W Coffee Talk Nghệ sĩ điêu khắc Đàm Đăng Lại: "Không phải cứ khoác màu lên là thành điêu khắc"
Trong khi nghệ thuật điêu khắc màu còn khá hiếm ở Việt Nam thì Đàm Đăng Lại, một trong những nghệ sĩ Việt tiên phong với bộ môn này từ những năm 2000 đã ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế với những tác phẩm mang hơi thở đương đại, đậm chất Tây Nguyên.
Lớn lên ở vùng đất Buôn Ma Thuột, nghệ thuật của Đàm Đăng Lại được nuôi dưỡng từ bầu không khí và văn hóa cồng chiêng. Những chất liệu khô cứng như đá, gỗ, inox hay composite được anh mềm mại hóa qua việc tạo hình uốn lượn và lối chơi màu sắc độc đáo. Các khối điêu khắc tuy “tĩnh” mà “động” tùy thuộc vào góc nhìn riêng biệt của người xem. Có lúc là những chú voi thay đổi chút thành con nhím, con nhện, v.v. đang chạy nhảy trong không gian, để rồi thoắt cái lại biến thành bông hoa, mầm cỏ, ngọn cây đeo mang những giọt nước màu long lanh.
Tác phẩm “Sức mạnh vùng đất” tại Đại Lải Flamingo
Hơn 20 năm trải nghiệm và thực hành nghệ thuật ở môi trường quốc tế, Đàm Đăng Lại đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng đáng kể đến như “Anh đi em nhé!”, tác phẩm “Nhịp Xoang”, “Mặt Trời”, “Hạnh Phúc”, “Gió Và Màu”, “Sức Mạnh Vùng Đất", “Dưới bóng cây Kơ-nia”, v.v. Anh cũng là một trong 15 nhà điêu khắc sẽ tham gia Biennale quốc tế điêu khắc đương đại Nhật Bản Ube 2024, diễn ra vào tháng 10 tới.
Sinh ra tại Phú Thọ, lớn lên ở Buôn Ma Thuột, hiện sống và làm việc tại Việt Nam và Nhật Bản. Năm 1995 Đàm Đăng Lại tốt nghiệp trung cấp Mỹ Thuật, trường Đại học Nghệ thuật Huế, năm 2000 tốt nghiệp Khoa Điêu Khắc Trường Đại Học Nghệ Thuật Huế. Từ khi ra trường, anh làm việc liên tục trong 24 năm với nghệ thuật điêu khắc màu ở Việt Nam và Nhật Bản.
Nghệ thuật điêu khắc màu còn mới mẻ ở Việt Nam, cũng có ít trường lớp đào tạo, anh bắt đầu với công việc này như thế nào?
Nhiều người hỏi tôi biết vẽ từ mấy tuổi, biết nặn đất sét từ khi nào? Tôi bảo đến tận 6, 7 tuổi vẫn chưa biết màu là gì, cũng chẳng có giấy, chỉ có đất sét đầu ao vườn để đắp thành mặt người ở cổng.
Sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, hình ảnh người nông dân khi lao động trên mảnh đất quê hương khiến tôi hình dung ra những động tác như gieo hạt, ươm mầm, v.v. Tôi tạo ra các hình khối đó trên các chất liệu khác nhau với mong muốn mang đến một niềm tin về mùa màng, cây trái bội thu.
Chất liệu tôi lựa chọn phần lớn rất thân thuộc với cuộc sống hằng ngày như gỗ và cành cây, ngoài ra còn có đồng, đá, inox, sắt, composite, v.v. Tất nhiên tôi vẫn làm điêu khắc đá, điêu khắc đồng nhưng điêu khắc màu khiến cho tôi thích thú hơn cả.
Màu sắc sử dụng trong các tác phẩm của anh lấy ý tưởng từ đâu và có quy tắc nào trong việc phối màu không?
Màu sắc là cả một câu chuyện dài. Tôi may mắn được lớn lên ở nơi khí hậu, văn hoá, trang phục, lễ hội rất đa sắc. Những màu sắc trên kiến trúc tượng nhà mồ, cây nêu của đồng bào Tây Nguyên rất đặc trưng và dễ nhận biết. Tôi thường liên tưởng và đưa màu sắc ấy vào trong tác phẩm của mình.
Ở Việt Nam hay một số nước khác, những địa điểm tâm linh như chùa hay nhà thờ thường được trang trí đậm màu sắc. Tôi cũng bị ảnh hưởng bởi điều này. Tôi tự hỏi, vì sao nhiều người thích đưa màu sắc vào trong không gian tâm linh như vậy. Có phải nó khiến cho người ta cảm thấy tĩnh lặng, hạnh phúc chăng?
