share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

W Coffee Talk Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels: "Số lượng công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn hạn chế"


ADVERTISEMENT

Thị trường bất động sản dù ghi nhận những chuyển biến tích cực song tâm lý e ngại vẫn còn hiện hữu. Trong bối cảnh đó, sự lên ngôi của xu hướng bền vững ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt trên thị trường. Đặc biệt là cam kết Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các nhà phát triển bất động sản với những dự án đáp ứng yếu tố bền vững về môi trường, xã hội và quản trị - Environmental, Social & Governance (ESG).

WOWWEEKEND đã có cuộc trò chuyện cùng ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, để lắng nghe vị chuyên gia “giải mã” những nhịp đập thị trường năm 2024, cũng như tác động từ xu hướng xanh, “Net Zero” đến lĩnh vực bất động sản thời gian qua.

Xin chào ông Mauro Gasparotti và cảm ơn ông đã nhận lời chia sẻ đến WOWWEEKEND. Ông nhận định như thế nào về tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2024. Hàng loạt dự án quy mô lớn đã “kick-offs” liệu có tạo nên hiệu ứng kích thích niềm tin của các nhà đầu tư?

Có thể thấy rằng thị trường năm nay đã có những chuyển biến tích cực hơn năm ngoái. Nhiều dự án bất động sản nhà ở, đặc biệt là các sản phẩm do các thương hiệu quốc tế triển khai, cũng như một số dự án “Branded residences” (Bất động sản mang thương hiệu nhà điều hành - NV) tại điểm đến du lịch biển cũng đã được giới thiệu ra thị trường.

Dẫu vậy, số lượng vẫn còn hạn chế so với các năm trước do ảnh hưởng từ bối cảnh chung trên thị trường, bao gồm vấn đề thủ tục cấp phép dự án, kiểm soát tín dụng đến tâm lý e ngại của nhà đầu tư trước các biến động. Điểm chung của các dự án ra mắt gần đây là đều được phát triển bởi những chủ đầu tư lớn với hồ sơ năng lực uy tín tại thị trường Việt Nam. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư một cách tích cực hơn.

Vậy các yếu tố phát triển bền vững tác động như thế nào đến tâm lý “xuống tiền’’ của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại?

Yếu tố ESG đang dần trở nên quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp tại bất kỳ lĩnh vực nào. Ngành bất động sản và nghỉ dưỡng cũng không phải là ngoại lệ. Nhà đầu tư ngày càng dành nhiều hơn sự quan tâm đến các dự án hướng đến các cam kết về môi trường, xã hội và quản trị, khi điều này cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đem đến các tác động, đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Việc triển khai các yếu tố phát triển bền vững và công nghệ tiết kiệm năng lượng giúp cải thiện hiệu quả vận hành nếu được hoạch định và triển khai chỉn chu. Theo đó, việc đáp ứng các tiêu chuẩn ESG giúp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và tối ưu các công tác bảo trì vận hành tòa nhà, được kỳ vọng góp phần cải thiện hiệu quả tài chính cho các loại hình bất động sản từ dân cư, thương mại cho đến nghỉ dưỡng.


"Yếu tố ESG đang dần trở nên quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp tại bất kỳ lĩnh vực nào. Ngành bất động sản và nghỉ dưỡng cũng không phải là ngoại lệ."


Thị trường ngày càng cạnh tranh về giá, trong khi các yếu tố bền vững cũng không thể thiếu và thường không “rẻ”. Giải pháp nào để các nhà phát triển cân bằng được hai yếu tố này?

Trước đây khi thị trường chưa hiểu rõ về giá trị của công trình mang yếu tố bền vững, người mua thường cảm thấy khó thuyết phục khi phải chi trả thêm cho các giá trị “vô hình” này. Giờ đây bối cảnh thị trường đang dần thay đổi, người mua ngày càng khắt khe và sẵn sàng chi trả cao hơn cho những sản phẩm được phát triển chỉn chu, đáp ứng các tiêu chí bền vững. Điều này giúp các chủ đầu tư có thể cải thiện biên lợi nhuận khi dự án có thể truyền tải tốt và cung cấp các sản phẩm đến với đúng người mua. Đồng thời, nếu được triển khai tốt, các dự án công trình xanh có thể giúp cải thiện chi phí hoạt động sau khi đi vào vận hành cũng như đem đến những lợi ích lâu dài hơn.

