share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

W Coffee Talk Nghe Đức Huy kể chuyện sưu tầm cổ vật


ADVERTISEMENT

Từ niềm yêu thích những đồng xu hay tiền Việt Nam các thời kỳ, việc sưu tầm đồ cổ bây giờ đã trở thành đam mê “ăn sâu trong máu” của Nguyễn Đức Huy. Ở tuổi 22, chàng trai đã có hơn một thập kỷ sưu tầm, đấu xảo cổ vật cùng nhiều bài nghiên cứu về di sản mỹ thuật Việt Nam. 

Nguyen-duc-huy-nguoi-tre-suu-tam-co-vat-viet-namĐức Huy - chàng trai trẻ có niềm đam mê sưu tầm cổ vật.

Trong giới này, thật hiếm để bắt gặp một người trẻ như Đức Huy. Gìn giữ những giá trị truyền thống, phát huy nét đẹp của di sản Việt là hoài bão lớn nhất để anh bạn lựa chọn và hết mình theo đuổi.

WWK: Đồ cổ gần đây nhất Đức Huy sưu tầm là?

Mình vừa có được một chiếc quạt lông công với những hoa văn, hình vẽ bằng sơn dầu. Nhưng vì qua một thời gian khá lâu nên nhiều chỗ bị bong tróc, mình đang cố gắng dặm lại màu.

Nguyen-duc-huy-nguoi-tre-suu-tam-co-vat-viet-nam

WWK: Với nhiều người trẻ, đồ cổ cũ kỹ đến tẻ nhạt, Đức Huy đã bị nó “hớp hồn” bởi điều gì?

Đối với mình, đồ cổ chưa bao giờ nhàm chán. Nó luôn thú vị bởi những câu chuyện, nguồn gốc, chất liệu hay giá trị đằng sau. Niềm yêu thích này một phần cũng xuất phát từ gia đình. Ông cố mình hồi đó có kinh doanh hiệu cầm đồ, vậy nên ngay từ nhỏ mình đã được tiếp xúc nhiều với những món đồ cổ. Nhìn thấy lạ mắt là bắt đầu mày mò tìm hiểu xem nó là cái gì. Cứ thế, mình bị cuốn theo đồ cổ lúc nào mà chẳng hay.

WWK: Đức Huy bắt đầu sưu tầm như thế nào? Và đâu là nguồn cảm hứng lớn nhất của bạn?

Từ năm lớp 6, mình đã bắt đầu sưu tầm tiền cổ, tiền xu hay tiền Việt Nam các thời kỳ. Lúc đó mình thấy thích những họa tiết in trên chúng. Mỗi tuần cứ tích góp tiền tiêu vặt, rồi ba chở ra mấy tiệm chuyên bán tiền xưa lựa mua.

Cảm hứng thường đến một cách bất ngờ và sẽ thôi thúc mình khám phá. Như việc sưu tầm gốm Cây Mai, thấy cậu của mình "chơi cây kiểng" với những chiếc bình gốm rất đẹp, thế là mình đã nảy sinh máu sưu tầm. May mắn là loại gốm này được sản xuất ở khu Chợ Lớn, gần nơi mình sống nên càng có cơ hội đi tìm hiểu. Dù lò gốm đã ngưng hoạt động gần 100 năm nhưng dấu ấn của nó vẫn còn, nhất là ở các đình chùa lâu đời.

Nguyen-duc-huy-nguoi-tre-suu-tam-co-vat-viet-nam

Hay đối với tranh kiếng, đầu năm 2013, mình có cơ hội tham dự triển lãm của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng - người đặt nền móng sưu tầm tranh nghệ thuật Nam Bộ với gia tài hơn 1000 bức. Được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm độc đáo từ cổ xưa đến hiện đại, niềm đam mê với bộ môn này trong mình cũng bắt đầu nảy sinh…

WWK: Hơn 10 năm theo đuổi, món đồ Đức Huy tâm đắc nhất trong bộ sưu tập là?

