share-arrow show-more-arrow watch101-hotspot instagram nav dropdown-arrow full-article-view read-more-arrow close email facebook w image-centric-view newletter-icon pinterest search thumbnail-view twitter view-image wondersauce
TEXT VIEW Article views bubble
IMAGE VIEW Article views bubble

W Coffee Talk KTS Chu Kim Đức & hành trình vì "Quyền được chơi" của trẻ em


ADVERTISEMENT

Theo đuổi sứ mệnh "không giống ai": tạo nên sân chơi vun đắp tuổi thơ và "quyền được chơi" của trẻ em, kiến trúc sư Chu Kim Đức đã được BBC bình chọn là một trong 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2020.

Khi đang theo học làm phim vào năm 2012, kiến trúc sư (KTS) Chu Kim Đức đã gặp gỡ một nữ nhiếp ảnh gia ngoại quốc mong muốn tặng cho Thủ đô một sân chơi vì bà nhận ra rằng "ở Hà Nội thì không tìm thấy sân chơi đúng nghĩa". Hành động đó đã truyền cảm hứng cho chị về “quyền được chơi” của trẻ, về những sân chơi đủ đầy trang bị. Một nơi trẻ em có thể tự do vui chơi cùng bạn bè mà không phải trả tiền.

Hạt giống đó đã ươm mầm một hành trình đầy ý nghĩa với nữ KTS: tạo ra không gian chơi cho trẻ em trong thành phố. Hiệu ứng tích cực và sự ủng hộ nhiệt thành của cộng đồng dành cho các sân chơi đầu tiên tiếp thêm động lực để Chu Kim Đức cùng với các đồng sự thành lập Think Playgrounds (TPG) - một đơn vị thiết kế xây dựng sân chơi, vườn cộng đồng và các không gian công cộng bền vững, tận tâm theo đuổi sứ mệnh này.

Khởi đầu khiêm tốn với sân chơi đầu tiên mang đến niềm vui cho trẻ em cư ngụ trên các nhà nổi nơi bãi giữa sông Hồng, đến nay, KTS Chu Kim Đức cùng đội ngũ của mình đã góp phần tạo dựng gần 300 sân chơi, một trong số đó được UNESCO Việt Nam trao giải Ba về Nghệ thuật tái chế. Với Chu Kim Đức, "cái 'lời' nhiều nhất chính là niềm vui, sự sảng khoái và thấy rằng mình đang làm điều đúng đắn, bền vững, có thể thay đổi chất lượng sống tại thành phố mình đang ở và có ký ức về nó".

Chị từng chia sẻ “một đô thị không thân thiện cho trẻ em thì tương lai của đô thị đấy có thể ít nhiều sẽ rơi vào tình trạng yếu ớt và bất ổn.” Điều đó có ý nghĩa gì?

Trên quan điểm về sức khoẻ đô thị, nếu một thành phố lấy trẻ em làm trọng tâm, tức đó là thành phố mạnh khoẻ. Sức khỏe đô thị không chỉ đơn thuần là sức khỏe của cư dân mà còn bao gồm chất lượng môi trường sống, khả năng tiếp cận dịch vụ, tính bền vững, và sự gắn kết cộng đồng. Một thành phố "mạnh khỏe" thường có các đặc điểm như không khí sạch, không gian xanh, giao thông an toàn, cơ hội giáo dục và y tế tốt, cùng với sự bình đẳng xã hội.

Trẻ em là nhóm dân cư nhạy cảm nhất trong xã hội. Nếu thành phố đáp ứng tốt nhu cầu của trẻ em, thường cũng thỏa mãn nhu cầu của các nhóm cư dân khác. Đây là nguyên tắc trong thiết kế đô thị gọi là "child-friendly cities" (thành phố thân thiện với trẻ em) được UNICEF và nhiều chuyên gia ủng hộ.


Sân chơi Chim Mai Hoa thuộc Công viên rừng Phúc Tân, bờ vở sông Hồng (Hà Nội)

Nếu lấy trẻ em làm trọng tâm, thiết kế đô thị sẽ cần thỏa mãn điều gì?

