share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

Reminiscence & Heritage Nhớ bữa cơm Tết, vị quê nhà


ADVERTISEMENT

Những ngày cuối năm cận kề, làn gió thổi trong không khí cũng mang đượm “mùi Tết”. Bồi hồi nhớ lại thời còn ở quê với gia đình, Tết là dịp tôi mong đợi nhất trong năm bởi dù ai có đi làm tứ xứ tận đâu cũng đều trở về nhà. Ngồi bên nhau ăn cùng bữa cơm, dường như mọi xa cách bấy lâu đều được xoá nhoà.

Lưu giữ truyền thống

Bữa cơm ngày năm mới không chỉ đơn thuần nói đến thức ăn, mà còn chứa đựng nhiều giá trị tinh thần, văn hoá và kỷ niệm đặc biệt trong mỗi người Việt. Với tôi, có lẽ bữa cơm Tết đã bắt đầu ngay từ khi chuẩn bị. Cứ khoảng chục ngày trước mùng một, cả nhà đã tất bật sửa soạn những thực phẩm cần thiết.

Tết, bữa cơm Tết, Tết Nuyên Đán, Tết truyền thống, Tết Việt, Tết 2024

Theo mẹ ra chợ, cơ man nào những hàng bán lá dong, giò chả, bánh kẹo… xếp hàng chờ được chọn. Vào một sạp hàng nhỏ, mua sẵn dăm con gà, gạo nếp, đỗ xanh gói bánh chưng, không quên mua thêm cả mấy túi muối, túi hạt nêm, chai dầu ăn, hành, kiệu đem về muối chua. Mẹ tôi quan niệm rằng dịp Tết trong nhà phải luôn đủ đầy, với hy vọng một năm mới sung túc.

Mỗi người một việc, mẹ lo chuyện chợ búa, bố thì đảm nhận phần đụng heo cùng mấy chú bác hàng xóm. Được mẻ thịt ngon, bố giữ lại một phần dành cúng và ăn dần, còn lại đem xay giò. Có thể nói, đây là truyền thống không thể thiếu mỗi dịp xuân về.

“Thế thì còn gì là Tết!”

28 âm lịch, khi Tết đã rộn ràng trước ngõ, nhà tôi cũng tất bật chuẩn bị gói bánh chưng. Dù nhiều việc ở thành phố đến đâu, năm nào chị tôi cũng sẽ về nhà trước ngày này. Mỗi người một tay cùng nhau làm, chiếc bánh mới đủ đầy hương vị tình thân.

Bố bảo mua về cho tiện, công sức mỗi lần gói bánh, luộc bánh hết cả một ngày. Mẹ tôi cự lại ngay: “Thế thì còn gì là Tết!”. Mấy chị em tôi lớn lên với những đêm ngồi canh nồi bánh chưng sôi sùng sục trên bếp củi lửa hồng. Bên nhau, tỉ tê đủ chuyện không biết chán để rồi ngủ quên, được bố mẹ bế vào giường lúc nào chẳng hay.

Có lẽ hương vị đặc biệt của những món ăn Tết không chỉ đến từ cách chế biến, mà còn từ tình yêu thương, lòng biết ơn, tâm sức và kỷ niệm của mỗi thành viên trong gia đình. Tất cả đều bày tỏ sự mong muốn cho một năm mới an lành, thành công.

Hồi ức khó quên

Ngày đầu tiên của năm mới, trên mâm cơm chẳng thể thiếu con gà luộc vàng ươm, đĩa bánh chưng xanh mướt, giò chả dậy mùi thơm, củ kiệu muối hương vị chua chua ngọt ngọt, bát canh khổ qua đầy ắp nhân…

Nhưng điều khiến tôi luôn hào hứng nhất ở các bữa cơm chính là lúc cả nhà cùng quây quần. Vừa cùng nhau ôn lại chuyện năm cũ, vừa chúc nhau năm mới bình an. Có lẽ đây là dịp hiếm hoi để gia đình sum vầy đông đủ như thế. Chỉ cần ra Tết vài ngày, người lại ra Bắc, kẻ lại vào Nam, chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở lại, mỗi người mỗi phương. Những khoảnh khắc ngồi bên bàn ăn sẽ trở thành hồi ức đẹp đẽ mà tôi luôn giữ trong tim.

Bây giờ đã thành người trẻ xa quê, ký ức về bữa cơm ngày bé ấy lại trở thành nguồn cảm hứng và gợi lên nỗi nhớ trong tôi mỗi khi hương xuân thổi về. Những tiếng cười vang khắp gian nhà, mùi hương của từng món ăn, và tình thân ấm áp hiện lên rõ mồn một như vừa mới xảy đến hôm qua. Nhớ lại, lòng tôi cũng thấy an yên lạ thường.

>> Xem thêm: Thương yêu Tết ba miền


ADVERTISEMENT