The Art Corner Thông điệp sống qua những bộ phim “bất hủ” của Studio Ghibli
Studio Ghibli là ngôi nhà hoạt hình huyền thoại của xứ “Mặt trời mọc”. Vốn nổi tiếng với những khung hình vẽ tay sống động, mỗi bộ phim của Studio Ghibli là một cầu nối, dẫn dắt người xem đến thế giới giả tưởng đầy mê hoặc. Nhưng đằng sau chúng lại ẩn chứa nhiều bài học về cuộc sống mang đậm tính nhân văn. Điều đó đã khiến nhiều người phải đặt câu hỏi, liệu hoạt hình có còn là thể loại phim dành riêng cho trẻ con?
Tại bài viết này, hãy cùng WOWWEEKEND điểm qua những thông điệp sâu sắc được Studio Ghibli gửi gắm đến khán giả nhé!
Bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân
Từng xuất sắc đoạt giải Oscar năm 2003, Vùng đất linh hồn (2001) là câu chuyện về hành trình trưởng thành của cô bé Chihiro khi vô tình bị mắc kẹt trong một thế giới tâm linh, mà có thể sẽ giữ cô và gia đình ở lại mãi mãi.
Bộ phim đã khắc họa chân thực nỗi sợ của rất nhiều đứa trẻ khi bị tách khỏi cha mẹ. Nhưng đồng thời nó cũng hàm chứa ý nghĩa ẩn dụ tuyệt đẹp, về hành trình trưởng thành của mỗi người.
Tất cả chúng ta, ai rồi cũng phải học cách thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân, chinh phục nỗi sợ và trở nên tự chủ hơn. Giống như cách mà nhân vật Chihiro đã chiến thắng bản thân và chạy băng băng xuyên qua đoạn đường hầm, hướng đến tương lai phía trước.
Tình yêu không có biên giới
Nếu kết thúc của câu chuyện Nàng tiên cá (Andersen) từng khiến nhiều người thất vọng, thì Cô bé người cá Ponyo (2008) mang đến sự chữa lành tuyệt vời cho khán giả. Tình bạn dễ thương giữa Ponyo và Sosuke là minh chứng của tình yêu vượt ra khỏi ranh giới về độ tuổi hay hình dạng. Và đó là chìa khóa để Ponyo có được trái tim của Hoàng tử, cũng là phép màu biến cô bé trở thành con người, giống như bao nàng tiên cá khác.
Studio Ghibli một lần nữa khẳng định thông điệp về tình bạn tốt đẹp qua bộ phim Thế giới bí mật của Arrietty (2010). Dù khác biệt về kích cỡ và chủng tộc, cô bé tí hon Arrietty và cậu bé Shou đã bất chấp định kiến của người lớn để trở thành những người bạn thân thiết của nhau.
Từ phim đến thế giới thực, chúng ta cũng nên đối xử tốt với tất cả mọi người dù có những khác biệt về màu da, văn hóa, v.v.
Tìm kiếm bản ngã và mục đích sống
Hơn cả một câu chuyện tình yêu đơn thuần, Lâu đài bay của pháp sư Howl (2004) là bức thông điệp đa tầng về cuộc sống và con người. Trong đó, nổi bật trên tất cả là hành trình học cách chấp nhận bản thân của Sophie và Howl. Mặc dù cả hai có vẻ ngoài và nội tâm hoàn toàn trái ngược, nhưng bằng sức mạnh tình yêu, họ đã tìm về đúng bản chất tốt đẹp của chính mình.
Câu thoại kinh điển của Howl trong những phân cảnh cuối đã thể hiện trọn vẹn thông điệp về mục đích sống mà bộ phim muốn gửi gắm. Khi Sophie đề xuất Howl chạy trốn khỏi chiến tranh, chàng phù thủy đã đáp lời:
“Anh đã chạy trốn đủ rồi, Sophie. Giờ đây, anh đã có thứ cần bảo vệ. Đó chính là em”.
Bảo vệ môi trường
Tưởng chừng một đề tài khô khan và nặng tính giáo dục như “bảo vệ môi trường” sẽ rất khó để truyền tải, nhưng Studio Ghibli đã cho thấy điều ngược lại. Công Chúa Mononoke (1997) là câu trả lời cho trận chiến phi nghĩa giữa con người và thiên nhiên.
Cuối cùng, sẽ không thể có chiến thắng cho bất cứ ai, nhưng tất cả những gì đọng lại là hy vọng về sự chung sống hòa bình giữa thiên nhiên và con người, như một quy luật được tạo hóa sắp đặt.
Đề cao giá trị của hòa bình
Không ít lần Studio Ghibli đã lên án tội ác của chiến tranh trong những bộ phim ăn khách như Lâu đài bay của pháp sư Howl (2004), Công Chúa Mononoke (1997). Nhưng nếu có một tác phẩm được xem là nốt trầm day dứt nhất trong lịch sử của hãng, thì đó chắc chắn là Mộ đom đóm (1988).
Xuyên suốt bộ phim là màu sắc u ám của chiến tranh. Nó được miêu tả chân thực bởi tiếng máy bay rền rĩ trên bầu trời, và hình ảnh đoàn người chạy loạn giữa những hoang tàn, đổ nát. Nhưng đau lòng hơn cả là sự tăm tối, thờ ơ đến ích kỷ của những người chung cảnh ngộ trong thời chiến.
Bộ phim mang lại cảm giác lắng động trước bi kịch của kiếp người tựa "đom đóm" giữa khói lửa bom đạn. Qua đó, nhà sản xuất đã thành công chạm đến lòng trắc ẩn và khơi gợi tình yêu hòa bình ở những người xem.