Trẻ em cần công viên, sân chơi, và đường phố an toàn để di chuyển, dù là đi bộ hay đạp xe. Điều này buộc thành phố phải giảm số lượng ô tô đồng thời cải thiện chất lượng không khí và tăng cường cây xanh, vốn mang lại lợi ích cho cả cộng đồng. Một thành phố ưu tiên trẻ em sẽ đầu tư vào trường học chất lượng cao, bệnh viện nhi khoa, và các chương trình dinh dưỡng. Đây là nền tảng cho sức khỏe dài hạn của dân cư. 

Trẻ em thường là cầu nối giữa các gia đình, vì vậy thành phố thân thiện với trẻ em sẽ thúc đẩy các sự kiện cộng đồng, khu vực công cộng dễ tiếp cận, từ đó tăng sự gắn kết xã hội. Đây là một yếu tố quan trọng của sức khỏe tinh thần. Vì trẻ em là thế hệ kế tiếp, thành phố sẽ cân nhắc yếu tố khí hậu và tài nguyên trong tương lai, thúc đẩy chính sách bền vững như giảm khí thải, tái chế, và bảo vệ môi trường.


Sân chơi hòa nhập tại Vườn Giám, trong khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Những điều này được ứng dụng trong thực tế như thế nào?

Chẳng hạn như Copenhagen, Đan Mạch. Thành phố này nổi tiếng với hệ thống giao thông ưu tiên người đi bộ và xe đạp, rất an toàn cho trẻ em. Kết quả là không chỉ trẻ em mà cả người lớn đều khỏe mạnh hơn nhờ vận động nhiều và không khí sạch. Hay Bogotá, Colombia, có chương trình "Ciclovía" đóng cửa đường phố cho ô tô vào Chủ nhật, tạo không gian cho trẻ em và gia đình vui chơi. Điều này cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của cư dân.

Ở Việt Nam, Think Playgrounds từng thực hiện các hoạt động biến bãi đỗ xe thành sân chơi, hay "playstreet" trên phố đi bộ Đào Duy Từ. Mới đây nhất là các công viên rừng bờ vở sông Hồng vừa tạo không gian sinh hoạt cộng đồng vừa cải tạo và nuôi dưỡng hệ sinh thái bản địa bền vững.


KTS Chu Kim Đức - Đồng sáng lập Think Playgrounds

Nhận thức của cộng đồng về “Quyền được chơi” của trẻ em Việt Nam những năm gần đây đã biến chuyển ra sao?

Trong suốt nhiều năm, xã hội Việt Nam, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ văn hóa “học để thành công”. Cha mẹ thường ưu tiên việc học thêm, thi cử cho con hơn là để trẻ có thời gian chơi. Thậm chí nhiều phụ huynh xem vui chơi là “xa xỉ” hoặc “phụ trợ”. Kể từ khi chúng tôi bắt đầu tổ chức các sự kiện chơi, làm thêm nhiều sân chơi công cộng, được các cơ quan truyền thông chú ý và đưa tin về vấn này, ngày càng nhiều phụ huynh trẻ quan tâm và ý thức rõ hơn về vai trò quan trọng của việc chơi trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ.

Sân chơi lấy cảm hứng từ "biến tấu" trong ngôn ngữ điêu khắc mô-đun của cố nghệ sĩ Điềm Phùng Thị.

Sân chơi trẻ em trong ký ức thời thơ ấu của chị là gì? Các sân chơi ngày nay đã “tiến hóa” như thế nào so với thuở ấy?

Sân chơi trong ký ức của tôi là các vỉa hè, con phố tĩnh lặng. Trẻ em có thể đi học an toàn. Không gian thiên nhiên yên bình. Các sân chung có nhiều bạn bè đồng trang lứa. Đó là điều hiếm thấy ngày nay. Các sân tập thể đã mất đi, thay vào đó là các hoạt động kinh doanh buôn bán. Trẻ em ra đường đối mặt với nhiều nguy hiểm và không thể tự chủ đi lại như thời chúng tôi.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với chị khi đi xây sân chơi dọc miền đất nước là gì?

