Nghe nói Cà Mau xa lắm
Với người Bắc thì Cà Mau rất xa, xa tít tận chân trời, ở đâu đó tận cuối phía Nam. Con người ta, từ nhỏ luôn ham những thứ "xa tận chân trời" ấy. Nhưng đối với tôi, một lần vượt ngàn dặm vào Cà Mau, là một lần trở về nơi “đất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi” - một mảnh quê hương đại ngàn.
Đến Cà Mau vào một ngày hè, phải đi xa thật xa, không có chuyến bay nào thẳng từ Hà Nội đến Cà Mau, nên tôi lên máy bay đi Cần Thơ, sau đó lên chuyến xe tiếp tục cuộc hành trình, coi như tiện ngắm một miền Tây Nam Bộ lạ lẫm. Đến Cà Mau đã tối muộn. Thành phố Cà Mau nhỏ xinh nép mình trong cái “hồn” của dân tộc. Không giống Hà Nội vội vã nhưng trầm tĩnh, không giống Sài Gòn như một cô gái trẻ đầy nhiệt huyết, Cà Mau lặng lẽ và có đâu đó một chút yên bình. Không có nhiều xe cộ đi lại, không có những ánh đèn từ hàng quán mở cửa thâu đêm. Thành phố Cà Mau cho tôi một đêm trằn trọc.
Ngày nhỏ tôi từng đọc Sông nước Cà Mau - một tác phẩm của Đoàn Giỏi - tác phẩm làm cô bé 12 tuổi phải há hốc mồm ngạc nhiên vì những điều lạ lẫm chẳng bao giờ xuất hiện trong cuộc sống thường ngày. Ngày hôm sau đi Năm Căn, tôi háo hức lắm, những câu văn của Đoàn Giỏi cứ lập lờ trong trí nhớ “Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá”. Và trời xanh, nước xanh thật. Muốn ra đến Mũi Cà Mau, địa đầu của đất nước, tôi phải thuê thuyền đi. Thú thật cảm giác lúc đó như phải thử một trò chơi cảm giác mạnh vậy. Nhưng các bác lái thuyền vẫn mỉm cười trấn an tôi bằng nụ cười ngọt đậm chất người miền Tây. Vậy là cứ thế, tôi lên thuyền. Vùng sông nước Cà Mau hiển hiện từ từ, rồi dần dần trong mắt kẻ khách. Những ngôi nhà nhỏ xinh mọc ngay trên những dòng sông, kênh rạch. Những cây đước, cây tràm bạt ngàn một màu xanh tươi mát. Ngược xuôi xuôi ngược cùng tôi là những chiếc thuyền đang vội vã ra chợ, có một chút tấp nập, đủ để làm cho buổi sáng trở nên tươi mới đầy sức sống. Tất cả như dạo lên một khúc đồng dao của cuộc sống bình dị đời thường.
“Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá”
Cập bến Mũi, tôi nhập vào đoàn người tứ xứ, tận mắt chứng kiến tọa độ quốc gia, nơi đặt cột mốc số 0 hình con tàu no gió vươn mình ra biển, cũng là biểu tượng đặc trưng cho cực Nam của Tổ quốc.
Đất Mũi Cà Mau
Bạn có thể đến bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, nhưng khi đến một điểm cực ấy, trong lòng ắt hẳn dấy lên niềm tự hào, tình yêu quê hương, yêu từng mảnh đất cát bụi của quê hương, cũng yêu cả con người quê hương ấy. Vượt xa hơn nghìn cây số để đặt chân đến vùng đất này, điều đó với tôi lại càng thêm ý nghĩa.
Cảnh sắc quê hương đong đầy yêu thương
Người Cà Mau dễ thương vô cùng, làm tôi yêu, tôi thương lắm. Giọng nói miền Nam ngọt ngào như có chút mật ngọt nhẹ nhàng. Cái nhiệt tình, phóng khoáng bộc trực mà chân thành dường như luôn xuất hiện thường trực trong con người nơi ấy. Có một điều gì đó, thật ấm, thật thương lưu luyến bước chân tôi, có một điều gì đó tôi chẳng muốn rời đi bỏ về với chốn phồn hoa.
Và điều đặc biệt nhất, thức uống Cà Mau. Thức uống Cà Mau cũng chẳng cao sang, chẳng phải nhà hàng sang trọng, cứ dân dã bình dị mộc mạc cây nhà lá vườn mà cũng trở thành niềm nhớ. Cua gạch rang, mắm kho cá đồng ăn với rau rừng có lẽ là hương vị ẩm thực đậm đà nhất tôi từng ăn.
Người ta bảo Việt Nam có 4 cực, đi hết bốn cực Bắc Nam Đông Tây ấy là vẽ đủ một vòng đất nước. Tôi đến Cà Mau để hiện thực những điều đó chăng?