Phần lớn không có quy tắc nào để phối màu cả, những màu tôi tô vẽ lên các tác phẩm điêu khắc có thể là do cảm hứng hay do chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Tôi sống ở vùng Hokkaido, Nhật Bản, có khoảng thời gian tuyết sẽ phủ trắng xóa. Vì vậy tôi đã sáng tác ra những thứ nhiều sắc màu để làm cho bầu không khí thêm sinh động, vui tươi hơn, mang đến năng lượng tích cực cho người xem.
Tuy nhiên, không phải cứ “khoác” màu lên là thành điêu khắc. Điều quan trọng vẫn phải là hình khối ấy có ý nghĩa, có xúc cảm cho người xem.
Thông điệp anh muốn gửi gắm thông qua những tác phẩm của mình?
Khi sáng tác, mỗi nghệ sĩ sẽ có một câu chuyện và ý niệm riêng, nhưng người xem mới là người hoàn tất tác phẩm nghệ thuật bằng chính trải nghiệm và kinh nghiệm của họ. Khi đối diện với tác phẩm, mỗi người phải tự đặt trải nghiệm của mình để thưởng lãm. Vì thế, không chỉ riêng nghệ sĩ, mà chính những du khách khi tìm đến, ngắm nhìn và cảm nhận cũng sẽ kích hoạt tiếng nói mà tác phẩm muốn truyền tải.
Các tác phẩm của anh hầu như đều kết thúc bằng hình bầu tròn ở đầu/ngọn của mỗi nhánh cây, hình dáng này tượng trưng cho điều gì?
Trong phần lớn những tác phẩm hơn 10 năm trở lại đây, kết thúc đầu tròn mang ý nghĩa tạo một kết thúc đẹp, có thể liên tưởng đến hình ảnh của thiên nhiên như là cánh hoa đang nở tung hay giọt nước đang rơi xuống.
Có một điều khá thú vị là những tác phẩm của tôi phần lớn đều tạo cảm giác đang chuyển động chứ không đứng yên. Dù xoay chuyển ở tư thế nào, tác phẩm cũng sẽ tạo ra những hình dáng khác nhau, có thể như đang đứng, chạy nhảy hay hòa mình vào không gian.
Theo anh, khâu nào là khó nhất trong việc hình thành một tác phẩm điêu khắc màu?
Khó nhất vẫn là tìm kiếm ý tưởng hình dáng của tác phẩm. Những đường cong của cành cây hay đường uốn lượn của kim loại… chúng thường được lấy cảm hứng từ mối liên hệ trong đời sống của tôi. Sau giai đoạn này sẽ đến giai đoạn tô màu. Lúc này cũng cần sự kiên trì từng chút mỗi ngày.
Trong số rất nhiều triển lãm đã thực hiện, triển lãm nào khiến anh tâm đắc nhất?
Trong suốt những năm tháng tôi hoạt động, tâm đắc nhất vẫn là những triển lãm cá nhân ở Việt Nam. Tôi vẫn luôn hạnh phúc khi được quay về quê hương để cống hiến, điều này tạo cho tôi một cảm giác gần gũi. Đặc biệt hơn cả, quê hương trao tặng tôi chất liệu chứa đầy sự thân thương cho tâm hồn.
Những triển lãm khiến tôi tâm đắc nhất có thể kể đến là triển lãm cá nhân “NỔ MÀU” do Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Đà Nẵng tổ chức (2022); hoặc những triển lãm cá nhân ở Tp. Hồ Chí Minh hay triển lãm “Không gian nghệ thuật Ban mê Art Space” được tổ chức năm ngoái ở quê hương Buôn Ma Thuột.
Trong đó, triển lãm “Không gian nghệ thuật Ban mê Art Space” là dự án nghệ thuật do Công ty Núi Xanh tổ chức, với mong muốn tạo nên một không gian mang tính tiên phong ở Tây Nguyên dành cho Mỹ thuật đương đại. Đồng thời, đây cũng là điểm dừng chân mới mẻ thú vị với nhiều thông tin sáng tạo dành cho du khách và người dân địa phương.
Tên của triển lãm là “Presents For Present: Món Quà của Hiện Tại”. Trưng bày các tác phẩm điêu khắc và tranh của tôi được sáng tác trong những năm qua ở quê nhà. Với ý nghĩa hành trình sáng tác của tôi luôn là hành trình khám phá những bí mật của hạnh phúc. Tôi nhìn thấy chúng nằm nay tại những chi tiết lớn nhỏ vẫn đang hiện hữu trong đời sống hàng ngày, qua nhiều hình dáng biến hóa và ẩn hiện. Tựa như cầu vồng - thứ diệu kỳ được tạo nên từ những giọt nước mắt của cơn mưa, hay niềm vui của ánh mặt trời trong vũ trụ.