Chúng tôi đã xây dựng được hơn 270 sân chơi trên toàn quốc. Mỗi sân chơi là một câu chuyện, nhưng đáng nhớ nhất là những sân chơi đầu tiên, khi chúng tôi còn là một nhóm tình nguyện.


Các ngày cuối tuần đi làm sân chơi, được chứng kiến sự thay đổi không gian trước vào sau khi sân chơi hình thành. Đó là niềm vui rất trọn vẹn. - KTS Chu Kim Đức


Xây dựng sân chơi cho trẻ em ở đâu thử thách hơn: thành thị hay nông thôn?

Mỗi một bối cảnh đều có thử thách. Đôi khi ta nghĩ rất khó tìm được không gian chung ở thành phố, nhưng thực ra lại có nhiều nơi có thể thành sân chơi. Cái vướng mắc là tìm được nguồn lực, sự đồng thuận, hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Với nông thôn, có thể nhiều không gian hơn, nhưng đôi khi cũng không dễ tìm được nơi phù hợp để tiếp cận, có cơ sở hạ tầng an toàn tốt. Đặc biệt là xu hướng bê tông hoá khiến nhiều nơi tuy rộng nhưng không xanh mát để làm sân chơi.

Sân chơi Phúc Tân ứng dụng vật liệu tái chế và thân thiện với thiên nhiên trong thiết kế.

Chị từng chia sẻ “Các dự án thành công chỉ bằng nửa số thất bại.” Đâu là thất bại lớn nhất mà TPG từng trải qua, rút kinh nghiệm gì cho các dự án tiếp theo?

Thất bại lớn nhất thường xuất phát từ các không gian bị chia sẻ bởi nhiều lợi ích khác nhau, khiến cho sân chơi không thành hình. Nguồn lực dành cho sân chơi cũng khó huy động bởi còn rất nhiều mối quan tâm khác được coi là cấp thiết hơn.

Nhiều dự án của TPG, như Công viên sinh thái cộng đồng Cửa Đại “Chim hoang dã”, có sự tham gia của nhiều bên. Làm sao TPG cân bằng yêu cầu và kỳ vọng của các bên?

Điều quan trọng nhất là tìm được đối tác cùng chia sẻ giá trị chung về sự bền vững của dự án, tầm nhìn trong quy hoạch cũng như giá trị của đa dạng sinh thái. Chỉ như vậy mới có thể cùng nhau làm được nhiều việc khó.


Công viên sinh thái cộng đồng Cửa Đại (Quảng Nam) được cải tạo từ hơn một hec-ta không gian trống.

Hơn 10 năm với hàng trăm dự án. Mỗi dự án đều có tính thể nghiệm: mô hình các-bon thấp, triết lý thiết kế sân chơi từ quốc gia trên thế giới… TPG luôn thể hiện sức sáng tạo không giới hạn, chịu “chơi” và phiêu lưu. Chị nghĩ sao về điều này?

Điều này minh chứng cho sự thích ứng và linh hoạt của TPG, luôn chuyển hướng, tìm kiếm các dòng chủ lưu trên thế giới để bắt kịp và chuyển đổi cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm thêm các sân chơi cho cộng đồng trong năm nay, mở rộng Tuyến đường sinh thái trong dự án làm tại khu vực Bờ vở Quận Hoàn kiếm trong suốt hơn 3 năm qua. Chúng tôi cũng đang tư vấn cho phường Phúc Xá (Hà Nội - NV) cải tạo chất lượng nước thải chảy qua khu vực cánh đồng hoa check-in bằng phương pháp sinh thái, thuận tự nhiên bền vững, để từng bước nâng cao chất lượng không gian tại khu vực ven sông.

>>Xem thêm: Kiến trúc xanh & bền vững: Câu chuyện từ kiến trúc sư Phạm Hữu Sơn


ADVERTISEMENT