của Trần Anh Hùng nữa, bởi họ đã bị dẫn dụ vào thế giới nghệ thuật mê mị, được đẽo gọt tới hoàn mỹ của anh mất rồi. Đối với Mùa hè chiều thẳng đứng, khi ánh nắng mặt trời chiếu một góc thẳng đứng với Trái Đất là mùa hè tới. Ấy cũng là khi mọi cái đẹp, cái xấu, cái hay dở của chốn phố thị Hà thành đều hiện lên rõ ràng dưới ánh nắng hạ oi ả. Cái tên chỉ cắt một lát nhỏ vào nội dung chính của phim; bản thân phim cũng chỉ cắt một lát nhỏ vào bức tranh cuộc đời. Nhưng cái lát cắt ấy thường rất sâu, rất ngọt, hiếm ai quên được. Cái tài của đạo diễn là ở đó.

Lại lạm bàn về cái tài của đạo diễn. Trần Anh Hùng, đối với riêng người Việt, có thể coi như một Thạch Lam của điện ảnh. Những câu chuyện trong phim của ông thường không đầu không cuối, “truyện không có chuyện”, lãng đãng tựa áng thơ bay. Người xem phim đôi khi có cảm giác đang tản bước trong một bảo tàng mỹ thuật; thảng hoặc họ dừng lại, ngắm nghía cho đã mắt những tuyệt phẩm thị giác được dựng nên kì công trau truốt, đẹp đến mê hồn. Mùa hè chiều thẳng đứng là một tác phẩm điện ảnh đẹp trên mọi phương diện là vì thế. Phim kể về cuộc sống bình dị của ba chị em gái trong một gia đình Hà Nội vừa truyền thống vừa hiện đại. Họ sống giữa khu phố cổ, nơi vốn được xem là cái nôi của văn hóa Tràng An. Cô Sương, chị cả, lấy chồng là một nhà thực vật học thường xuyên công tác xa nhà. Người chị hai, Khanh, có vẻ hạnh phúc nhất, lúc nào cũng quấn quít bên anh chồng nhà văn hào hoa lịch lãm. Cô Liên em út mới ngoài hai mươi, thường phụ chị cả bán hàng ở nhà. Cô rất hay tán tỉnh anh chàng hàng xóm khách quen và tỏ ra là một cô gái dạn dĩ, dù kì thực còn rất ngây thơ trong chuyện tình cảm. Sống cùng anh trai tên Hải, Liên có những cảm xúc lãng mạn trên mức ruột thịt với anh trai mình; hai anh em họ thường bị mọi người tưởng nhầm là một cặp vợ chồng. Ngày giỗ Mẹ, khi cả bốn chị em và hai chàng rể cùng tụ họp lại làm mâm cơm cúng -phụ nữ lúi húi dưới bếp nấu ăn; đàn ông ngồi uống trà, đàm đạo. Buổi tối, khách đến chật cứng căn nhà, tiếng nói chuyện lao xao. Ba chị em nằm tựa vào nhau mà trò chuyện về mối tình của các cụ hồi trước. Khung cảnh yên ấm qua đi, những rắc rối trong cuộc sống riêng của từng người dần được lột tả. Hà Nội dường như còn giấu diếm những nỗi lòng thầm kín, trong một mùa hạ xáo động hơn nhiều vẻ ngoài an bình của nó.

Hà Nội hiện lên trong Mùa hè chiều thẳng đứng vừa quen vừa lạ. Ai đã nghe đến mòn tai rằng Hà Nội đẹp, đến khi xem phim của Trần Anh Hùng vẫn sẽ phải thảng thốt “Là Hà Nội đấy ư?”. Con mắt nghệ thuật cùng tâm hồn của một người con Việt mang dòng máu Pháp đã giúp Trần Anh Hùng nhìn ra những cái đẹp dung dị ở xứ này, mà người bản xứ như ta vẫn bỏ qua hàng ngày. Là con gà vàng luộc vàng ươm trên đĩa. Là những khóm hoa dập dìu bên dưới ban công nhà. Là một căn hộ nhỏ bé nào đó trong những không gian phố cổ chật hẹp, có hai anh em đang dìu nhau nhảy điệu valse chậm. Là ba chị em gái thả suối tóc đen tuyền gội đầu trong sân. Và mưa, rơi tí tách qua hàng hiên nhà. Hai anh em nắm tay nhau rảo bước thật nhanh qua những dãy bán cá vàng, rực rỡ như những đốm lửa. Bài hát “Cuối cùng cho một tình yêu” của Trịnh Công Sơn vang lên trong mọi ngõ ngách của câu chuyện, vương vấn hệt như một chuyện tình không bao giờ muốn có hồi kết:

“Ừ thôi em về

Chiều mưa giông tới

Bây giờ anh vui

Hai bàn tay đói…

Bây giờ anh vui

Hai bàn tay mỏi

Thời gian nơi đây

Bây giờ anh vui

Một linh hồn rỗi

Tình yêu xứ này…”

 

***

 

Khó có thể nói Mùa hè chiều thẳng đứng là một cái nhìn hoàn toàn chân thực về Hà Nội. Người ta xem mà thấy nơi đây là lạ, có mình trong đó mà sao cũng chẳng phải mình. Đây cũng không phải một tác phẩm điện ảnh hoàn hảo. Lời thoại thực ra khá gượng, có lẽ do đạo diễn là người nước ngoài; và vợ anh, nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê trong vai cô em út Liên cũng không thể chuyển tải lời thoại một cách tự nhiên được. Tiết tấu phim hơi chậm, cùng với tính chất “truyện mà không có chuyện”, khiến phim trở nên kén người xem hơn hẳn. Nhưng ngay cả với những điểm khuyết đó, Mùa hè chiều thẳng đứng vẫn là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp cả về nội dung lẫn hình ảnh. Người yêu phim hay yêu Hà Nội hẳn không thể nào bỏ qua một phim như thế này. Họ có thể đánh giá, rằng cái nhìn của Trần Anh Hùng quá lãng mạn, hoặc những nhân vật của anh chẳng giống những người họ gặp xung quanh chút nào. Nhưng thật ra chúng ta cũng chẳng mấy khi biết được mọi tâm sự thầm kín của nhau. Những nhân vật này, họ cũng có thể là thật lắm chứ. Nào ai biết được trong cái thị thành xô bồ kia, giữa phố cổ đan xen u tịch và bát nháo, cổ xưa và hiện đại, đâu mới thực là Hà Nội ta hằng tìm kiếm?


ADVERTISEMENT