Properties Opportunity Branded Residences: Đẳng cấp săn hàng hiệu trong thế giới bất động sản
Một nhà đầu tư từng ví von bất động sản hàng hiệu như một chai rượu quý: rất ít người bán, và càng nhiều tuổi càng có giá, không dành cho số đông và không phải có tiền là mua được. Nói nôm na thì bất động sản hàng hiệu để càng lâu càng đắt, đắt vì quý, và quý vì hiếm.
So với lịch sử 100 năm phát triển bất động sản hàng hiệu (Branded Residences) trên thế giới, Việt Nam dù chỉ gia nhập khoảng hai thập kỷ trở lại đây nhưng đã nhanh chóng lọt vào top 10 thị trường bất động sản hàng hiệu xa xỉ tăng trưởng nhanh nhất về số dự án, theo Knight Frank.
Đặc trưng của các dự án bất động sản (BĐS) hàng hiệu là sự kết hợp giữa các nhà phát triển uy tín và những thương hiệu khách sạn hoặc nhãn hiệu xa xỉ nổi tiếng toàn cầu. Ở cấp độ cao nhất, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ ngay ở những khâu ban đầu của dự án, từ lựa chọn đối tác phát triển, thiết kế cho đến xây dựng và hoàn thiện, mang đến trải nghiệm “hàng hiệu” đích thực cho cư dân.
Hyatt Regency Danang
BĐS hàng hiệu tại Việt Nam: rộng cửa “đi sau về trước”
Với gần 85,000 sản phẩm biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng thuộc phân khúc trung – cao cấp đã mở bán tại các điểm đến chính, trong đó hơn 50% nguồn cung được giới thiệu mang thương hiệu nhà điều hành, Việt Namđược xem là một trong những thị trường ghi nhận tốc độ phát triển ấn tượng nhất. Đáng chú ý, Đà Nẵng được đánh giá là một trong top 5 thành phố về số dự án bất động sản hàng hiệu tại khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) cho đến 2030 , theo báo cáo Bất động sản hàng hiệu APAC 2023/24 của Savills.
Song song với tăng trưởng nhanh chóng về số lượng, gam màu chủ đạo của các dự án BĐS hàng hiệu tại Việt Nam là sự kết hợp giữa các nhà phát triển giàu năng lực và các thương hiệu khách sạn, tương tự thị trường quốc tế. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến cái bắt tay giữa nhà phát triển Masterise Homes với tập đoàn Marriott International trong hai dự án Grand Marina, Saigon và The Grand, Hanoi. Bất động sản Bản Việt (VCRE) cũng tham gia “cuộc chơi” với hai dự án đồng hành cùng Nobu Hospitality là Nobu Danang và Nobu Saigon. Chấm phá trên bức tranh “hàng hiệu triệu đô” đó là số ít dự án mang dấu ấn của nhãn hiệu phong cách sống xa xỉ, chẳng hạn lĩnh vực thời trang cao cấp mà tiêu biểu là The Rivus, dự án BĐS “may đo” chuẩn Haute Couture được kiến tạo nên bởi Masterise Homes và Elie Saab.
Bên trong căn hộ hàng hiệu Marriott tại tòa Lake, Grand Marina, Saigon
Với các dự án bất động sản hàng hiệu gắn liền với thương hiệu khách sạn, đội ngũ thương hiệu sẽ trực tiếp tuyển dụng, đào tạo và cung cấp nhân sự quản lý vận hành để đảm bảo chất lượng dịch vụ, mang đến trải nghiệm chuẩn khách sạn 5 sao. Chính sự hợp tác chặt chẽ và tỉ mỉ đó mà khách hàng có thể cảm nhận sự khác biệt ngay khi bước chân vào dự án.