Lợi ích của việc phát triển dự án gắn liền với các yếu tố bền vững là kết quả cộng hưởng của hai yếu tố: vừa giúp sản phẩm có thể đạt mức giá bán tốt hơn đồng thời cũng tối ưu chi phí hoạt động hơn những sản phẩm được phát triển theo cách tiếp cận thông thường. Theo đó, khi cân nhắc đến việc thực hành yếu tố ESG và phát triển bền vững, chủ đầu tư cần xem xét không chỉ từ góc độ lợi ích truyền thông dự án, mà còn ở hiệu quả tài chính từ việc vận hành dự án trong dài hạn.

Có ý kiến cho rằng tính chu kỳ của bất động sản là nguyên nhân làm chậm chuyển đổi xanh, ông nhận định như thế nào về điều này? Sự chậm chạp chuyển đổi xanh trong ngành bất động sản còn do yếu tố nào khác?

So với các quốc gia khác, số lượng công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Chúng ta còn nhiều việc phải học hỏi và thực hiện để có thể tiến triển nhanh trong hành trình phát triển bền vững này. Nguyên nhân một phần là do chu kỳ phát triển bất động sản. Mỗi một dự án đều cần một khoảng thời gian nhất định để hoạch định, xây dựng mới có thể đưa vào sử dụng. Phần lớn các công trình, dự án bất động sản đang vận hành hiện nay đều được hoạch định, thiết kế trước dịch Covid, vốn là giai đoạn mà đa số các chủ đầu tư tại Việt Nam chủ yếu chạy theo quy mô, chứ chưa dành nhiều sự quan tâm đến yếu tố bền vững, chất lượng trải nghiệm tại dự án.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư vẫn còn loay hoay trong việc xem xét đưa các yếu tố phát triển bền vững vào dự án. Một phần do chưa có sự đánh giá đầy đủ về hiệu quả của các tiêu chí xanh, bền vững, cũng như một số vẫn còn vướng mắc về việc nên triển khai các công tác tích hợp yếu tố bền vững vào trong giai đoạn nào của dự án.

Tuy nhiên, trong chu kỳ bất động sản tiếp theo, chúng tôi kỳ vọng yếu tố bền vững tại các dự án bất động sản sẽ hiện diện rõ nét hơn khi nhiều chủ đầu tư ngày càng chú trọng tích hợp các yếu tố xanh, thân thiện với môi trường ngay từ quá trình hoạch định và triển khai dự án.

Cam kết Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 của Việt Nam ảnh hưởng như thế nào đến chiến lược của các nhà phát triển ở Việt Nam, khi ngành bất động sản chiếm đến 40% phát thải carbon?

Cam kết Net Zero của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đem đến những thay đổi tích cực trong ngành bất động sản theo hướng bền vững hơn và góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường, cộng đồng và xã hội.

Để đạt được mục tiêu này, các nhà phát triển, chủ đầu tư bất động sản cần tuân theo các tiêu chuẩn công trình xanh, đáp ứng các chứng nhận chuyên ngành như LEED, EDGE; đồng thời xúc tiến các giải pháp bền vững và sử dụng năng lượng hiệu quả tại dự án. Việc ưu tiên các thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả, thiết kế hệ thống tòa nhà thông minh là bước tiến quan trọng trong việc giảm thiểu sử dụng và phát thải năng lượng. Các dự án cần chú trọng, ưu tiên các thiết kế, mô hình có khả năng chống chọi với yếu tố biến đổi khí hậu, chú trọng các không gian xanh và sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường để giảm thiểu tác động đến môi trường, cộng đồng.

Những dự án đáp ứng các tiêu chuẩn về lượng khí thải carbon và các hoạt động xây dựng xanh cũng sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc tiếp cận các kênh tài chính xanh, chính sách ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels

Những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng - chú trọng hơn đến các yếu tố bền vững, thân thiện với môi trường - đòi hỏi các nhà phát triển cần hành động để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Khi nhận thức về yếu tố biến đổi khí hậu tăng lên, các dự án bất động sản có khả năng sử dụng năng lượng hiệu quả, thân thiện với môi trường có thể thu hút nhiều người mua và người thuê hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.


Nội dung trên thuộc bài viết trích từ ấn phẩm WWK Property Volume 1 - chủ đề "Bất động sản Xanh". Quý độc giả có thể tham khảo thêm thông tin hoặc đặt mua ấn phẩm tại đây.


>>Xem thêm: Meet The Experts Hà Nội 2024 - Ngành BĐS và Nghỉ dưỡng Việt Nam hướng đến chu kỳ phát triển mới

 


ADVERTISEMENT