Cuisine Sứ giả ẩm thực Việt Nam trên bản đồ thế giới
Phía sau mỗi ngôi sao Michelin danh giá, những mỹ vị cách tân mang dấu ấn bản địa hay các nhà hàng fine-dining ngày đêm tôn vinh quốc hồn quốc túy Việt Nam là những đầu bếp tài năng và tâm huyết - “cầu nối” truyền cảm hứng cho thực khách và lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt với thế giới.
Thế lực mới trên bản đồ ẩm thực quốc tế
Ẩm thực Việt Nam bắt đầu thu hút sự chú ý trên bản đồ ẩm thực thế giới khi những món ăn thường nhật của người Việt như bún chả, bánh mì hay cà phê sữa đá bất ngờ “gây thương nhớ” với nhiều nguyên thủ quốc gia công du đến Việt Nam.
Trong chuyến công tác vào năm 2016, Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cùng thưởng thức bún chả và uống bia với cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain trong một quán ăn trên phố Lê Văn Hưu, Hà Nội. Chỉ một năm sau, người dân Thành phố Hồ Chí Minh lại tình cờ bắt gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang ngồi trên phố Lê Thánh Tôn nhâm nhi tận hưởng ly cà phê sữa vỉa hè. Cũng trong thời gian tham dự Hội nghị APEC 2017 đó, Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã cùng đầu bếp gốc Việt Luke Nguyễn thưởng thức bánh mì nóng hổi từ một quán vỉa hè ở Đà Nẵng. Vị Nguyên thủ nước Úc sau đó đã tấm tắc khen món bánh mì Đà Nẵng trên trang cá nhân của mình.
Không chỉ chinh phục các nguyên thủ quốc gia, sức hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam cũng được thế giới công nhận thời gian gần đây. Vào năm 2022, Giải thưởng “Ẩm thực Thế giới” (World Culinary Awards), thuộc hệ thống Giải thưởng “Du lịch Thế giới” (World Travel Awards), đã vinh danh Việt Nam là “Điểm đến Ẩm thực Tốt nhất châu Á 2022”, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký khác trong khu vực. Tạp chí Travel + Leisure cũng gợi ý Việt Nam là “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu khu vực châu Á” năm 2023 với điểm nhấn là các món ăn đường phố.
Taste Atlas, chuyên trang được mệnh danh là “bản đồ ẩm thực thế giới”, cũng xếp Việt Nam ở vị trí thứ 22 trong bảng xếp hạng các nền ẩm thực quốc tế (100 Best Cuisines in the World) năm 2023/24. Bánh mì thịt và phở bò được lựa chọn vào trong danh sách “100 món ngon thế giới” (100 Best Dish), với món Bánh mì xếp hạng thứ 14.
Phở bò nổi tiếng là vậy với người Việt, chẳng khó hiểu khi món ăn “quốc hồn quốc túy” này liên tục lọt top những món ăn ngon nhất, thậm chí được hãng tin CNN vinh danh là một trong 20 món ăn có nước ngon nhất thế giới (World’s best soups) vào đầu năm 2024. Đặc biệt hơn, “Pho” và “Banh mi” là hai trong số ba từ ngữ tiếng Việt được đưa vào từ điển Oxford, cùng với “Ao dai”, góp phần khẳng định vị thế của những món ăn đại diện cho nền ẩm thực giàu văn hoá và truyền thống Việt Nam, cũng như những món ăn danh tiếng trên thế giới như spaghetti và pizza của Ý hay sushi của Nhật Bản.
“Tôi nghĩ ẩm thực Việt Nam đã gây tiếng vang lớn với cộng đồng quốc tế những năm gần đây, xứng đáng với tiềm năng vốn có.” - Alistair Minty, Acting General Manager, khách sạn Sofitel Saigon Plaza, chia sẻ.
Từ “thiên đường” ẩm thực đường phố đến “thánh địa” fine-dining
Bên cạnh bộ sưu tập món ngon đường phố thu hút du khách quốc tế, ẩm thực cao cấp (fine-dining) cũng góp phần nâng tầm trải nghiệm và lan tỏa dấu ấn Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Năm 2023, lần đầu tiên các nhà hàng tại Việt Nam được vinh danh ngôi sao danh giá của “cẩm nang quyền lực” Michelin Guide. Khởi đầu khiêm tốn với vẻn vẹn 4 đại diện nhận sao Michelin, tọa lạc ở hai đô thị giàu di sản ẩm thực bậc nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng chú ý là ngay cả mâm cơm miền Bắc với những món ăn giản dị như trứng rán, rau muống, dưa cà, cá kho,... được phục vụ trong không gian hoài niệm của Tầm Vị vẫn chinh phục thành công các “thanh tra Michelin”, đem đến cho nhà hàng nằm cách không xa Văn Miếu - Quốc Tử Giám này một ngôi sao danh giá của thế giới ẩm thực. Michelin Guide 2023 tại Việt Nam cũng ghi dấu 70 không gian ẩm thực Michelin Selected, 29 điểm hẹn Bib Gourmand và 3 giải Michelin Guide Special Award, đánh dấu sự khởi đầu đầy tiềm năng của xu hướng fine-dining tại Việt Nam.