Đại diện Masterise Homes chia sẻ với WOWWEEKEND một ví dụ về khu căn hộ hàng hiệu Marriott tại tòa Lake, Grand Marina, Saigon. Sự khác biệt đến từ sảnh chính cao rộng, với những vật liệu cao cấp, đến không gian ấm cúng tạo nên bởi bảng màu tự nhiên đặc trưng của Marriott. Đặc biệt nhất là sự nồng ấm, thân thiện và chủ động làm hài lòng khách hàng thay vì chỉ đáp ứng yêu cầu của đội ngũ quản gia Marriott. Những tiện ích cao cấp khác như phòng họp, rạp chiếu phim ngay trong dự án, hay các chi tiết nhỏ trong thiết kế căn hộ, những thiết kế tinh tế rút ra từ kinh nghiệm của tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới. Tất cả làm nên một trải nghiệm cuộc sống hàng hiệu xa xỉ mà những dự án thông thường không có được.
Nobu Danang
“Hàng hiệu” đang ngày càng hấp dẫn giới thượng lưu Việt, vốn yêu chuộng mua sắm hàng xa xỉ nhằm đa dạng hóa trải nghiệm cũng như danh mục đầu tư, khai thác tiềm năng lợi nhuận to lớn của thứ tài sản này. Theo Statista, lĩnh vực xa xỉ tại Việt Nam dự kiến thu về 920,1 triệu Euro trong năm 2024, với tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến ổn định ở 3,33% (CAGR 2024-2028).
Theo đại diện Masterise Homes, tâm lý mua bất động sản hàng hiệu của người Việt có nhiều điểm tương đồng với tâm lý sắm đồ hiệu. Cả hai đều được thúc đẩy bởi nhu cầu thể hiện đẳng cấp, sự độc đáo và vị thế xã hội. Tuy nhiên, bất động sản hàng hiệu còn mang yếu tố đầu tư và bảo toàn giá trị tài sản, làm cho quyết định mua sắm này trở nên kỹ lưỡng hơn, đặc biệt khi cân nhắc đến tiềm năng sinh lời và sự ổn định của thị trường.
“Thánh địa” mới của bất động sản hàng hiệu
Mô hình Branded Residences ngày càng hiện diện tại nhiều điểm đến trên khắp Việt Nam. Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels chia sẻ: “Phú Yên dự kiến sẽ sớm đón nhận một dự án villa hạng sang mang thương hiệu nhà điều hành khách sạn lâu đời. Cùng với sự khôi phục của hoạt động du lịch, đặc biệt là từ thị trường khách quốc tế, chúng tôi cũng kỳ vọng sự phát triển của Branded Residences tại Đà Nẵng cũng như Phú Quốc. Là hai đô thị lớn với nền kinh tế năng động, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì là điểm đến lý tưởng phát triển các dự án Branded Residences tại Việt Nam.
Không chỉ chiếm lĩnh vị trí đắc địa tại các đô thị lớn, nhiều dự án bất động sản hàng hiệu trong nước còn tập trung tại các điểm đến du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng. Sailing Club Residences Ha Long Bay (BIM Land hợp tác với Sailing Club Leisure Group) hay Gran Meliá Nha Trang (Vega City - thành viên KDI Holdings kết hợp cùng Meliá Hotels International) là những đại diện điển hình.
Sailing Club Residences Ha Long Bay
Thông qua việc bán bất động sản hàng hiệu, chủ đầu tư có thể chủ động nguồn vốn phát triển dự án cũng như rút ngắn được thời gian hoàn vốn so với việc phát triển một dự án resort thông thường. Từ góc độ nhà đầu tư cá nhân, sở hữu một bất động sản tại các resort giúp họ tham gia vào thị trường du lịch đang trên đà phát triển tại Việt Nam nhờ khai thác dòng tiền kinh doanh cho thuê lưu trú, cũng như mang đến tiềm năng gia tăng giá trị khoản đầu tư nếu dự án bất động sản hàng hiệu được hoạch định tốt.
Tiêu biểu như Hyatt Regency Danang, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao được đầu tư, phát triển chỉn chu trước khi nằm dưới sự quản lý và khai thác bài bản của thương hiệu Hyatt Hotels & Resorts. Toàn bộ 143 căn hộ từ một đến ba phòng ngủ, và 18 villa hồ bơi hướng biển của Hyatt Regency Danang đã đi vào khai thác hơn một thập kỷ. Các khu căn hộ và villa đều được bảo trì và nâng cấp định kỳ để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất dưới sự quản lý của tập đoàn Hyatt.