“Anh đi em nhé!” là tác phẩm có lẽ được sáng tác nhiều nhất và cái tên này khá gây tò mò. Vậy có câu chuyện gì phía sau không?
Đằng sau cái tên “Anh đi em nhé!” có một câu chuyện rất vui. Thông thường, người ta thường làm xong tác phẩm rồi mới bắt đầu suy nghĩ đến việc đặt tên, nhằm giúp khán giả dễ dàng liên tưởng hơn đến tác phẩm. “Anh đi em nhé!” là một ngoại lệ!
Đây là một tác phẩm rất khó. Tính đến nay tôi đã có hàng trăm tác phẩm “Anh đi em nhé!”, mỗi tác phẩm là một ý tưởng khác nhau. Khi dựng xong những phác thảo nhỏ và miên man suy nghĩ tên tác phẩm, đột nhiên tôi nói “Anh đi ra ngoài nhé!”. Cái tên này ra đời từ đó, gắn với những tác phẩm đầy ngẫu hứng mà người xem luôn cảm nhận được sự di chuyển. “Anh đi em nhé!” được dịch nguyên bản tiếng Nhật là “Tôi đi chơi đây!”, “Goodbye” hoặc “I go out”.
Anh có thể hé lộ đôi chút về dự án sắp tới của anh?
Tháng 10.2024 tôi sẽ tham dự Biennale điêu khắc quốc tế đương đại Ube, Nhật bản 2024. Tác phẩm tôi mang đến đây cũng là hình dáng khối tròn, được dựng trên nhiều cây cong tự nhiên, kết thúc bằng những khối tròn nhiều màu. Tác phẩm được đặt tên là “Hạt Mầm” cao 450cm giữa không gian ngoài trời.
Dịp tới, tôi sẽ hoàn thành phòng trưng bày mới và mở cửa đón du khách tham quan tại Buôn Ma Thuột, quê hương tôi. Triển lãm này tôi sẽ giới thiệu hành trình nhiều năm thực hành nghệ thuật ở Nhật Bản và Việt Nam của mình, trưng bày các tác phẩm ở cả hai mảng hội họa và điêu khắc.
Một số thông tin về Nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại
Triễn lãm cá nhân
- Năm 2023, “món quà cho Hiện tại", dự án hợp tác với Công ty Núi Xanh trưng bày tác phẩm Nghệ thuật tại Không gian Nghệ thuật Ban Mê.
- Năm 2022: “NỔ MÀU” BTMT Đà Nẵng và dự án trưng bày tác phẩm tài Lễ hội âm nhạc Quốc tế Hò Zô Tp. Hồ Chí Minh.
- Năm 2018: Đàm Đăng Lại - Màu, Eight Gallery, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam và dự án Kết nối, Bảo tàng Điêu khắc Sapporo, Nhật Bản.
- Năm 2017, Hợp tác, Bảo toàn Mỹ thuật Hiện đại Hokkaido, Nhật Bản.
- Năm 2015, tác phẩm mới, Kunstraum Kieswerk Weil am Rhein, Đức.
- Năm 2014 - 2017, Atelier Mura Gallery, Tokyo, Nhật Bản.
- Năm 2014, dự án Điêu khắc đá Saiyo, tỉnh Ehime, Nhật Bản.
- Năm 2012, Nổ Màu, Sân vườn, Bảo Tàng Mỹ Thuật Sapporo.
- Năm 2009, tác phẩm mới, Homura Gallery, Sapporo, Nhật Bản.
- Năm 2005, “1-2-3-4-5”, 16 Ngô Quyền, Hà Nội
Giải thưởng
- Giải B Hội Mỹ thuật Việt Nam (2004)
- Giải B Triển lãm Mỹ thuật Nam Trung Bộ và Cao Nguyên (2004)
- Giải đặc biệt cuộc thi “Khu vườn nhỏ của tôi” tại tòa nhà JR Hokkaido, Sapporo, Nhật Bản (2004).
Bộ Sưu Tập
- Đại Lải Flamingo, Vĩnh Phúc, Việt Nam (2016 - 2019)
- Pulau Ketam, Malaysia (2017)
- Kokrajhar, Asam, Ấn Độ (2018)
- Zierenberg và Habichswald, Đức (2018)
- Thành phố Saiyo, Ehime, Nhật Bản (2014)
- Trường Trung Học Miền Nam Ishikari Nhật Bản (2014)
- Atelier Mura Gallery, Tokyo, Nhật Bản (2014)
- Làng Điêu Khắc Gỗ Otoineppu, Nhật Bản (2015)