The Art Corner Đừng cố gắng hạnh phúc mà hãy cảm nhận hạnh phúc qua ''Lối sống tối giản của người Nhật''
Khi bạn đọc những dòng này thì có nghĩa bạn đang quan tâm đến chủ nghĩa tối giản (Minimalism) và đây chính là bài viết dành riêng cho bạn. Thông qua sách “Lối sống tối giản của người Nhật” – cuốn sách gối đầu giường dành cho bất kỳ ai quan tâm, mong muốn trở thành người sống tối giản (Minimalist). Bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn, tập dần các bước để trở thành một người sống tối giản nhất có thể, ít ra là đúng với mong muốn, nhu cầu của bạn.
Cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” tên tiếng anh là “Goodbye, things: the new Japanese minimalism” của tác giả Sasaki Fumio đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. Sách đã khơi nguồn cho lối sống tối giản của mọi người trên thế giới, hướng dẫn mọi người sống tối giản hơn để trở nên hạnh phúc hơn.
Cấu trúc sách bao gồm phần mở đầu và 5 chương. Phần mở đầu và chương 1, tác giả cho bạn biết được định nghĩa về lối sống tối giản là gì thông qua câu chuyện của bản thân mình. Theo ông, người tối giản là: “Người thực sự hiểu rõ cái gì cần thiết với mình” và “Người giảm bớt đồ đạc vì những thứ thực sự quan trọng”. Một người luôn cảm thấy bận rộn, lãng phí thời gian, phung phí tiền bạc vào mua sắm, phòng ốc bừa bãi, giày dép tứ tung,... thường xuyên so sánh mình với người khác, người vẫn mong mỏi đi tìm thứ được gọi là “hạnh phúc”. Tự nhận mình là “một kẻ bạc nhược với một đống đồ trong nhà” và “sau khi vứt đồ đi, tôi cảm giác mình như biến thành người khác”.
Quả thật, câu chuyện của tác giả chính điển hình của nhiều người – người theo lối sống tối đa. Nghĩa là luôn tích trữ mọi thứ, hệ quả là những món đồ ấy lấy hết năng lượng tích trữ bản thân, việc ấy cứ lặp lại như thế khiến con người ta rơi vào vòng tròn không lối thoát. Việc vứt bỏ đồ đạc không phải là “mục đích” của việc sống tối giản mà là “phương tiện” giúp chúng ta nhận rõ đâu mới là điều thực sự quan trọng đối với mình. Để chú tâm vào những việc quan trọng thì nên loại bỏ những thứ không quan trọng, đây mới là vấn đề trong mọi lĩnh vực đời sống.
Qua chương 2, sách sẽ đi sâu vào phân tích tâm lý con người, lý do vì sao mọi người lại thích tích trữ đồ đạc, tìm ra giá trị sống cho bản thân mình. Có nhiều dẫn chứng cụ thể chuyển biến tâm lý từ “thói quen” dẫn đến “chán nãn” như con gái “không có gì để mặc”; thất bại của cầu thủ Honda Keisuke ở World Cup; người nổi tiếng như Bill Gate cũng chỉ có 24h như mọi người; hay căn bệnh trầm cảm khiến người Nhật tự sát khi không tìm được giá trị bản thân mình,... đã được tác giả miêu tả rất chân thật.
Nối tiếp chương 3 và 4, bạn sẽ biết được 55 quy tắc giúp bạn cắt giảm đồ đạc trong nhà để cuộc sống đơn giản hơn, hạnh phúc hơn. Và những thay đổi của tác giả sau khi cắt giảm những đồ đạc trong nhà. Những mặt tích cực và hạnh phúc sau khi đã giảm tối thiểu những thứ không cần thiết. Sống tối giản không chỉ là việc cắt giảm đồ đạc mà còn là cắt giảm “ham muốn” và “suy nghĩ”. Thói quen so sánh mình với người khác cũng khiến con người trở nên tự ti, cảm thấy bất hạnh.
Chương 5 là chương cuối cùng, cũng chính là chương quan trọng nhất để chốt mọi thứ. Dựa trên những nghiên cứu khoa học và phân tích hạnh phúc của Tâm lý học tích cực được tác giả chia sẻ, sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mô hình hạnh phúc “kiểu mẫu” và hạnh phúc thực sự là gì. Hạnh phúc con người được quyết định 50% bởi di truyền, 10% bởi môi trường, 40% còn lại do hành động hàng ngày. Theo ông “Hạnh phúc chỉ là cảm nhận của bạn tại thời điểm đó...”, “...là thứ mà chỉ có bạn mới tự đánh giá được.” và cuối cùng “hành động quyết định 40% hạnh phúc.”
Cuốn sách này không chỉ dành cho những người theo chủ nghĩa tối giản mà dành cho tất cả mọi người, những ai vẫn đang loay hoay tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình và cách làm như thế nào để có được niềm vui trong cuộc sống.