Đó là kim khánh, là một loại trang sức đặc biệt thể hiện được địa vị tôn quý thời nhà Nguyễn, do chính Hoàng đế ban tặng cho các quý tộc, đại thần hay người có công trạng, gắn liền với hình ảnh áo ngũ thân xứ Huế.

Nguyen-duc-huy-nguoi-tre-suu-tam-co-vat-viet-nam-kim-khanhKim khánh, kim bội triều Thành Thái trong BST của Đức Huy.

Đức Huy chia sẻ:

“Trong quá trình sưu tập và tìm hiểu, có thể thấy các kim khánh còn nguyên phụ kiện đi kèm khá hiếm, trong khi mỗi triều hoàng đế lại có các phụ kiện đi kèm cùng màu sắc khác nhau. Không ít chiếc kim khánh trải qua thời gian dài đã không còn các dây tòng và dây đeo - vốn là đặc điểm để nhận diện niên đại và thẩm mỹ của món đồ. Hiện vật kim khánh triều Thành Thái trong BST của Huy cuối cùng đã được đưa về đúng theo quy chế của giai đoạn này. Lúc hồi hương, hiện vật chỉ còn phần tòng tơ và dây đeo, thời gian đã làm thất lạc mất phần chốt cài và nút thắt. Quá trình tìm các nguyên liệu tơ tằm xưa để tương đồng nhất với hiện vật từ hơn 4 tháng. Trong suốt quá trình đó, các dây nút thắt đã được thay thế liên tục để nó đạt đến độ nhỏ và thẩm mỹ nhất”.

WWK: Vậy còn những khó khăn bạn gặp phải?

Thời điểm mới bắt đầu, mình không được tiếp cận với nguồn tài liệu chính thống, chỉ có thể hỏi những nhà sưu tầm lớn tuổi. Nhưng đôi lúc thấy mình bé quá, hỏi hoài người ta cũng ngại chia sẻ. Bây giờ đã có điều kiện hơn, và mình đang cố gắng để liên kết việc sưu tầm với quảng bá, cũng như làm lại những món đồ yêu thích nên tốn khá nhiều thời gian. Quan trọng là được làm cái mình thích, nên chẳng thấy khó khăn gì.

WWK: Đến hiện tại, điều khiến Đức Huy nhận ra mình theo đuổi con đường này là đúng đắn?

Mình nhận ra khám phá và nghiên cứu đồ cổ sẽ thấy được sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại của nghệ thuật. Như nghệ thuật múa lân, hát bội, nghệ thuật sân khấu cho đến cả cổ phong… dù khác nhau nhưng đều có thể liên quan đến nhau chứ không rời rạc.

Đây không chỉ là cái duyên nữa mà còn là cái nghiệp. Hơn cả niềm đam mê, việc sưu tầm của mình bây giờ đã trở thành một cái nghề. Mượn một câu nói trong giới rất hay: “Sở thích có thể kiếm ra tiền, nhưng đam mê thì phải bỏ tiền nuôi nó”.

Nguyen-duc-huy-nguoi-tre-suu-tam-co-vat-viet-nam

WWK: Mới đây, bạn có cơ hội góp mặt trong cuốn sách "Gốm Cây Mai: Đề ngạn - Sài Gòn xưa" của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Mong muốn của bạn ở vị trí cộng sự này là?

“Gốm Cây Mai, Sài Gòn xưa” xuất bản lần đầu năm 1994 và lần này là chỉnh lý, bổ sung thêm nhiều lập luận và hình ảnh về nghệ thuật gốm Cây Mai. Mình có cơ hội được cùng bác Trảng tổng hợp, nghiên cứu dòng gốm lâu đời này. Cũng như mong muốn của tác giả, mình hy vọng cuốn sách có thể định hình đầy đủ và toàn diện hơn về gốm Cây Mai. Qua đó gìn giữ và phát huy di sản quê hương, giới thiệu vẻ đẹp văn hóa đến với nhiều bạn trẻ. 

Cảm ơn Đức Huy vì những chia sẻ thú vị, hy vọng sớm được gặp lại bạn trong một dự án gần nhất!


ADVERTISEMENT