“Việc gắn liền các thương hiệu khách sạn giúp các dự án Branded Residence tại điểm đến nghỉ dưỡng có thể đạt hiệu quả tốt hơn trong việc khai thác cho thuê”, Mauro Gasparotti cho biết thêm.
Mauro Gasparotti, Giám đốc, Savills Hotels
Hyatt Regency Danang, dấu ấn kinh điển của “branded residences” đã đi vào khai thác hơn một thập kỷ.
Không dễ săn “hàng hiệu giá tốt”
Bất động sản hàng hiệu thường là phân khúc cao cấp nhất trên thị trường bởi sở hữu các giá trị nội tại vượt trội: Vị trí đắc địa, tầm nhìn đẹp, thiết kế tinh tế vượt thời gian, được xây dựng và hoàn thiện từ những chi tiết nhỏ nhất. Các thương hiệu tham gia vào phân khúc này đều là những tên tuổi hàng đầu thế giới và đặt ra những tiêu chuẩn rất khắt khe cho các dự án gắn liền với tên tuổi của mình. Sự khắt khe đó đã tạo nên tính giới hạn đặc trưng cho sản phẩm thuộc hàng xa xỉ bậc nhất thị trường bất động sản.
Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, tính từ năm 2022 đến nay, ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số lượng bất động sản hàng hiệu chiếm chưa đến 1% nguồn cung. Chẳng hạn như The Grand, Hà Nội - dự án Ritz-Carlton đầu tiên tại Việt Nam có số lượng 104 căn và chỉ chào bán 70% ở thị trường trong nước. Tại các điểm đến du lịch, các sản phẩm cũng cực kỳ khan hiếm. Tọa lạc bên vịnh di sản, InterContinental Residences Halong Bay chỉ công bố giới hạn 41 căn biệt thự, trong đó chỉ vỏn vẹn 8 biệt thự mặt biển. Gran Meliá Nha Trang ra mắt 98 căn dinh thự biển, trong số đó, bộ sưu tập 10 không gian độc bản The Limited Edition Mansion là những “báu vật” không dành cho số đông. Trên tổng diện tích 55ha của Park Hyatt Phu Quoc Residences cũng chỉ có 65 dinh thự.
The Coral Villas - một trong những dòng biệt thự thuộc The Limited Edition Mansion của Gran Meliá Nha Trang.
Các phiên bản giới hạn này cũng sở hữu mức giá không dành cho số đông. Tổ hợp căn hộ cao cấp The Grand, Hanoi có giá từ 25.000 USD/m2 trong khi mức giá bán hiện tại của các sản phẩm trong Grand Marina, Saigon là từ 14.000 USD/m2. BĐS hàng hiệu không chỉ “đắt giá” mà còn liên tục ghi nhận tăng mạnh trong thời gian qua. Ở Việt Nam, hai dự án đạt chuẩn siêu sang tại Hà Nội tính từ năm 2020 đến nay có biên độ tăng giá trung bình từ 4%-8% mỗi năm. Những năm gần đây cho thấy trong cùng một vị trí, bất động sản hàng hiệu ghi nhận tăng giá 20%-30% trong vòng 5 năm.
Tăng trưởng giá trị bền vững theo thời gian
Bất động sản hàng hiệu cũng là một món đồ hiệu và nhu cầu mua sắm “hàng hiệu” của tầng lớp siêu giàu ngày càng có xu hướng tăng lên theo thời gian, ít bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế. Những người đam mê “hàng hiệu”, yêu thích thương hiệu sẽ vẫn luôn tin tưởng chọn mua sản phẩm trong bất kỳ thời điểm nào, nếu điều kiện tài chính cho phép. Không dừng lại ở đó, “một trong những giá trị nổi bật của phân khúc bất động sản hàng hiệu là giá trị tích sản bền vững, vì vậy phần lớn khách đầu tư các dự án bất động sản hàng hiệu đều có ý định sở hữu lâu dài”, Đại diện Masterise Homes nhận định.