Bước sang năm 2024, Michelin Guide tiếp tục chào đón Đà Nẵng với ngôi sao Michelin đầu tiên thuộc về nhà hàng La Maison 1888 nằm trong khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Dải đất miền Trung để lại ấn tượng đặc biệt với “ngôi sao xanh Michelin” (Michelin Green Star) đầu tiên tại Việt Nam thuộc về Nén Danang - nhà hàng “sử dụng 99% nguyên liệu địa phương có nguồn gốc từ khắp cả nước và từ chính Nén Farm” để kể câu chuyện truyền cảm hứng bằng ngôn ngữ ẩm thực, đề cao tính bền vững và tinh hoa hương vị Việt.
Sự hiện diện của Michelin Guide tại xứ sở hình chữ S không chỉ là thành quả của quá trình đánh giá về “độ chín” của nền ẩm thực bản địa, mà còn thể hiện tiềm năng tiến xa trong tương lai, không chỉ ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội (Michelin Guide 2023) hay Đà Nẵng (Michelin Guide 2024) mà còn ở nhiều thành phố tại Việt Nam. Danh sách nhà hàng Michelin là “hệ quy chiếu” mang tính quốc tế, thúc đẩy các đầu bếp sáng tạo để nâng cao chất lượng nhằm duy trì và thu hút thêm nhiều thực khách đến trải nghiệm hơn. Bên cạnh sự cởi mở với trải nghiệm fine dining những năm gần đây, kỳ vọng của thực khách gia tăng đáng kể với những nhà hàng nằm trên “bản đồ ẩm thực” của Michelin Guide. Vì vậy các đại diện được xướng tên trong danh sách này sẽ là yếu tố góp phần tích cực thay đổi ngành ẩm thực Việt Nam.
Những đại sứ nâng tầm ẩm thực Việt Nam
Với độ nhận diện cao trong lòng du khách thế giới, chỉ riêng món phở đã có vô vàn biến tấu những năm gần đây. Bếp trưởng Peter Cuong Franklin từ Ănăn Saigon từng thu hút sự chú ý với trải nghiệm “100$ Phở” được chuẩn bị công phu; hay bếp trưởng Lê Trung với tô phở King “chọc trời” bằng những sơn hào hải vị như sườn non bò angus Mỹ, gan ngỗng Pháp, thịt bò wagyu A5, nấm truffle và hoàn thiện bằng lát vàng lá. Bếp trưởng SASCO Phạm Quang Duy lại biến tấu với hạt sen rang khô xay chung bột làm bánh phở, kết hợp nước dùng nấu với củ sen ngọt thanh mát lành để sáng tạo nên món phở Sen. Và dưới bàn tay bếp trưởng Trung Hậu từ nhà hàng Square One Saigon thuộc khách sạn Park Hyatt Saigon, món phở tiếp tục mang một hình hài phá cách lạ lẫm với bánh phở mềm dai làm từ tôm càng Bến Tre, “tắm” trong nước dùng trong vắt đậm vị tôm và điểm thêm chút mặn mà từ trứng cá tầm.
Dấu ấn ẩm thực Việt Nam cũng song hành cùng các đầu bếp trẻ tài năng dấn thân vào đấu trường quốc tế, so tài với các đại diện đến từ những nền ẩm thực hàng đầu khu vực. Sáu năm sau lần đầu tiên tham dự và sớm dừng bước tại vòng loại Bocuse d’Or châu Á - Thái Bình Dương 2018, đội tuyển Việt Nam đã chinh phục thành công ban giám khảo cuộc thi được ví như “thế vận hội của giới ẩm thực” để tiến vào vòng chung kết tại Lyon, Pháp. Dưới sự dẫn dắt của đầu bếp Vũ Xuân Trường, đội tuyển Bocuse d’Or Việt Nam đã sáng tạo mỹ vị vừa đáp ứng “đề bài” vừa khéo léo lồng ghép các yếu tố cốt lõi trong văn hóa Việt Nam. Truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” được kể qua nguyên liệu đặc trưng của Việt Nam, tỉ mỉ bài trí trên khay họa tiết lấy cảm hứng từ trống đồng Đông Sơn.
Nguyên liệu bản địa phong phú của Việt Nam cũng len lỏi tinh tế vào các thực đơn thưởng thức (Tasting Menu) tại nhà hàng fine-dining, như cách Bếp trưởng Sam Trần và đội ngũ nhà hàng một sao Michelin - Gia Restaurant sáng tạo món cơm đặc biệt trong thực đơn “Rừng Vàng Biển Bạc”: Cơm thơm hương thanh khiết từ hoa sen Bách Diệp được nuôi dưỡng bởi nước Hồ Tây, ăn kèm heo bản núi rừng Tây Bắc và món cá mang “nốt ấm của mặt trời lẫn nốt lạnh của lòng biển”.
Các thành viên đội tuyển Bocuse d’Or Việt Nam
Không chỉ liên tục sáng tạo trải nghiệm ẩm thực, những căn bếp nhà hàng tại Việt Nam luôn sôi sục một tinh thần cầu tiến và tiếp nối hành trình của thế hệ đi trước. Nhận thức tầm ảnh hưởng của ẩm thực Việt đã vươn ra toàn cầu, các đầu bếp Việt càng khao khát tu nghiệp ở nước ngoài, ở các cường quốc ẩm thực như Pháp hay Italy, để học hỏi từ những tên tuổi tài năng của thế giới, góp phần nâng tầm nền ẩm thực tại Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn.
>>Xem thêm: Top 7 thủ phủ fine dining tại Việt Nam 2025