Điều đó biến bất động sản hàng hiệu thành một khoản đầu tư an toàn ở Việt Nam với nguồn cung luôn khan hiếm trong khi nguồn cầu vẫn duy trì ổn định trong thời gian dài, hứa hẹn sẽ còn tiếp tục sôi động khi số người siêu giàu được dự báo tăng đáng kể trong những năm tiếp theo. Báo cáo Thịnh vượng 2024 của Knight Frank cho thấy số người siêu giàu ở Việt Nam trong năm 2023 là 752 người, tăng 2,4% so với năm trước đó. Dự báo đến năm 2028, tầng lớp siêu giàu Việt Nam sẽ đạt đến con số 978 người, tăng khoảng 30% so với năm 2023, thuộc top đầu châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng. Để vào nhóm siêu giàu, cá nhân phải sở hữu khối tài sản ròng từ 30 triệu USD (khoảng 740 tỷ đồng) trở lên.
“Khả năng hấp thụ các sản phẩm bất động sản hàng hiệu được đánh giá cao, nhờ vào nhu cầu mạnh mẽ từ cả người mua trong nước và quốc tế.” theo Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Residential Project Marketing, CBRE Việt Nam. Có thể thấy phân khúc BĐS cao cấp trong nước nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi, tiếp thêm sinh khí từ nguồn kiều hối khi đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ lớp Việt kiều hồi hương sau khi Luật Đất đai 2024 và các chính sách liên quan có hiệu lực.
Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Director, National Head of Residential Project Marketing, Vietnam
“Quy định mới sẽ mở rộng tệp khách hàng cho các dự án bất động sản hàng hiệu, không chỉ giới hạn ở người dân trong nước mà còn bao gồm cả Việt kiều và người nước ngoài. Với việc Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam, nguồn cầu phân khúc này dự kiến sẽ tăng. Việt kiều thường có nhu cầu cao về các sản phẩm bất động sản cao cấp. Do đó, thị trường này sẽ được hưởng lợi.” Đại diện CBRE chia sẻ thêm.
“Sau một thời gian phát triển tại Việt Nam, BĐS có thương hiệu dần phân hóa về khách hàng. Trong phân khúc này, khách mua với mục đích sở hữu lâu dài gần đây có xu hướng chiếm ưu thế, bên cạnh nhu cầu khai thác cho thuê”, Đinh Thị Phương Uyên, Giám đốc Kinh Doanh VCRE nhận định. “Khách hàng thuộc phân khúc này không đơn thuần tìm kiếm một BĐS để sở hữu mà trước hết là thoả mãn nhu cầu trải nghiệm cá nhân cùng cơ hội kết nối với cộng đồng dân cư chất lượng. Quan trọng hơn hết, đó còn là một tài sản tích lũy truyền đời cho thế hệ kế thừa”.
Xu hướng nắm giữ bất động sản hàng hiệu lâu dài còn đến từ niềm tin vào sự “an toàn tuyệt đối” đã được Knight Frank thực chứng. Phân khúc bất động sản hàng hiệu đến năm 2026 được dự đoán tăng trưởng hàng năm đạt 12%, theo báo cáo Global Branded Residences Report 2023 của Knight Frank. Wealth Report 2023 cũng chỉ ra đầu tư là tiêu chí hàng đầu (45%) thúc đẩy giới nhà giàu chi cho bất động sản, tiếp sau là phong cách sống (21%). Tâm lý này rất khác biệt so với việc sở hữu các món đồ xa xỉ khác như đồng hồ, túi hiệu, xe cổ hay tranh sưu tầm, với niềm vui được sở hữu là lý do hàng đầu, tiếp sau là đầu tư.
>>Xem thêm: Bất động sản bán lẻ: Từ chợ trời đến đại lộ xa hoa